Hạnh phúc đơn sơ của giáo viên hợp đồng lương 3 triệu: xa trò em nhớ lắm

27/10/2020 05:56
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đã quyết tâm về công tác vùng biên giới nhưng có đôi lần cô Lệ nhụt chí muốn bỏ cuộc, rồi khi nhìn về phía học trò, cô lại không nỡ xa trường, xa các em.

Đó là tâm sự của cô giáo Vi Thị Lệ khi kể về hành trình cõng chữ lên non của mình.

Năm nay là năm thứ 3 cô Lệ gắn bó với vùng đất biên giới tỉnh Nghệ An, nơi chỉ có núi rừng hoang vu, những trận gió rít mạnh vào cửa sổ và những con đường ngập đầy bùn đất, vũng lầy.

Nhưng cũng chính vùng đất khắc nghiệt ấy đã gieo yêu thương, rèn ý chí và làm sâu sắc thêm tình yêu nghề cho cô giáo trẻ.

Tình yêu thương học trò giúp cô giáo trẻ vượt qua muôn vàn khó khăn để tiếp tục hành trình cõng chữ lên non cao. Ảnh: NVCC

Tình yêu thương học trò giúp cô giáo trẻ vượt qua muôn vàn khó khăn để tiếp tục hành trình cõng chữ lên non cao. Ảnh: NVCC

Thanh xuân gắn bó với miền đất khó

Từ thuở bé, Vi Thị Lệ (sinh năm 1997), cô gái dân tộc Thái ở thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã nuôi ước mơ trở thành giáo viên. Và rồi, Lệ quyết định theo học ngành sư phạm để thực hiện ước mơ của mình.

“Khi còn học ở trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, tôi đã cùng anh chị trong Đoàn trường đi tình nguyện đến vùng cao. Có đi thì mới biết, cuộc sống của những người dân nơi đây còn khó khăn hơn bản làng tôi nhiều.

Từ đó, tôi quyết tâm sau này sẽ về công tác tại vùng biên giới”, cô Lệ tâm sự.

Năm 2018, Lệ ra trường và xin về dạy tại trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn), bắt đầu sự nghiệp của một giáo viên cắm bản giữa vùng đất khó khăn của miền Tây Nghệ An.

Hồi tưởng lại những ngày đầu về trường, cô Lệ bồi hồi nhớ về những kỷ niệm đặc biệt không thể nào quên:

“Những ngày đầu mới lên đây, tôi thường xuyên bị ốm vặt do chưa quen với điều kiện khí hậu, thời tiết trên này.

Sáng sớm nếu ra ngoài sương ướt sũng cả quần áo, đêm về gió rít mưa phùn. Dù ốm nhưng vẫn ngày ngày đứng lớp dạy học”.

Sau chuyến đi tình nguyện, Vi Thị Lệ quyết tâm về công tác tại vùng biên giới. Ảnh: NVCC

Sau chuyến đi tình nguyện, Vi Thị Lệ quyết tâm về công tác tại vùng biên giới. Ảnh: NVCC

Giữa vùng đất xa xôi hẻo lánh, có lúc phải ở lại trường một mình, nhiều học trò lại đến ngủ và bầu bạn cùng cô.

“Đó có lẽ là ký ức đẹp nhất với tôi khi dạy học ở Nậm Cắn. Mỗi buổi tối, học trò lại háo hức cầm đèn pin đến nhà cô học bài, rồi ngủ lại cùng cô.

Hai chiếc giường ghép lại làm một, cô trò cùng ôm nhau nằm ngủ mặc kệ bên ngoài có tối tăm, gió mưa lạnh lẽo thế nào!

Ngày mới lên đây, ở một mình thì sợ lắm, những lúc đó tôi cảm thấy các em như là điểm tựa giúp tôi bước qua nỗi sợ hãi, tiếp tục kiên trì gắn bó với công việc.

Sáng sớm, tôi lại giúp các em vệ sinh cá nhân, chải lại đầu tóc, nấu đồ ăn sáng. Nhiều người hay đùa rằng chưa gì tôi đã tập tành làm mẹ. Và thực sự thì tôi đã chăm sóc các con như những đứa em trong gia đình”, cô Lệ tâm sự.

Nói về những việc dạy học miền biên viễn, cô Lệ cho rằng, khó khăn thì nhiều vô kể, nhưng mỗi khó khăn lại là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời.

Năm đầu ra trường, cô gái dân tộc Thái về Nậm Cắn dạy học, cô phải bắt đầu tập tành học nói tiếng H’Mông vì trở ngại bất đồng ngôn ngữ.

Năm 2019, cô Lệ lại chuyển công tác về Trường Tiểu học Tam Hợp (Tương Dương), dạy học tại điểm trường Phà Lõm.

Năm 2020, cô dạy học cho các em học sinh người Tày Poọng tại điểm trường bản Phồng. Cô lại tiếp tục mò mẫm học ngôn ngữ mới.

“Các em học sinh nơi đây chỉ được làm quen với tiếng phổ thông khi học mầm non. Vì vậy, nếu không học thêm tiếng dân tộc thì sẽ rất khó giảng dạy, trò chuyện, tâm sự cùng các con”, cô Lệ chia sẻ.

Theo cô Lệ, đã dạy học ở vùng đất khó khăn này thì bản thân phải chấp nhận, đối diện với khó khăn.

Từ khi dạy học ở Tương Dương, điểm trường cách xa trung tâm xã, cô giáo trẻ phải băng qua những đoạn đường đầy vũng lầy để đến trường dạy học.

