Hà Nội chuẩn hóa IELTS, giáo viên tiếng Anh cứ 2 năm lại phải thi chứng chỉ?

18/06/2020 06:17
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là kiến nghị của một hiệu trưởng trường tư thục bởi vị này cho rằng, trường sẽ biết sử dụng đồng tiền bỏ ra (nếu cần) có hiệu quả, không lãng phí.

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 18/6 đến ngày 5/7, Sở sẽ triển khai việc kiểm tra, rà soát nhằm xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo viên phổ thông.

Theo đó, 100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ phải tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá.

Đối với những giáo viên có chứng chỉ IELTS từ năm 2019 trở lại đây đạt kết quả 6.5 trở lên có thể lấy kết quả đó để phân lớp đào tạo. Điều này khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng.

Giải thích về chủ trương này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, việc đào tạo nâng chuẩn quốc tế (IELTS) cho giáo viên tiếng Anh ở tất cả các cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

Về những băn khoăn là tại sao lựa chọn bài thi IELTS, Sở cho biết, đây là một trong những hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh theo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và hiện nay đang được đánh giá uy tín nhất trên thế giới.

Từ ngày 18/6 đến ngày 5/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ triển khai việc kiểm tra, rà soát nhằm xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh (Ảnh minh họa: TTXVN)

Từ ngày 18/6 đến ngày 5/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ triển khai việc kiểm tra, rà soát nhằm xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuy nhiên, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, một giáo viên Tiếng Anh ở Thanh Trì, Hà Nội cho biết, để trở thành giáo viên tiếng Anh là đã phải trải qua ít nhất 4 năm học ở giảng đường đại học rồi đến những yêu cầu khắt khe của cơ sở giáo dục khi thi tuyển.

Thậm chí nhiều người đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, ấy thế mà giờ đây còn yêu cầu chuẩn hóa.

Trong khi chứng chỉ IELTS cũng chỉ có giá trị trong 2 năm, như vậy chả lẽ cứ sau 2 năm lại chuẩn hóa một lần thì giáo viên quanh năm chỉ lo đi luyện IELTS chứ thời gian đâu mà giảng dạy học trò nữa?!.

Nhìn nhận dưới góc độ một nhà quản lý, hiệu trưởng một trường tư thục trên địa bàn Thủ đô (đề nghị không nêu tên) thừa nhận, nhu cầu học tiếng Anh ở các thành phố rất lớn. Trong khi trường tư thục rất năng động, “cầu” lớn nên “cung” khá phong phú.

Các hình thức “song ngữ”, “song bằng”, “tăng cường tiếng Anh chuẩn quốc tế”... đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

Theo đó, các lớp song ngữ, song bằng phải học hai chương trình: chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và chương trình quốc tế (Cambridge, Oxford...).

Các lớp tăng cường tiếng Anh chuẩn quốc tế học chương trình giáo dục Việt Nam, riêng môn tiếng Anh được học thêm chương trình quốc tế.

Giáo viên dạy các lớp nói trên chủ yếu là giáo viên bản ngữ chuyên nghiệp. Họ là người Anh, Mỹ, Úc... được đào tạo để dạy chương trình quốc tế cho người nước ngoài.

Khi nhập cảnh Việt Nam với lý do dạy học, họ được các cơ quan chức năng kiểm tra bằng cấp đã được đào tạo.

Hơn nữa, các cơ sở giáo dục thử việc rất kỹ mới tuyển dụng.

Còn đối với đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh là người Việt Nam, khi tham gia dạy chương trình quốc tế cũng được lựa chọn kỹ càng và tập huấn chu đáo.

Ngoài những tiết “tự chủ” giảng dạy, giáo viên này còn làm “trợ giảng” cho giáo viên nước ngoài.

Mỗi tuần có hàng chục tiết trợ giảng, họ học được từ giáo viên nước ngoài về phương pháp, phong cách giảng dạy; được trau dồi kỹ năng nghe, nói; được cập nhật kiến thức chuyên môn.

Về chế độ, giáo viên người Việt được hưởng lương tiết “trợ giảng” như tiết trực tiếp giảng dạy.

Chính điều này đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được nâng cao, thu nhập tốt nên giáo viên người Việt tham gia chương trình quốc tế rất yên tâm, phấn khởi. Họ rất tự tin khi đứng trên bục giảng và thật sự được học sinh tin yêu, nể phục.

Nếu không như thế thì không thể nào đứng lớp được. Vấn đề không còn là “thiếu tự tin”, “sĩ diện” nữa.

“Bằng cách này, hiệu quả bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cao hơn, thiết thực hơn nhiều cách khác mà Bộ và Sở đã làm”, hiệu trưởng này chia sẻ.

Chính vì vậy, vị hiệu trưởng kiến nghị: "Nên để trường tư thục tự lo việc rà soát đội ngũ của mình bởi lẽ người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ biết sử dụng đồng tiền bỏ ra (nếu cần) sao cho hiệu quả nhất, không lãng phí".

Trong khi đó, một hiệu trưởng khác cho biết, giáo viên tiếng Anh của trường ngoài đội ngũ giáo viên bản ngữ chuyên nghiệp thì khi tuyển dụng đã yêu cầu giáo viên là người Việt Nam phải tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Hà Nội…. do đó nếu để rà soát chuẩn theo yêu cầu của Sở thì chúng tôi không ngại.

Tuy nhiên, tháng 6 giáo viên đang bận rộn với công tác kiểm tra học kỳ 2, đánh giá, xếp loại học sinh, tổng kết năm học 2019-2020.

“Sao Sở không điều chỉnh thời gian khảo sát giáo viên để phân lớp đào tạo vào tháng 7, tháng 8 có phải như vậy thuận lợi cho giáo viên không”, vị này kiến nghị.

Thùy Linh