GS Nguyễn Lân Dũng: 'Tôi nhớ tới lời của bạn tôi, thầy Văn Như Cương'

14/02/2013 07:46
Quyên Quyên
(GDVN) - "Trừ các nhà Toán học ra còn thì trong xã hội chả có ai dùng đến đạo hàm, tích phân. Vậy bắt học sinh học để làm gì?"...
LTS: Trong bài trò chuyện trước thềm Xuân Quý Tỵ cùng Giaoduc.net.vn, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cũng đưa ra quan điểm về việc học sinh bây giờ sướng hay khổ. Vị giáo sư đầu ngành về khoa học sinh học của Việt Nam còn nói chuyện về những người cha, người thầy, về cách dạy con theo cách hóm hỉnh rất riêng mà mọi người thường thấy ở ông.

Đặc biệt, với sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, ông nói rất ngắn gọn nhưng đi thẳng vào vấn đề nhức nhối nhất: "Chỉ tập trung một việc là làm lại Bộ Chương trình Giáo dục phổ thông chuẩn cũng đủ tạo ra một bứt phá rõ rệt trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục". Vốn am tường rất nhiều lĩnh vực nhưng vị Đại biểu Quốc hội được xếp vào hàng "tứ trụ" (Nhất Thước/Nhất Ngoạn - Nhì Trân - Tam Lân - Tứ Quốc) không thích nói nhiều về lý thuyết mà luôn xắn tay vào thực hiện, đấy chính là điều chúng tôi cảm nhận được từ con người ông...

Đầu Xuân Quý Tỵ, Giaoduc.net.vn trân trọng đăng tải bài nói chuyện với GS Nguyễn Lân Dũng dưới đây.

Học sinh thời nay khổ vì bị nhồi nhét

Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, vào thời của ông, việc học có nặng nề, trở thành áp lực cho học sinh hay không? 

Không hề như vậy. Mặc dầu chúng tôi học có 2 năm rưỡi và đi bộ mỗi ngày 4 lần từ Việt Nam học xá (khi ĐH Bách khoa bây giờ) lên 19 Lê Thánh Tông và cơm ăn với thức ăn hầu như chủ yếu là... bí ngô, rau muống, lót dạ chỉ có củ khoai, củ sắn (!) nhưng vẫn ra lò với đủ các tên tuổi đầu ngành như: "Lâm Lê Tấn Vượng" (các giáo sư đầu ngành Sử và khảo cổ học: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng - pv), Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Đàm Trung Đồn, Cao Xuân Hạo, Cao Huy Đỉnh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ...

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Học sinh thời nay vừa sướng, vừa khổ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Học sinh thời nay vừa sướng, vừa khổ.
Vậy Giáo sư cho rằng học sinh thời nay sướng hay khổ?
Học trò bây giờ sướng hay khổ? 

Bài cùng chủ đề:
'Học trò bây giờ sung túc mà không sung sướng''

Theo bạn, học trò bây giờ sướng hay khổ (so với thế hệ trước, hoặc so với nước ngoài, hoặc dựa trên một tiêu chí nào đó tùy bạn chọn v.v.)?

Hãy cùng viết bài, góp ý kiến để đối thoại, thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về chủ đề này. 

Thậm chí, bạn có thể đặt câu hỏi cho một nhà chuyên gia nào mà bạn đề nghị, BBT sẽ tập hợp để gửi đến chuyên gia đó. Trân trọng! (ví dụ: đặt câu hỏi cho GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Lân Dũng v.v.)

BẤM VÀO ĐÂY để gửi bài viết, ý kiến, câu hỏi
Vừa khổ, vừa sướng. Khổ vì bị nhồi nhét, bị chịu quá nhiều áp lực về chuyện thi cử, đút lót để xin việc làm kể cả trái ngành nghề, kể cả phải có thêm bằng tin học, bằng ngoại ngữ để được làm ở một công ty... nhỏ xíu. Sướng vì chẳng phải đi bộ xa và ăn uống kham khổ như thời chúng tôi. Và sướng vì học đại học mà quá nhàn hạ, lại có đủ phương tiện hỗ trợ của công nghệ thông tin. Tuy nhiên không ít các bạn trẻ chưa có quyết tâm học cho tương lai của mình, phần đông còn học để thi, học vì gia đình, học vì bạn gái (!)
Trong dịp Tết Nguyên đán, tại nhiều trường, học sinh vẫn nghỉ Tết kèm theo bài tập về nhà. Quan điểm của Giáo sư như thế nào về việc giao bài tập Tết dành cho học sinh?
Thế thì còn gọi gì là nghỉ Tết, chơi Tết, vui Tết nữa? Có hơn 1 tuần lễ thôi, chưa kể lo chuyện tầu xe, quà cáp, thăm hỏi gia đình, họ hàng, xóm làng, thầy cô giáo cũ... Họ làm gì có thời gian và tâm trí để... làm bài tập? Thầy cô hành hạ suốt năm rồi còn chưa đủ hay sao?
Nhiều bạn trẻ bây giờ thích có thần tượng, sính dùng từ "thần tượng" như một cái mốt. Điển hình trong năm qua là chuyện "thần tượng K-pop" khiến xã hội bàn luận rất nhiều. Với Giáo sư thì thời đi học ông có... "thần tượng" ai và có "thần tượng" theo cách như vậy không?

