Hai lý do để không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay

28/03/2020 07:50
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Một kỳ thi được tổ chức trong tình hình dịch bệnh thì chất lượng sẽ như thế nào?

Cần sự quyết đoán của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Đại dịch Covid – 19 đang hoành hành đã làm đảo lộn và gây ra nhiều tác động nặng nề cuộc sống của người dân khắp nơi trên thế giới.

Trong bối cảnh như vậy, được biết, mới đây các vị lãnh đạo ở Indonesia đã ban hành quyết định “hủy kỳ thi THCS và THPT quốc gia” sau một cuộc họp bàn trực tuyến giữa Quốc hội và ông Bộ trưởngBộ giáo dục và văn hóa nước này.

Theo đó, “Chính phủ và các nhà lập pháp Indonesia đang xem xét biện pháp thay thế kỳ thi quốc gia như sử dụng kết quả đánh giá dựa trên điểm học tập 3 năm học đối với học sinh THCS và THPT, 6 năm học đối với học sinh tiểu học hoặc tổ chức thi trực tuyến.

Trường sẽ tính điểm dựa trên tất cả khía cạnh bao gồm điểm số học tập, chương trình học và hoạt động ngoại khóa." [1]

Trong khi đó, ở Việt Nam, đến thời điểm này phải thừa nhận công tác tổ chức phòng bệnh được Nhà nước và Chính phủ ta triển khai rất tốt.

Tuy nhiên, hiện tại các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị cũng vắc - xin để phòng dịch nên rất khó để nói trước điều gì cho những ngày sắp tới.

Phương án nào cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay? (Ảnh minh hoạ: VOV)
Phương án nào cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay? (Ảnh minh hoạ: VOV)

Trong điều kiện và tình hình như vậy, theo tôi, đã đến Bộ Giáo dục và Đào tạo mà đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần có sự quyết đoán và dũng cảm hơn nữa trong tư duy điều hành và quản lý của mình nhằm tham mưu, tham vấn cho Thủ tướng nhanh chóng ra các quyết sách có liên quan đến công tác dạy và học hiện nay.

Đặc biệt là vấn đề nên hay không tiếp tục tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong tình hình dịch bệnh bất thường này?

Vì như Thủ tướng Chính phủ đã nói “chống dịch như chống giặc” nên mọi sự chần chừ, ngập ngừng sẽ rất nguy hiểm. 

Hai lý do để không tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay

Theo tôi, có hai lý do cơ bản và quan trọng chúng ta không nên tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay:

- Thứ nhất, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi bao gồm việc dạy và học cho học sinh khối 12 đang cạn dần. 

Có thể thấy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tổ chức dạy và học đang phải tạm dừng.

Nên mạnh dạn nghĩ đến bỏ kỳ thi quốc gia
Nên mạnh dạn nghĩ đến bỏ kỳ thi quốc gia

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ít nhất hai lần điều chỉnh khung thời gian để kết thúc năm học 2019-2020 và những vấn đề liên quan đến kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay.

Tuy nhiên, bây giờ đã là cuối tháng 3, hơn nữa theo dự báo của các chuyên gia trong vòng hai tuần nữa (giữa tháng 4) Việt Nam sẽ rơi vào “đỉnh dịch”.

Và như đã nói ở trên, khi đó chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Không những vậy, trong trường hợp cả nước an toàn bước quả “đỉnh dịch” thì công tác dọn dẹp vệ sinh, phòng tránh sau đó chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục và cần thêm thời gian để đảm bảo một sự an toàn tuyệt đối.

Điều này rõ ràng sẽ tác động đến kế hoạch và công tác chuẩn bị cho công tác dạy và học nếu như Bộ vẫn quyết tâm tổ chức kỳ thi quốc gia này.

Nói khác đi, công tác chuẩn bị cho vấn đề này hoặc sẽ rất cập rập hoặc là chẳng biết khi nào mới xong.

Một kỳ thi được tổ chức trong tình hình như thế thì chất lượng sẽ như thế nào? Có nên hay tổ chức không thiển nghĩ mọi người đã có câu trả lời. 

- Thứ hai, công tác tổ chức kỳ thi quá tốn kém trong bối cảnh Chính phủ đang phải gồng gánh chi phí phòng chống dịch bệnh (bao gồm cách ly và điều trị).

Được biết để tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra trung bình cho mỗi học sinh là 400.000 đồng.

Như thế, nếu cả nước có khoảng triệu học sinh dự thi thì sau mỗi kỳ thi chúng ta tiêu tốn hàng ngàn tỉ [2].

