Giáo viên Tổng phụ trách Đội còn lắm thiệt thòi!

05/08/2020 06:45
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Luật, giáo viên được nghỉ hè 2 tháng nhưng giáo viên Tổng phụ trách Đội vẫn phải duy trì sinh hoạt hè cho học sinh hàng tuần nên gần như không được nghỉ hè.

Thời điểm mà giáo viên trên cả nước đã được nghỉ hè, nếu ai được phân công ôn thi, điều động đi coi thi, chấm thi thì họ cũng sẽ có chế độ. Tuy nhiên, trong các nhà trường tiểu học và trung học cơ sở vẫn có những thầy cô âm thầm làm nhiệm vụ của mình- đó là những giáo viên làm Tổng phụ trách Đội.

Họ vẫn đang duy trì các hoạt động sinh hoạt hè cho học sinh trong nhà trường, vẫn cùng học sinh tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao… theo kế hoạch của Hội đồng Đội và ngành Giáo dục phát động.

Họ vẫn duy trì việc sinh hoạt các hoạt động tập thể cho học sinh với một mục đích duy nhất là giúp cho các em có những trải nghiệm, có kỹ năng cần thiết trong học tập và rèn luyện.

Nhưng quyền lợi của giáo viên Tổng phụ trách Đội trong những tháng hè gần như chẳng có gì bởi chưa có văn bản nào hướng dẫn chi trả tiền công lao động “ngoài giờ” cho họ trong dịp hè.

Vì vậy, hàng năm thì họ vẫn là những người “vác tù và hàng tổng” trong các trường học.

Quyền lợi đãi ngộ đối với giáo viên Tổng phụ trách Đội hiện nay chưa tương xứng (Ảnh minh họa: Báo Nghệ An)

Quyền lợi đãi ngộ đối với giáo viên Tổng phụ trách Đội hiện nay chưa tương xứng

(Ảnh minh họa: Báo Nghệ An)

Nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên Tổng phụ trách đội được quy định ra sao?

Theo hướng dẫn tại Điều 3 của Thông tư số 27/2017/TT-BGDĐT ngày 8/1/2017 đối với những giáo viên làm công tác Tổng phụ trách Đội thì chức danh này có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên ở mỗi cấp học theo quy định tại Điều lệ trường học hiện hành.

2. Tham mưu cho hiệu trưởng các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong phạm vi nhà trường.

3. Lập kế hoạch, tổ chức, quản lý các chương trình hoạt động cho đội viên, học sinh trong nhà trường theo kế hoạch của ngành Giáo dục, chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi của Hội đồng Đội các cấp.

4. Xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đội trong nhà trường theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; bồi dưỡng đội ngũ phụ trách chi đội, ban chỉ huy Đội các cấp.

5. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi, hoạt động giáo dục trong nhà trường.

6. Học tập, rèn luyện và tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, công tác Đội và phong trào thiếu nhi do ngành Giáo dục, Hội đồng Đội các cấp tổ chức để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

7. Được bảo đảm các điều kiện để thực hiện các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi, các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.

Như vậy, chúng ta thấy giáo viên Tổng phụ trách đội vừa là người tham mưu vừa là người tổ chức, thực hiện các hoạt động Đội trong các nhà trường. Đồng thời, họ còn phải luôn phối hợp với Hội đồng Đội, Ban chấp hành xã (phường) Đoàn để thực hiện các hoạt động Đội tại địa phương.

Trong trường, họ luôn phối hợp chặt chẽ với các giáo viên chủ nhiệm để quản lý, giáo dục nền nếp học sinh và tổ chức các hoạt động tập thể, ngoài giờ trong nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế trong trường học thì họ làm vô số những công việc mà Hiệu trưởng nhà trường phân công như: xử lý học sinh vi phạm, lo mảng vệ sinh trường học, phân công trực cờ đỏ, điều hành các buổi sinh hoạt dưới cờ, quản lý học sinh toàn trường trong các buổi học…

Định mức giờ dạy của giáo viên Tổng phụ trách Đội hiện nay

Theo quy định hiện nay thì giáo viên Tổng phụ trách Đội ở vùng cao, hải đảo, vùng sâu thì những trường trên 19 lớp thì Tổng phụ trách chuyên trách không phải giảng dạy.

Nếu bố trí giáo viên Tổng phụ trách Đội chuyên trách giảng dạy thì số giờ hoặc số buổi này được thanh toán theo chế độ vượt giờ hiện hành.

Trường từ 10 đến 19 lớp thì Tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 3 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 3 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.

