Hành trình đến giảng đường đại học của Vừ Mí Già

20/08/2019 06:27
Phương Linh
(GDVN) - Lấy gì để nhập học? tiền đâu để đạt lấy ước mơ con chữ? Những câu hỏi cứ xuất hiện trong đầu Vừ Mí Già… Chẳng lẽ vì thế mà từ bỏ ước mơ?

Gieo ước mơ trên cao nguyên đá

Cậu trai người dân tộc Mông Vừ Mí Già (sinh năm 2000 tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) trải qua tuổi thơ lăn lóc trên những vạt ngô, nương lúa nhấp nhổm đá tai mèo, bên dòng sông Nho Quế.

Ngày nhỏ, Già thường đứng trên những mỏm đá cao hướng về xuôi và tự đặt câu hỏi, nơi đó có gì nhỉ? Già tự nhủ một ngày mình sẽ đi đến những miền xa, học hỏi những kiến thức mới để giúp bản mình thoát nghèo.

Thế nhưng, ước mơ chưa kịp vươn tới, Vừ Mí Già đã phải trải qua sóng gió khi bố mẹ tan vỡ hạnh phúc.

Bố mẹ chia tay nhau và mỗi người tự tìm cho mình hạnh phúc mới, chỉ có Già, chàng trai mới lớn nhưng đã phải chênh vênh giữa hai đầu trách nhiệm làm anh.

Tuổi 15, Vừ Mí Già bắt đầu cuộc sống tự lập, tự mình lầm lũi trưởng thành và xoay vần với cuộc sống.

Vừ Mí Già ngày đi làm thêm cùng những người bạn ngoại quốc của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Vừ Mí Già ngày đi làm thêm cùng những người bạn ngoại quốc của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vừ Mí Già tâm sự: có thời gian, em làm thêm cật lực chỉ để tối có chỗ ngủ, đến bữa có cái ăn. Cũng có những buổi ở trong phòng trọ, ngửi thấy mùi cơm canh nhà hàng xóm phải tủi thân khép cửa lại.

Khi nói về mình, Già không nói nhiều đến cuộc sống chật vật về cơm gạo mà luôn thể hiện những day dứt tinh thần trong hoàn cảnh gia đình ly tán, điều thực sự hãn hữu trong văn hóa gia đình truyền thống của người Mông.

Không dưới ba lần chàng trai ấy nói đến cảm giác cay đắng khi đột nhiên trở thành khách trong ngôi nhà của chính mình hay khi xin bố mẹ tiền đong gạo, đóng học mà thấy như đang làm một việc lén lút, vụng trộm.

Nữ sinh dân tộc Mông mồ côi, vượt khó nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn
Nữ sinh dân tộc Mông mồ côi, vượt khó nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn

Già gày gò, mặc cảm, đơn độc giữa các bạn đồng trang lứa.

 Công việc gắn bó với chàng trai lâu dài nhất là bưng bê, phục vụ trong một quán ăn nhỏ góc thị trấn Mèo Vạc.

Những ngày tháng lam lũ ấy, Già không quên ước mơ được nhen nhóm từ ngày nhỏ.

Thị trấn Mèo Vạc không lớn, đường lên thì cheo leo như cổng trời, nhưng có sức cuốn hút lạ kỳ đối với những tâm hồn ưa khám phá.

Ở đây, không hiếm để bắt gặp những bước chân rong ruổi của khách lữ hành, trong đó có nhiều khách Tây ba lô.

Có người lướt qua Mèo Vạc thật nhanh trên cung đường phượt, cũng có người nấn ná mãi nơi đây, để uống chén rượu Mông, dệt vải sợi lanh, ngủ trong nhà đá.

Nhiều lần tiếp xúc với họ, Vừ Mí Già cảm thấy thật bất tiện khi không hiểu ngôn ngữ.

Những ngày làm thêm với những người bạn nước ngoài khiến Vừ Mí Già càng quyết tâm theo đuổi ước mơ giảng đường của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Những ngày làm thêm với những người bạn nước ngoài khiến Vừ Mí Già càng quyết tâm theo đuổi ước mơ giảng đường của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Quyết tâm đạt được ước mơ, Già dừng hẳn 1 năm học phổ thông để tự mình học lấy tiếng Anh. Già bảo, em tự học để có thể hiểu lời họ nói và sẵn sàng giới thiệu với những người bạn nước ngoài điều mà mình có.

Những ngày sau đó, Già  rong ruổi làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài trên những chặng đường Mèo Vạc – Đồng Văn – Lũng Cú hay các bản homestay... vừa để mưu sinh, vừa tự rèn tiếng Anh, nuôi khát vọng du học hoặc trở thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Đó cũng là nguồn ước mơ của chàng trai Mông, Già quyết tâm vượt qua hoàn cảnh và xóa đi những ý nghĩ của những người xung quanh rằng hoàn cảnh của em “cơm có thịt” đã là điều xa xỉ.

Nhưng, Già cũng hiểu rằng nếu chỉ biết nói tiếng Anh “bồi”, công việc của Già sẽ khó tiến xa và Già cũng không thể truyền tải hết cái đẹp, cái tốt của người Mông, của mảnh đất Hà Giang quê Già.

