Hà Nội đánh đố học sinh cuối cấp để làm gì?

24/08/2018 06:51
Vũ Thái
(GDVN) - Dư luận Thủ đô chưa hết hoang mang về phương thức thi tuyển sinh lớp 10 bằng tổ hợp năm tới, thì Sở Giáo dục Hà Nội lại đưa ra thêm 2 phương án nữa.

Báo Hà Nội Mới ngày 23/8 đưa tin, trong tuần qua việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bất ngờ đưa ra thêm 2 phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 đã khiến dư luận Thủ đô lo ngại.

Nhiều người băn khoăn, không biết việc tăng số môn thi có giúp tăng chất lượng giáo dục và tránh học tủ, học lệch như mục tiêu của Sở đề ra hay không, hay lại chỉ khiến học sinh chịu thêm áp lực. [1]

"Đổi mới" thi cử chắc như đinh đóng cột, cũng chỉ được vài tháng

Đầu tháng Tư 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 với nhiều thay đổi. Thí sinh sẽ phải làm 3 bài thi gồm Toán, Ngữ Văn và một bài thi tổ hợp.

Tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Giáo dục công dân; Tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Cuối tháng Ba năm tới, Hà Nội sẽ "gieo quẻ" xem học sinh Thủ đô sẽ thi tổ hợp nào. [2]

Trước sự thay đổi bất ngờ, dư luận các gia đình có con năm nay bước vào cuối cấp lo lắng đứng ngồi không yên, ngày 10/4 cả Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có buổi gặp báo chí để thông tin thêm về thay đổi tuyển sinh.

Ngày 10/4, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giải thích thêm với báo chí về phương án tuyển sinh lớp 10 năm tới trước bức xúc của dư luận. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Ngày 10/4, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giải thích thêm với báo chí về phương án tuyển sinh lớp 10 năm tới trước bức xúc của dư luận. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005-2006 đã bộc lộ nhiều hạn chế;

Đó là việc học sinh học lệch các môn vì kỳ thi chỉ có hai môn Toán và Ngữ văn. 

Mặt khác, trong phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc trung học cơ sở "chưa thật sự khách quan".

Bởi lẽ việc đánh giá phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên và có sự khác nhau giữa các trường. [3]

Thêm một lý do khi thay đổi cách tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra là:

“Chúng tôi mong muốn làm sao học sinh của Hà Nội sẽ cập nhật về kiến thức, học đều, nắm chắc, hiểu về các môn.

Bên cạnh đó, vì khi kết thúc bậc trung học phổ thông thì các học sinh sẽ tiếp tục với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nên cần chuẩn bị tốt nhất kiến thức từ cấp học dưới."

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng khẳng định chắc như đinh đóng cột:

"Đề án về phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2019-2020 là đề án hết sức nghiêm túc và trách nhiệm với nhân dân, với học sinh của Hà Nội.” [4]

Hà Nội đánh đố học sinh cuối cấp để làm gì? ảnh 2

22 nghìn phòng học Hà Nội xây mới ở đâu để con em chen chúc gần 70 học sinh/lớp?

Một phương án được Giám đốc Sở đánh giá là "hết sức nghiêm túc, trách nhiệm với nhân dân và học sinh Hà Nội", nhưng cũng chỉ có tuổi thọ 4 tháng, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra thêm 2 phương án nữa trong tuần qua.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã không thể thuyết phục được dư luận nhân dân Thủ đô, không thể bảo vệ được đề án của mình, đồng thời cũng bỏ luôn quyền chủ động của cơ quan chuyên môn cho...nhân dân.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được Báo Hà Nội Mới dẫn lời, cho biết:

Sở sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 để sớm trình Ủy ban nhân dân Hà Nội phê duyệt, công bố trong học kỳ I năm học 2018-2019. 

Ngay khi chốt phương án, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ ban hành đề thi minh họa để định hướng cho việc dạy và học ở các nhà trường.

Một phương án đã làm cha mẹ học sinh và các trường đứng ngồi không yên, giờ lại thêm 2 phương án và phải chờ đến học kỳ I tới đây mới công bố, quả thực lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô đang đánh đố học sinh, người dân và nhà trường.