Lớp 7E của chúng tôi (cách đây 62 năm) vẫn thường xuyên tụ họp với nhau và chúng tôi thấy thật may mắn khi ngay từ lớp 7 đã được học các thầy giáo tài hoa như các thầy Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Hoàng Như Mai, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, họa sĩ Nguyễn Khang... Thật là chuyện hiếm có phải không các bạn, đúng là những thần tượng của thế hệ chúng tôi.

Giáo sư có thể chia sẻ kỷ niệm về người thầy đáng nhớ nhất?

Thầy Nguyễn Thương là thầy dạy Toán trước đây của tôi và cũng là thầy của con gái tôi sau này. Thầy thích dạy thêm vì lòng yêu nghề chứ không phải vì tiền, các con thầy đều thành đạt và giàu có. Một điều kỳ lạ là thầy dạy một lúc 5 cháu ở nhiều lớp khác nhau ngay tại nhà tôi. Bọn trẻ rất hiếu động, nhưng khi nghe thầy nói: “Các cháu yên lặng nào” là các cháu im phăng phắc ngay. Thầy hỏi từng đứa học đến đâu rồi và thầy giảng lại kỹ càng phần lý thuyết rồi ra ngay bài tập cho từng cháu. Thầy đi tay không, trong tay không có quyển sách nào, nhưng thầy dạy rất hay và bài tập rất phù hợp với chương trình. Rất tiếc những người như thầy lại không hề được mời tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa.
Nhiều người cho rằng, đạo thầy trò ngày nay không được bằng xưa kia, Giáo sư có đồng ý với quan điểm này không? Theo Giáo sư, quan hệ giữa thầy và trò thời xưa và thời nay khác nhau thế nào?

Không nên đánh giá chung như vậy. Sinh viên của tôi rất tình nghĩa, dù là đã học không nhiều và từ cách đây khá lâu. Các con và cháu của tôi cũng rất yêu quý các thầy cô của mình. Chỉ có điều cuộc sống mới bận rộn hơn với nhiều nghĩa vụ khác nhau nên chuyện "Mồng một nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy" hầu như không còn phổ biến nữa. Nhà cha nhà mẹ hầu như dồn cả vào mồng một, còn lại là dành cho bạn bè và những chuyến du lịch đầu Xuân. Thế cũng là tốt chứ có sao đâu. Miễn là đừng quên ơn các thầy cô của mình, từ những ngày thơ ấu cho đến lúc làm luận án sau Đại học.

Đánh mắng con cái là hạ sách

Thưa Giáo sư, là thành viên trong một gia đình nổi tiếng với truyền thống học hành, đỗ đạt, Giáo sư có thể chia sẻ cách dạy con của những người cha - người thầy trong gia đình?

Điều đầu tiên phải nói là bố tôi nuôi 8 người con trong điều kiện 2 cuộc kháng chiến rất vất vả. Có thể nói, nhà rất khó khăn về kinh tế, vì trong kháng chiến chống Pháp, bố tôi là Giám đốc Giáo dục liên khu 10 rồi liên khu Việt Bắc nhưng lương chỉ được phát bằng mấy chục cân gạo. Bố tôi phải dành một nửa để đi kinh lý các trường trên một chiếc xe đạp, một nửa số gạo mẹ tôi phải lo để nuôi cả một đàn con. Chúng tôi học tập trong những điều kiện rất khó khăn, chân đi đất đến trường, thắp sáng bằng những ngọn đèn dầu tự tạo, bằng hộp thuốc đánh răng tròn, bằng ruột của cây guột. Có thời gian, cơ quan bố tôi ở Yên Bái, cả nhà phải ăn bằng sắn lưu niên (sắn bà con bỏ quên lâu năm trên rừng), không thể luộc được mà phải nạo ra thành sợi rồi hấp chín. Bố tôi chấm muối ớt vừa khen ngon để động viên cả nhà.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh cùng gia đình
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh cùng gia đình

