GS.Nguyễn Văn Hòa: Làm nhà khoa học phải phục vụ lợi ích cộng đồng

12/05/2022 06:58
Đặng Lường
GDVN- Giáo sư Nguyễn Văn Hòa nghiên cứu đối tượng Artemia, giúp tăng đáng kể thu nhập cho người dân nghèo vùng ruộng muối Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hòa, giảng viên chuyên ngành Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ vừa được công nhận chức danh giáo sư vào năm 2021 sau 36 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1961, sau khi tốt nghiệp đại học ông làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Artemia Tôm, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Năm 1986, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Artemia Tôm.

Năm 1991, ông lấy bằng Thạc sĩ ở Đại học Ghent (Bỉ), sau đó trở về nước làm công tác, nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành Nuôi trồng Thủy sản.

Hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là trên đối tượng Artemia (một loại ấu trùng mới nở làm thức ăn cho tôm, cá), nhằm cung cấp nguồn thức ăn tươi sống cho các trại giống thuỷ sản. Với nhiều đóng góp trong sự nghiệp làm nghiên cứu khoa học, ông nhiều lần được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương…

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên quyết định gắn bó với ngành Thủy sản, Giáo sư Nguyễn Văn Hòa kể: "Hơn 40 năm trước hoạt động nuôi trồng thủy sản của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng chưa thực sự phát triển. Vốn có một nền tảng kiến thức tốt trong lĩnh vực tự nhiên, nhất là môn Sinh học nên tôi quyết định đăng ký vào ngành Nuôi trồng Thủy sản của trường Đại học Cần Thơ".

Giáo sư Nguyễn Văn Hòa (ảnh:NVCC)

Giáo sư Nguyễn Văn Hòa (ảnh:NVCC)

Trong quá trình học tập nhờ có kết quả học tập tốt nên được thầy/cô tại Trường Đại học Cần Thơ định hướng tham gia công tác giảng dạy tại Khoa Thủy sản.

Cũng trong giai đoạn này, Trường Đại học Cần Thơ có chương trình hợp tác nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh với Đại học Ghent (Bỉ) và để đảm bảo quy trình thành công, trong giai đoạn ương nuôi ấu trùng cần có thức ăn tươi sống là ấu trùng Artemia mới nở. Đối tượng Artemia không hiện diện tự nhiên ở Việt Nam nên bắt buộc phải nhập nên rất tốn kém và lệ thuộc nguồn Artemia từ nước ngoài.

Trước tình hình đó, trường Đại học Cần Thơ được sự hỗ trợ của Đại học Ghent để nghiên cứu di nhập đối tượng Artemia từ San Francisco (Mỹ) về vùng ruộng muối Vĩnh Châu (Sóc Trăng) với mục tiêu tự sản xuất được trứng bào xác Artemia phục vụ cho các trại giống thủy sản.

Hiểu được ý nghĩa của dự án và mong muốn đóng góp cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản nước nhà, cùng với sự phân công của nhà trường, khi đó cậu sinh viên năm cuối Nguyễn Văn Hòa đã quyết tâm tham gia dự án này.

“Từ con số 0 ban đầu, sau hai năm thử nghiệm, trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng đối tượng Artemia đã thích nghi được với vùng ruộng muối Vĩnh Châu –(Sóc Trăng) và bắt đầu tham gia sinh sản.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành quả bước đầu, để quy trình nuôi ổn định và ứng dụng cho nhiều vùng địa lý khác nhau, nhiều nghiên cứu đã được đề ra như nghiên cứu sinh học, nghiên cứu dinh dưỡng, công nghệ phân lập và nuôi tảo thuần giống, quy trình bón phân, gây màu…

Bên cạnh việc nghiên cứu ứng dụng Artemia cho nhiều đối tượng thuỷ sản khác nhau. Đến nay, quy trình nuôi đã ổn định, trở thành một nghề có thu nhập cao cho người dân làm muối vùng Sóc Trăng – Bạc Liêu. Ngoài ra sản phẩm trứng bào xác Artemia sản xuất ở khu vực này đã được công nhận là sản phẩm có chất lượng hàng đầu thế giới.

Đến nay, quy trình nuôi đã được nhân rộng ra nhiều địa bàn, riêng khu vực Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và tỉnh Bạc Liêu, đã sản xuất ra hàng chục tấn trứng bào xác, hàng trăm tấn sinh khối mỗi năm, với hơn một ngàn hộ dân tham gia… cho thấy dự án đã khẳng định được thành quả của nghiên cứu khi đóng góp ra xã hội. Thực tế đã giúp cho thu nhập của người nuôi Artemia gia tăng gấp 3-5 lần (lên đến hàng trăm triệu đồng) so với nghề làm muối truyền thống”, Giáo sư Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Đặt nhiều tâm huyết trên đối tượng Artemia

Giáo sư Nguyễn Văn Hòa, tham gia nghiên cứu và ứng dụng cho nuôi trồng thủy sản trên các đối tượng lợ mặn khác nhau, nhưng ông đặt nhiều tâm huyết trên đối tượng Artemia.

“Có thể nói theo chuỗi nghiên cứu: Di nhập -Thuần hoá - Quy trình nuôi - Đánh giá chất lượng – Chế biến và Ứng dụng đối tượng Artemia cho nuôi trồng thủy sản cũng như Chuyển giao công nghệ, mở rộng sản xuất là chiếm nhiều công sức nhất.

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm trong nghiên cứu và ứng dụng đối tượng Artemia ra sản xuất, nhưng khi thấy lợi ích mang lại cho người dân nghèo và nghiên cứu đã đóng góp có ý nghĩa cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi rất vui mừng và sẽ cùng với đồng nghiệp tìm cơ hội để tiếp tục phát triển và mở rộng sản xuất đối tượng này ra phạm vi cả nước”, Giáo sư Nguyễn Văn Hòa tâm sự.

Giáo sư Nguyễn Văn Hòa quan sát Artemia (ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Văn Hòa quan sát Artemia (ảnh: NVCC)

Thành công của dự án về mặt khoa học là nghiên cứu di nhập thành công một loài ngoại lai thành loài bản địa đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ngoài việc việc ứng dụng ra sản xuất đại trà để cung cấp nguồn thức ăn tươi sống cho các trại giống thuỷ sản, dự án còn giúp gia tăng đáng kể thu nhập cho người làm muối.

Với Giáo sư Nguyễn Văn Hòa thành quả đó đối với nhà nghiên cứu là hết sức thiết thực, là nguồn động lực để tiếp tục nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Giáo sư Nguyễn Văn Hòa tâm niệm, làm nhà nghiên cứu khoa học cần thiết phải phục vụ lợi ích cộng đồng và thích ứng với quy luật phát triển của xã hội.

Trong các tính cách của một nhà nghiên cứu (không riêng gì cho ngành thuỷ sản) để đi đến thành công và có đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển của xã hội thì cần: Kiên trì - Tận tâm - Không ngừng học hỏi - Hợp tác - Chia sẻ - Xây dựng đội ngũ.

Đặng Lường