“Giáo viên ruột” của hiệu trưởng

30/12/2019 06:42
THẠCH LAM SƠN
(GDVN) - “Giáo viên ruột” là những chiếc “cần ăng ten”, xoay đủ “bốn phương tám hướng”, thu thập mọi tin tức cho hiệu trưởng.

Nếu ở cơ quan, ban ngành khác có những “đệ tử ruột” của các “sếp” thì trong nhà trường, hiệu trưởng cũng có những “giáo viên ruột” của mình.

Tôi đã từng chứng kiến những “đệ tử ruột” của “sếp” luôn được “ưu ái” như thế nào trong các mặt hoạt động của cơ quan.

Nói không quá lời, có khi “đệ tử ruột” còn “vượt quyền” hơn cả các phó giám đốc. Có vị phó giám đốc, biết “đệ tử” của “sếp” làm những điều sai trái, vụ lợi nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, rất cay đắng.

Thói nịnh bợ sếp (Ảnh minh họa: H.Lộc).
Thói nịnh bợ sếp (Ảnh minh họa: H.Lộc).

Hiệu trưởng luôn có nhu cầu chọn “giáo viên ruột” để làm “tai mắt” cho mình vì chiếc ghế “ngon lành” này nhiều người luôn dòm ngó, thèm muốn vì nó thường “đẻ ra trứng vàng”.

“Giáo viên ruột” là những chiếc “cần ăng ten”, xoay đủ “bốn phương tám hướng”, thu thập mọi tin tức cho hiệu trưởng.

Những “giáo viên ruột” thường là những người thích tâng bốc, nịnh bợ hiệu trưởng; không nhất thiết là tổ trưởng, tổ phó gì cả.

Họ thường ra vào phòng hiệu trưởng thường xuyên để tâm sự, báo lại những điều “mắt thấy tai nghe” trong nhà trường cho hiệu trưởng “nắm bắt kịp thời”.

“Giáo viên ruột” phải chọn người trung thành, có thể trình độ chuyên môn không bằng người khác nhưng luôn biết làm vừa lòng hiệu trưởng là được.

Có những “giáo viên ruột” được “đặc cách” đưa đoàn học sinh giỏi của trường đi ôn luyện ngoài Hà Nội.

Người này từ Hà Nội về nhà (một tỉnh miền tây Nam bộ) đều đặn mỗi tuần một lần như đi chợ. Nội tiền vé máy bay lên đến hàng chục triệu đồng nhưng chẳng có ai dám thắc mắc gì cả.

Nịnh trong trường học
Nịnh trong trường học

Có thể nói không có một hiệu trưởng nào mà lại không có một số “giáo viên ruột” của mình. Bởi nếu không có những “ruột rà” này thì hiệu trưởng khó mà biết được mọi việc xảy ra hàng ngày trong trường.

Mặc dù có kiểm tra, có tham khảo báo cáo hàng tuần của các tổ, các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, đội thiếu niên nhưng đó chỉ là những báo cáo “bề nổi” mà thôi.

Nếu những “giáo viên ruột” này làm những việc tích cực, biết lựa lời ngăn ngừa những việc làm sai của hiệu trưởng thì có ích cho nhà trường, cho bản thân hiệu trưởng rất nhiều.

Trên thực tế cũng có những “giáo viên ruột” dám nói như vậy nhưng hiếm hoi lắm. Nhưng thói đời có mấy ai thích nghe lời “cay đắng”, lời thẳng thắn đâu.

Trong cơn say quyền lực, có mấy ai nhớ đến câu ca dao của người xưa khuyên nhủ: “Mật ngọt thì ruồi chết tươi/ Những nơi cay đắng là nơi thật thà”.

Cũng chính vì thích nghe lời đường mật, lời tâng bốc mà khi xảy ra hậu quả, nhiều người mới nhận ra sự thực nhưng đã muộn rồi.

Thực trạng “giáo viên ruột” tạo nên sự bất công trong đối xử của hiệu trưởng với các giáo viên khác trong nhà trường.

Nhận ra được thực trạng này, tập thể sư phạm nhà trường sẽ có các biện pháp đấu tranh phù hợp để mang lại một môi trường sư phạm lành mạnh, trong sạch…

THẠCH LAM SƠN