Ngày 26/12/2019, xác nhận với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Ủy ban nhân dân quận đã thành lập tổ công tác, kiểm tra và xác minh những điều giáo viên khiếu nại tại trường trung học cơ sở Hồng Bàng.
Hiện tổ công tác này vẫn đang trong thời gian làm việc, và sẽ sớm có kết luận những vấn đề giáo viên nêu ra.
Nhiều năm nay, tài chính không minh bạch và công khai
Cô Nguyễn Thị Thanh Lộc – giáo viên của Trường trung học cơ sở Hồng Bàng là người viết đơn khiếu nại, gửi các cơ quan có thẩm quyền của quận 5, cho biết từ nhiều năm nay, dưới thời Hiệu trưởng Trần Đức Khanh (hiện đã nghỉ hưu từ cuối tháng 9/2019), nhà trường chưa hề công khai tài chính, minh bạch cho giáo viên biết.
Trích đơn khiếu nại về tài chính không được công khai của Trường trung học cơ sở Hồng Bàng (ảnh: P.L) |
Theo cô Thanh Lộc, nhất là các khoản thu hoạt động từ phía nhà trường, như khoản tăng cường tiếng Anh, tăng cường tin học, thể dục ngoại khóa, hoạt động tổ chức bán trú…
Đặc biệt là không công bố số liệu thu được bao nhiêu, chi bao nhiêu, còn lại bao nhiêu…
Thậm chí một số hoạt động có tỷ lệ % thể hiện chi cho người thực hiện công việc, nhiều năm cũng chi không đúng theo văn bản đã định (phục vụ bán trú – quản sinh là 45%).
Tài chính luôn công khai rõ ràng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Hồng Bàng, quận 5 – ông Trần Đức Khanh nói rằng, các thu chi gì trong trường, mức ra sao đều thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ của trường.
Quy chế này được đưa về công khai cho giáo viên của các tổ thảo luận (từ trước khi hội nghị cán bộ công chức viên chức diễn ra một tháng), có ra biên bản đầy đủ.
Sau đó, nhà trường mới ra nghị quyết, đưa vào thực hiện. Còn những vấn đề cô Thanh Lộc đề cập là các khoản nằm trong Dự thảo Quy chế phúc lợi.
Trường trung học cơ sở Hồng Bàng, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L) |
Ông Trần Đức Khanh giải thích: Trong trường có những khoản chi, thu không thể đưa vào quỹ phúc lợi được.
Cũng theo ông Trần Đức Khanh, trong một ngôi trường thì có rất nhiều hoạt động, chi rất nhiều khoản, có những khoản phải đưa vào quỹ cải cách tiền lương, có cái thì trích vào các quỹ khác, chi tiết nằm trong Quy chế chi tiêu nội bộ thể hiện rất rõ.
Quy chế này cũng được đồng thời gửi đến các cơ quan có liên quan của quận để theo dõi, giám sát, nên sao trường dám làm sai được?
Riêng về tỷ lệ % chi cho hoạt động phục vụ bán trú trong nhà trường, ông Trần Đức Khanh giải thích tiếp: Hồi năm 2011, trường làm công tác phục vụ bán trú, nhưng hồi đó, con số tiền thu được cũng còn ít quá.
Trường lại cần có người được học qua lớp An toàn vệ sinh thực phẩm, mà trong trường không có ai, nên cơ sở nấu ăn bán trú cho trường mới đưa qua 4 người, gọi là chi 11% nhưng thực tế chỉ chi có 4% trên tổng số tiền thu được của học sinh. Số tiền không chi thì đưa về các quỹ của trường.
Tuy nhiên, Kế toán của trường vẫn giữ con số chi này từ năm 2011 đến nay, không thay đổi
Còn tỷ lệ chi dành cho quản sinh phục vụ bán trú là 45%, ông Trần Đức Khanh nói thực hiện hồi năm 2011, do số tiền khi đó thu còn ít, nên mới để tỷ lệ này.
Hiện trường chi cho thầy cô giáo làm nhiệm vụ quản sinh bán trú là 1,9 triệu đồng/người/tháng, tương đương 40%, lương khoán việc, nhưng cũng có tình trạng thầy cô làm ít hay nhiều công việc khác nhau, do sĩ số các lớp ít nhiều không giống nhau.