Đối với các địa bàn còn lại thì đa phần giáo viên Tổng phụ trách Đội phải dạy theo số tiết quy định mới được hưởng phụ cấp đứng lớp.

Trường có từ 28 lớp trở lên thì Tổng phụ trách chuyên trách không giảng dạy. Nếu bố trí giáo viên trung học cơ sở dạy 4 tiết/tuần hoặc giáo viên tiểu học dạy 1 buổi/tuần thì số giờ hoặc buổi này được thanh toán vượt giờ theo chế độ hiện hành.

Trường có từ 18 đến 27 lớp thì Tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 8 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 2 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.

Trường có dưới 18 lớp thì Tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 10 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 3 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.

Trong khi số trường mà có từ 28 lớp trở lên hiện nay không nhiều, chỉ tập trung ở khu vực đô thị. Những trường ở khu vực nông thôn thường chỉ dao động trên dưới 20 lớp học mà thôi.

Vì thế, giáo viên Tổng phụ trách Đội thường phải dạy từ 1/3 đến 1/2 định mức theo quy định là khá phổ biến nên nếu so với những thầy cô dạy lớp bình thường thì những nhà giáo làm công tác Đội vất vả hơn rất nhiều. Bởi họ vừa dạy theo định mức vừa làm việc theo giờ hành chính.

Trong khi, các phong trào của nhà trường, của Đội lại thường tổ chức vào ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật, dịp hè, cận Tết Nguyên đán) nên họ không chỉ đi thường xuyên các ngày trong tuần mà các ngày nghỉ, lễ, tết nhiều khi vẫn phải đi làm.

Ngày hè, giáo viên dạy lớp nghỉ, giáo viên Tổng phụ trách Đội vẫn đều đều đến trường.

Theo quy định hiện nay thì giáo viên được nghỉ hè 2 tháng nhưng giáo viên Tổng phụ trách Đội vẫn phải duy trì sinh hoạt hè cho học sinh hàng tuần nên gần như không được nghỉ hè.

Bởi các trường học vẫn suy trì sinh hoạt hè từ 2-4 buổi (tùy thuộc vào số lượng học sinh để phân chia) cho học sinh nên giáo viên Tổng phụ trách Đội vẫn liên tục phải vào trường tổ chức, duy trì sinh hoạt Đội.

Đặc biệt là dịp hè thì có rất nhiều hoạt động được ngành Giáo dục, Hội đồng Đội huyện (thị xã, thành phố), xã (phường) Đoàn phát động nên có những phong trào phải chuẩn bị nhiều ngày mới có thể tham gia được.

Vậy nên, nhiều khi cao điểm thì giáo viên Tổng phụ trách Đội phải thường xuyên có mặt ở trường vào các ngày trong tuần.

Vậy nhưng, ngoài chế độ tiền lương giống giáo viên, phụ cấp (hệ số 0,1- 0,2) ra thì việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh trong thời gian này không hề có thêm chế độ nào nữa.

Chính vì trách nhiệm nhiều, thời gian làm việc nhiều hơn nhưng quyền lợi lại không hơn giáo viên dạy lớp nên việc phân công giáo viên Tổng phụ trách Đội ở các trường tiểu học và trung học cơ sở hiện nay thường gặp rất nhiều khó khăn và thường phải thay đổi liên tục.

Nên chăng, ngành Giáo dục cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với công việc (nhất là vào dịp hè) với giáo viên Tổng phụ trách Đội để khi được phân công nhiệm vụ này thì giáo viên không phải tìm cách thoái thác và họ sẽ dành nhiều tâm huyết hơn cho công việc.

Cả nước hiện có khoảng 27.000 giáo viên Tổng phụ trách Đội, vai trò của họ trong các nhà trường rất lớn nhưng tiếc rằng các văn bản hướng dẫn hiện nay mới tập trung vào trách nhiệm chứ chưa chú trọng đến quyền lợi của đội ngũ nhà giáo đảm nhận vị trí này.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-27-2017-TT-BGDDT-giao-vien-Tong-phu-trach-Doi-Thieu-nien-Tien-phong-Ho-Chi-Minh-367575.aspx

http://thukyluat.vn/vb/thong-tu-28-2009-tt-bgddt-quy-dinh-che-do-lam-viec-giao-vien-pho-thong-178e7.html

http://thukyluat.vn/vb/thong-tu-23-ttln-huong-dan-cong-tac-phu-cap-trach-nhiem-giao-vien-tong-phu-trach-doi-tntp-hcm-truong-pho-thong-a64c.html

NGUYỄN NGUYÊN