Chính tinh thần làm việc và vượt qua gian khổ của bố mẹ có tác dụng giáo dục chúng tôi hơn rất nhiều những lời khuyên bảo. Chưa bao giờ bố tôi đánh mắng con cái mà chỉ là những lời khuyên nhẹ nhàng, những lời động viên kịp thời. Đến thế hệ chúng tôi cũng vậy. Tôi cho rằng: Đánh mắng con cái là hạ sách và rất ít tác dụng. Trẻ em cần sự yêu mến, sự động viên và rất kỵ sự ghét bỏ, sự đánh mắng.

Trong gia đình, Giáo sư giáo dục con cái về Tết truyền thống như thế nào?

Chúng tôi có truyền thống gặp nhau sáng mồng một bên nhà ngoại (cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên). Trước bàn thờ gia tộc từng con, cháu kể những công việc trong năm của mình và mừng tuổi mọi người tùy theo thu nhập của mình, ai đi xa cũng vẫn có phần như thường. Mồng hai tập trung bên nhà nội (cố Giáo sư Nguyễn Lân), đông đến trên 50 con, cháu, chắt (!) Ăn chung một bữa thật vui, rồi sang sân trường học gần đấy để có chỗ chụp chung với nhau những bức ảnh đông đủ đầu Xuân. Ngày mồng ba thì thường tổ chức đi chơi xa theo "năng lực" chuẩn bị mỗi năm.

Cần tạo bứt phá rõ rệt chấn hưng giáo dục

Giáo sư kỳ vọng như thế nào về nền giáo dục nước nhà?

Tôi mong Bộ GD&ĐT liên lết với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam để chỉ cần trong 1 năm có thể hoàn thành Bộ Chương trình Giáo dục phổ thông trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi, sau đó có thể thông qua tại một Hội đồng đủ quyền lực cấp Nhà nước. Chỉ tập trung một việc này thôi cũng đủ tạo ra một bứt phá rõ rệt trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục. Tôi nhớ tới lời phát biểu của bạn tôi, thầy Văn Như Cương: "Trừ các nhà Toán học ra còn thì trong xã hội chả có ai dùng đến đạo hàm, tích phân. Vậy bắt học sinh học để làm gì?"
Giáo sư muốn nhắn nhủ gì đến những người làm công tác giáo dục?

Chỉ cần ghi ghi nhớ một lời dạy của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt".
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng sinh năm 1938 tại xã Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là con trai Giáo sư Nguyễn Lân và con rể Giáo sư Nguyễn Văn Huyên.

Ông là nhà nghiên cứu sinh học đầu ngành của Việt Nam. Quá trình công tác trong ngành sinh học của ông đã làm cho ngành này phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Ông đóng góp công lớn cho công tác nghiên cứu sinh học tại Việt Nam, đồng thời đưa nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện bộ sách giáo khoa sinh học rất được đánh giá cao tại Việt Nam. Ông cũng luôn luôn đóng góp ý kiến cho việc xây dựng bộ sách giáo khoa ở Việt Nam. Hiện, ông là chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia HN, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam.

Ông cũng là chủ nhiệm chương trình tự nguyện đưa khoa học kỹ thuật vào hộ nông dân. Hàng triệu người nông dân biết ông vì ông có nhiều lời khuyên cụ thể, thiết thực cho bà con để phát triển kinh tế.

Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII. Tại Quốc hội, ông được gọi là một trong "tứ trụ" vì khả năng châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đưa ra các vấn đề thiết thực cả xã hội quan tâm. "Tứ trụ" gồm: Nhất Thước (trung tướng Nguyễn Quốc Thước, sau này khi ông nghỉ hưu thì thay bằng Nhất Ngoạn - Đỗ Trọng Ngoạn, ĐBQH tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Ngọc Trân (ĐBQH tỉnh An Giang), Nguyễn Lân Dũng (ĐBQH tỉnh Đắc Nông), và Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

Ông cũng từng tham gia chuyên mục nổi tiếng "Hỏi gì đáp nấy" trên truyền hình, chuyên về giải đáp mọi thắc mắc của mọi người, cho thấy ông là người hiểu biết rất rộng. Ông cũng đã viết một bộ sách mang tên chương trình này.
Quyên Quyên