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng đã bắt sai bệnh, bốc sai thuốc

Tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi 2 môn Văn - Toán kết hợp xét học bạ dễ nảy sinh gian lận và bất công ở học bạ, thì tại sao không bỏ xét học bạ và chỉ thi tuyển 2 môn Văn - Toán cho học sinh đỡ khổ?

Học sinh cuối cấp trung học cơ sở chỉ tập trung vào 2 môn Văn - Toán vì đâu? Đó là vì những "miếng bánh chỉ tiêu" công lập.

Hà Nội đánh đố học sinh cuối cấp để làm gì? ảnh 3

Sở Giáo dục Hà Nội đã sử dụng 19 nghìn tỷ đồng từ ngân sách như thế nào?

Với người dân lao động Thủ đô có thu nhập trung bình hoặc kinh tế khó khăn, thì cho con học trường trung học phổ thông công lập là lựa chọn tối ưu nhất.

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bao nhiêu năm nay không lo đủ chỗ học cho con em họ, thí sinh nhiều mà "chỉ tiêu" ít, buộc các em phải lao vào các cuộc đua.

Năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tuyên bố, thành phố đã chi 19 nghìn tỷ đồng, xây mới 22 nghìn phòng học chuẩn bị cho năm học mới, ấy vậy mà nhiều trường học ở nội đô sĩ số lên tới 68, 69 học sinh / lớp.

Với sĩ số ấy, lấy đâu ra chất lượng nếu mỗi thầy cô không trở thành một lò dạy thêm?

Báo Hà Nội Mới đã đưa ra một ví dụ sinh động và rất thực về "miếng bánh chỉ tiêu" công lập, khi dẫn lời một vị cha mẹ học sinh lần thứ hai có con chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, anh Lê Tuấn Anh (có con học Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn, quận Long Biên), cho biết: 

"Có con lớn tham gia kỳ thi lớp 10 cách đây 2 năm, cả gia đình tôi đã quay cuồng cùng con ôn luyện mới có được cơ hội vào trường công lập."

Nói cách khác, thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội lâu nay chưa bao giờ hết nóng, vì thực chất đây là hoạt động phân phối "chỉ tiêu công lập" mà thôi.

Đấy là chưa kể tới trong cách ứng xử của ngành giáo dục Thủ đô cũng như truyền thông, các trường tư thục đang gánh thay Nhà nước một phần sĩ số, ngân sách, biên chế nhưng lại luôn bị xem như con ghẻ, như "hạng 2", khiến dư luận định kiến.

Khoảng 5 năm trở lại đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn làm cho cuộc đua vào cấp 3 công lập thêm kịch tính bởi chương trình "chất lượng cao", và năm ngoái năm nay có thêm "song bằng".

Thực chất, "chất lượng cao" hay "song bằng" không khác gì hệ B (bán công) trong các trường phổ thông trước đây, khi các nhà trường phổ thông công lập mở các lớp dịch vụ "vét" các học sinh thiếu điểm đỗ công lập, vào học bán công với học phí cao gấp nhiều lần.

Số học phí thu được này được "sử dụng nội bộ", tức là nguồn thu nhập chính thức ngoài lương của các nhà trường. Nói cách khác, là làm dịch vụ trong trường công nhưng không mất chi phí mặt bằng, lương giáo viên, cơ sở vật chất, thu được bao nhiêu thì chia nhau bấy nhiêu.

Hà Nội đánh đố học sinh cuối cấp để làm gì? ảnh 4

Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

Nhận ra sự phi lý này và trước sự phản đối của dư luận, Luật Giáo dục 2005 đã bỏ hình thức trường lớp "bán công", bởi công - tư là hai hệ thống quản trị hoàn toàn khác nhau, không thể lai tạp bởi quản lý rất phức tạp.

Nhưng người ta lập tức sáng tạo ra tên gọi mới cho hệ "bán công", đó là các trường công lập tự chủ tài chính. Bản chất hoạt động của mô hình này vẫn là "bán công".

Chỉ có điều, nếu như hệ B trước đây "vét" học sinh dưới "chuẩn" đầu vào công lập, thì "chất lượng cao" và "song bằng" lại tìm cách hút hết nguồn học sinh khá giỏi.