Trong ý nghĩ của Già, em phải học đại học.

Thế nhưng trong đầu già lúc đó, dường như ý định ngay lập tức bị dập tắt khi hàng loạt câu hỏi đã đặt ra trong đầu Già: “Lấy gì để nhập học? tiền đâu để đạt lấy ước mơ con chữ?”

Tấm lòng đã mở

Một ngày mùa đông năm 2018, Vừ Mí Già tình cờ gặp gỡ đoàn khách đặc biệt.

 Đó là một nhóm nghiên cứu đến từ Thái Nguyên, dừng chân ở Mèo Vạc trước khi xuống làng Lô Lô Chải (bản của người Lô Lô) điền dã dân tộc học.

Câu chuyện tưởng như vu vơ giữa những vị khách xa với cậu bé bưng bê khởi nguồn cho một mối nhân duyên tốt đẹp.

Hình ảnh thiếu niên người Mông lưu lại trong những dòng nhật ký công tác của trưởng nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thái (hiện là Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Thái Nguyên):

“Quán nhỏ thị trấn buồn lặng... Những ám ảnh về hậu quả của nạn tảo hôn mà xưa nay tôi mới được biết qua sách vở... Ánh mặt gửi gắm, cậy nhờ của người chủ quán... Và nhất là nét mặt khôi ngô, thanh tú, đầy nghị lực của em đã theo tôi về”. 

Nữ sinh dân tộc Thái mong thành cô giáo, nhưng không có tiền nhập học
Nữ sinh dân tộc Thái mong thành cô giáo, nhưng không có tiền nhập học

Không hẹn mà gặp, từ đó, Vừ Mí Già có thêm một người đồng hành, một chỗ dựa vững chãi về tinh thần và vật chất, giúp hành trình nuôi dưỡng giấc mơ của em bớt phần gieo neo, chông chênh.

Khi được hỏi về lí do thầm lặng đứng sau, giúp đỡ Vừ Mí Già trong suốt một thời gian dài, khi chỉ gặp cậu duy nhất một lần, cô giáo Phương Thái trả lời đơn giản:

“Trực giác mách bảo tôi rằng, Già là người chân thành, tử tế. Ấn tượng đầu tiên khiến tôi có cảm tình với chàng trai này là cách em nói về gia đình, bố mẹ: không một lời oán trách, giận hờn dù có những lúc chạnh lòng, buồn tủi.

Tôi cũng trân trọng giấc mơ của em và hiểu rằng: Giấc mơ tuổi mười tám đủ mạnh để đẩy người ta đi rất xa nhưng cũng rất mong manh.

Nó có thể bị tan vỡ khi cái bụng đói bỗng kêu gào hay cơn gió lạnh thổi qua căn phòng tốc mái tạt vào da thịt”.

Có sự tiếp sức của “bác Thái”, Vừ Mí Già vừa đi làm, vừa học ngoại ngữ, ôn thi các môn văn hóa, để rồi sau một năm, trúng tuyển vào Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, nơi em chắc chắn sẽ được học tiếng Anh, được thực hiện ước mơ của bản thân.

Sau ngày nhập học, cũng là ngày Già được đi làm. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sau ngày nhập học, cũng là ngày Già được đi làm. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Vừ Mí Già được mọi người gọi vui là “thí sinh may mắn nhất Đại học Thái Nguyên” thi ngày nhập học, có bác tài xế tình nguyện đưa đến tận cổng trường, một anh sinh viên người Mông cho ở chung phòng và đặc biệt, được Ban Giám đốc khách sạn Kim Thái, Crown – hai khách sạn uy tín ở Thái Nguyên cùng đồng ý nhận về làm việc.

Ngày Già nhập học cũng là ngày Già được đi làm luôn, một công việc có thể giúp em tiếp tục nuôi ước mơ.

Hiện tại, tân sinh viên Vừ Mí Già đang được đào tạo ở nhiều vị trí.

Kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ chắt chiu từ thời gian phục vụ trong các nhà hàng ở thị trấn Mèo Vạc đã phần nào giúp em tự tin hơn với vai trò mới của mình.

Vừ Mí Già cho biết, khi bắt xe khách từ Mèo Vạc về Thái Nguyên, em đầy lo lắng “như một sự đánh cược” bởi chỉ có vài chục lẻ mang theo giữa đất khách quê người.

Nhưng giờ đã có thầy cô, bạn bè quan tâm, có một công việc đúng với sở nguyện, em bắt đầu thấy gắn bó với ngôi trường mới.

Trong tiếng Mông, Già có nghĩa là “con rồng”. Tiếp xúc với Vừ Mí Già, sẽ thấy con người, nghị lực và ước mơ của em, thật giống với cái tên mà cha mẹ đã từng gửi gắm.

Hy vọng, chàng trai Mèo Vạc với ý chí mãnh liệt tiềm tàng “khí chất Mông” sẽ đạt được ước mơ của mình, bắt đầu từ giảng đường Đại học.

Phương Linh