Cô Lệ nhớ lại: “Mới đầu tay lái chưa vững, tôi ngã xe liên tục, đường chỉ toàn bùn lầy, bánh xe trơn trượt, cứ ngã rồi lại phải đứng dậy dắt xe đi tiếp.

Có hôm trời mưa lớn, chiếc xe mắc kẹt giữa vùng lẫy, một mình tủi đến phát khóc, cuối cùng, tôi phải ngồi đợi người qua đường giúp thì mới tiếp tục đi được. Cũng có lần, tôi phải bỏ lại xe, đi bộ men theo đường rừng để tới lớp.

Cứ đến mùa mưa là có biết bao nhiêu mối lo, như đợt bão vừa rồi, trời mưa nhiều, cây cầu ngập nước không thể qua được. Có hôm vượt được qua cầu thì vào đường lại sạt lở”.

Gian nan hơn là hành trình vận động học sinh tới lớp. Nhiều hôm sau buổi học, thầy cô lại băng rừng lội suối đi tìm kiếm học trò.

“Có học sinh nghỉ học vì bị bố mẹ buộc ở nhà trông em. Tôi phải vận động bảo con đưa em tới lớp. Và rồi chị ngồi học, em ngồi khóc. Cô giáo lại phải dỗ em để cả lớp học bài.

Ở nơi đây, hành trình tìm kiếm con chữ của các con khó khăn như vậy đấy”, cô Lệ trút bầu tâm sự.

Nhiều học sinh bỏ học, cô Lệ mang bài tập đến và vận động học sinh trở lại trường. Ảnh: NVCC

Nhiều học sinh bỏ học, cô Lệ mang bài tập đến và vận động học sinh trở lại trường. Ảnh: NVCC

Được làm giáo viên vùng cao cũng hạnh phúc lắm!

Đã hơn 2 năm gắn bó với núi rừng, với học sinh vùng non cao nhưng đến nay, cô Lệ vẫn là giáo viên thuộc diện hợp đồng của trường.

Với đồng lương ít ỏi, chỉ 3 triệu đồng mỗi tháng, điều kiện cuộc sống lại khó khăn đủ bề nhưng cô Lệ vẫn mỉm cười cho rằng: Là giáo viên vùng cao cũng hạnh phúc lắm. Bởi lẽ người dân nơi đây quý cô giáo lắm! Học trò cũng thương cô nhiều!

Năm đầu tiên, cô Lệ xin về làm giáo viên ở Trường Tiểu học Nậm Cắn, cô được ký hợp đồng theo từng năm với mức lương 3.5 triệu đồng. Thế nhưng qua một năm, trường đủ giáo viên đứng lớp, cô Lệ buộc phải nghỉ dạy và tìm kiếm một ngôi trường mới.

Từ năm 2019, cô Lệ được ký hợp đồng với Trường Tiểu học Tam Hợp, lương của cô giảm chỉ còn 3 triệu đồng mỗi tháng. Khó khăn hơn khi lương của cô được trả theo từng học kỳ, Nhà trường cho ứng trước một nửa để phục vụ việc ăn uống, đi lại.

Những ngày nghỉ, cô Lệ lại vào rừng hái lá thuốc rồi bán thuốc để kiếm thêm thu nhập.

Cô Lệ tâm sự: “Đôi lúc nghe bạn bè dưới xuôi kể dạy học dưới đó ổn lắm, mình cũng có những phút giây chạnh lòng.

Đôi khi mình tự hỏi sao bản thân lại chọn cuộc sống khó khăn đến vậy. Nhưng những suy nghĩ đó cũng nhanh chóng qua đi vì chính nơi đây cho mình cảm nhận được tấm lòng, tình yêu thương của mọi người.

Người dân ở đây quý cô giáo lắm! Có hôm họ gửi cho cô mấy quả trứng, có hôm lại gửi cô giáo bó rau. Dù giản dị, đời thường nhưng rất ấm lòng và hạnh phúc”.

Cô Lệ cũng đã có những tháng ngày dạy học rồi cùng ăn, cùng ngủ, chăm lo cho các em học sinh. Tình yêu thương của học trò là nguồn sức mạnh tinh thần để cô giáo trẻ vững tay lái với hành trình trên chuyến đò tri thức.

Nhiều hôm tan học, có em ra suối cùng thầy giáo câu cá, có em theo cô đi hái rau rừng. Với cô Lệ, đó là niềm hạnh phúc đặc biệt chỉ có ở giữa miền đất biên giới xa xôi này.

“Học trò nơi đây yêu quý và thương thầy cô nhiều lắm! Hồi dạy học ở Nậm Cắn, dịp nghỉ hè, mình xếp đồ về nhà, vừa đi được mấy bước chân thì thấy học sinh lẽo đẽo theo sau.

Hóa ra các em sợ cô về không lên nữa nên đi theo, đứa thì tranh xách đồ hộ cô, đứa thì níu xe cô lại.

Đến bây giờ tôi vẫn không quên khoảnh khắc chia tay ấy, cô trò ôm nhau sụt sùi khóc, nhìn các em thương quá, chân bước đi mà trong lòng cứ nghẹn đắng lại.

Sau đó, tôi phải dắt xe đi bộ một đoạn, ngoái đầu nhìn lại vẫn thấy các em bước theo sau, các em nhìn theo rồi nhắn nhủ: Năm sau cô lại lên với chúng con cô nhé”!

Không cần ở giữa phố thị phồn hoa, không cần những món quà to lớn, với cô giáo trẻ Vi Thị Lệ, tình cảm bình dị, ấm áp ấy là động lực tiếp sức cho cô trên hành trình gieo yêu thương nơi miền biên viễn .

Phạm Minh