Nhưng bản chất đều là làm dịch vụ thu phí cao, không phải đóng thuế và không mất chi phí. Học phí thu được chi tiêu như thế nào, Nhà nước không kiểm soát được;

Chưa kể đến mô hình "song bằng", Sở lại tổ chức cho các trường phổ thông công lập liên kết với các tổ chức nước ngoài mà Nghị định 73/2012/NĐ-CP trước đây hay Nghị định 86/2018/NĐ-CP hiện nay đều không cho phép.

Một khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng ra tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đề án thí điểm "chất lượng cao", "song bằng" và Sở đứng ra tổ chức, thì nghiễm nhiên các dịch vụ này lại trở thành "điểm sáng" của các trường để thu hút học sinh, đồng thời là thành tích chính trị cho một số người quản lý giáo dục trong nhiệm kỳ của mình.

Chính lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thừa nhận, học song bằng rất nặng, học sinh và gia đình nên cân nhắc và lượng sức mình. 

Càng "khuyến cáo" kiểu này, càng tăng sức hấp dẫn, bởi vượt qua cuộc đua tuyển sinh "song bằng" hay "chất lượng cao", các em sẽ được học thầy tốt nhất, chương trình (được ca ngợi là) tối ưu nhất, cơ sở vật chất hơn hẳn các bạn bè "lớp thường".

Chính cú đánh vào "đẳng cấp xã hội" và điều kiện dạy - học chênh lệch như vậy đã khiến các em phải lao vào học thêm, học lệch để kiếm cho mình được một suất công lập, một suất "song bằng" hay "chất lượng cao".

Hà Nội đánh đố học sinh cuối cấp để làm gì? ảnh 5

"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau

Mặt khác, học sinh cuối cấp học lệch còn vì chương trình hiện hành quá nặng và nhiều kiến thức hàn lâm [5], thậm chí vô bổ;

Chưa kể, sĩ số khu vực nội thành lại quá đông, các em có muốn học "toàn diện" như Sở mong muốn, cũng là điều bất khả thi.

Lý do thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 mà thầy Chử Xuân Dũng nêu ra, rằng để "tập dượt" cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (trắc nghiệm, tổ hợp), thì xin thưa kỳ thi này chỉ được duy trì ổn định đến 2020, sau đó thế nào, chưa biết.

Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia như hiện nay có thể sẽ lại thay đổi sau năm 2020, rồi cuối cùng con em Thủ đô lại phải chạy theo những đổi mới liên tục nhưng nửa vời của lãnh đạo Sở? 

Quan trọng nhất là, hiện nay dù có thi 2 môn Văn - Toán kết hợp xét học bạ, thi 4 môn hay thi 6 môn như các phương án Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra chỉ kiểm tra được kiến thức ghi nhớ thuần túy của học sinh.

Thi càng nhiều, các em phải nhớ càng nhiều, nhớ không xuể thì tìm đến các lò luyện "mẹo" của thầy cô chuyên luyện thi.

Điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Hơn nữa, trong khi thi đại học lâu nay, dù đã lạc hậu nhưng cũng chỉ kiểm tra kiến thức 3 môn, ấy vậy mà Hà Nội lại định đánh đố học sinh hết lớp 9 của mình với kiến thức 4 môn hoặc 6 môn;

Thậm chí thi đại học người ta còn biết trước các môn nào ngay khi vào cấp 3, miễn là xác định được ngành / khối / trường, nhưng thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội các thí sinh cứ phải quay cuồng với những đánh đố của lãnh đạo Sở, đến 31/3 hàng năm Sở "gieo quẻ" rơi vào môn nào / tổ hợp môn nào thì sẽ thi môn đó / tổ hợp môn đó.

Vậy tuyển sinh đầu cấp Hà Nội nên tổ chức như thế nào để đảm bảo nhẹ nhàng, hiệu quả, và giải pháp nào để Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chống học lệch, học tủ và học thêm tràn lan, chúng tôi xin phân tích trong bài viết tới.

Nguồn:

[1]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/910781/ha-noi-lay-y-kien-ve-phuong-an-tuyen-sinh-lop-10-tranh-hoc-tu-hoc-lech

[2]http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/36030002-tu-2019-ha-noi-se-tuyen-sinh-lop-10-bang-bai-thi-to-hop.html

[3]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/36637002-giam-ap-luc-trong-tuyen-sinh-vao-lop-10.html

[4]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/36052502-giam-doc-so-gd-dt-ha-noi-giai-dap-ve-phuong-an-thi-lop-10-moi.html

Vũ Thái