Trong bối cảnh Nhà nước đang phải “thắt lưng buộc bụng” và kêu gọi toàn xã hội chung tay vào công tác phòng chống dịch bệnh như hiện nay thì việc bỏ ra hàng ngàn tỉ để tổ chức kỳ thi mà ai cũng biết trước tỉ lệ tốt nghiệp sẽ từ 90% trở lên thì có nên không, có lãng phí không?

Đó là chưa kể, do ảnh hưởng của dịch bệnh nền kinh tế nước nhà hiện nay đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Việc hồi phục và phát triển sau đó sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Ở một phương diện khác, như nhiều người đã phân tích, giá trị thực chất của tấm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông của chúng ta hiện nay trên thực tế chỉ là “tấm vé” thông hành để các em học sinh tiếp tục con đường học lên cao đẳng hay đại học chứ vẫn không có giá trị thực tiễn để các em học sinh có thể lập thân như cha ông ta ngày xưa.

Hơn nữa, học là việc cả đời, vậy nên có cần thiết tổ chức kỳ thi chỉ để cấp tấm bằng trong khi giá trị của nó (do sự vận động và biến đổi của xã hội) đã có sự nhìn nhận rất khác so với trước đó? 

Giải pháp nào?

Nên tinh giản kiến thức ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh 10
Nên tinh giản kiến thức ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh 10

Từ những phân tích trên chúng tôi cho rằng, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị một hành lang pháp lý nhằm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đi đến quyết định không tổ chức kỳ thi trong năm học này càng sơm càng tốt để tránh sự bị động đồng thời tạo tâm lý an tâm cho phụ huynh học sinh trong tình hình diễn biến dịch bệnh ngày một phức tạp.

Theo đó có thể lựa chọn một trong hai phương án sau:

Một, xem xét, chuẩn bị hành lang pháp lý tham mưu cho Chính phủ ban bố tình trạng thảm họa quốc gia qua đó ra quyết định đặc cách xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay cho tất cả các em học sinh khối 12 trên toàn quốc. 

Hai, xem xét, chuẩn bị hành lang pháp lý tham mưu cho Chính phủ tiến đến giao quyền xét công nhận tốt nghiệp hoặc hoàn thành chương trình trung học phổ thông cho các địa phương kể từ năm học này trở đi. 

Việc xếp loại tốt nghiệp hoặc hoàn thành chương trình trung học phổ thông sẽ căn cứ vào kết quả học tập của ba năm 10, 11 và 12.

Các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để xét tuyển hoặc tổ chức thi tuyển tùy vào quan điểm và thương hiệu của mỗi trường.

Thay lời kết

Có câu, “Chúa đóng cửa này sẽ mở cửa khác cho con” hay “cái khó ló cái khôn”! Dịch bệnh xảy đến là điều bất thường và không ai mong muốn.

Từ đây, theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay vì cứ loay hoay “ngồi canh” diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh kế hoạch trong sự hoang mang, hồi hộp, ngập ngừng; hoặc không thì họp bàn “cắt xén” để giảm tải chương trình một cách cơ học và máy móc (vì nói cho cùng khi anh biên soạn chương trình nội dung sách giáo khoa anh đã tính đến tính logic của toàn bộ hệ thống kiến thức mà học sinh phải đạt được nên dù cho anh có lập luận thế nào để “cắt bớt” một đơn vị kiến thức nào đó cũng là ngụy biện và phản khoa học) sao không quyết đoán và dũng cảm ra quyết sách như nước bạn Indonesia vừa làm?

Ngoài ra, trong vai trò và tư cách “tổng tư lệnh ngành”, một quyết sách kịp thời và đúng đắn trong vấn đề này thiển nghĩ cũng là để cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chứng minh tài “thao lược” của mình.

Được như thế chắc chắn sẽ tạo nên sự yên tâm cho phụ huynh học sinh qua đó cùng với Chính phủ triển khai công tác phòng chống dịch hiệu quả và an toàn hơn nữa cho ngươi dân.

---

Chú thích:

[1]: “Indonesia hủy kỳ thi quốc gia”. https://vnexpress.net/giao-duc/indonesia-huy-ky-thi-quoc-gia-4074457.html

[2]: “Cả ngàn tỉ” cho một kỳ thi lấy tấm bằng tốt nghiệp 12- có đáng không”?

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ca-ngan-ti-cho-mot-ky-thi-lay-tam-bang-tot-nghiep-12-co-dang-khong-618406.ldo

Nguyễn Trọng Bình