Hiệp hội kiến nghị lên Bộ trưởng Nhạ giải pháp triển khai dạy học từ xa

24/03/2020 06:32
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 23/3, Hiệp hội gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Nhạ một số giải pháp bổ sung trong triển khai phương thức dạy học từ xa trong mùa dịch Covid-19. ​

Thời gian qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi tới Thủ tướng các công văn số 04, 05 và 07/HH-VP kiến nghị giải pháp cho học sinh, sinh viên được chủ động chuyển sang học đại trà theo phương thức từ xa (bao gồm dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình) ngay trong mùa dịch Covid-19.

Đáp lại kiến nghị của Hiệp hội, Văn phòng Chính Phủ đã gửi các công văn số 1524/VPCP-KGVX ngày 28/2/2020 và 1728/VPCP-KGVX ngày 6/3/2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về giao trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất của Hiệp hội.

Tiếp theo, ngày 4/03/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã tổ chức buổi tọa đàm theo chủ đề trên, với sự có mặt của đông đảo các chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý giáo dục từ các cơ quan trung ương, các Hiệp hội về giáo dục, các tổ chức giáo dục và các cơ sở giáo dục (đại học, phổ thông), các cơ quan truyền thông...

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thể hiện sự nhất trí cao độ với những kiến nghị lên Thủ tướng tại các công văn nêu trên.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các công văn số 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/3/2020 gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu các Sở tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình cho học sinh khối giáo dục phổ thông; và công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 gửi các cơ sở giáo dục đại học yêu cầu triển khai phương thức đào tạo trực tuyến qua mạng cho các khóa đào tạo chính quy.

Ngày 23/3, Hiệp hội gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Nhạ một số giải pháp bổ sung trong triển khai phương thức dạy học từ xa trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ngày 23/3, Hiệp hội gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Nhạ một số giải pháp bổ sung trong triển khai phương thức dạy học từ xa trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo bước đầu phương thức dạy và học ở một số địa phương đã có sự chuyển biến để thích ứng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nhiều ngày vừa qua.

Đặc biệt tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã nhanh chóng quyết định triển khai dạy đại trà trên Kênh truyền hình Hà Nội, trước mắt cho các khối lớp 9 và 12 bắt đầu từ ngày 9/3/2020 và cho các khối lớp phổ thông còn lại (từ lớp 4 đến lớp 12) từ ngày 19/3/2020. Đây là một chủ trương đúng đắn kịp thời và được xã hội đồng tình ủng hộ.

Tiếp theo Hà Nội, cho tới nay hàng chục tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc dạy học cho học sinh trên kênh truyền hình của địa phương. Bên cạnh đó, việc triển khai dạy học trực tuyến (internet) cũng được thực hiện ở một số trường, cả đại học lẫn phổ thông.

Học trực tuyến qua truyền hình không phải là khoán hết cho học sinh
Học trực tuyến qua truyền hình không phải là khoán hết cho học sinh

Nhìn chung, qua thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng những ngày qua, có thể thấy việc chuyển qua phương thức dạy từ xa (bao gồm cả truyền hình và trực tuyến) trong mùa dịch Covid-19 hiện nay được xã hội hết sức ủng hộ.

Tuy nhiên qua theo dõi, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát hiện thấy có một số biểu hiện không chuẩn trong thực hiện ở cơ sở, cần sớm được chấn chỉnh kịp thời:

Một là, về dạy học qua truyền hình cho khối giáo dục phổ thông, còn thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai ở quy mô cả nước. Do đó, mức độ triển khai dạy học từ xa ở các địa phương khác nhau có thể rất khác nhau.

Thí dụ như Hà Nội là nơi đã triển khai triệt để nhất, theo đó các nội dung dạy trên truyền hình phải mới, tiếp nối với những nội dung đã học và phải bao quát tất cả các khối lớp của giáo dục phổ thông (từ lớp 4 đến lớp 12).

Trong khi đó đa số các tỉnh hiện chỉ hướng dạy học trên truyền hình cho 2 khối lớp 9 và 12 và chủ yếu tập trung cho ôn tập các nội dung đã học. Một vài địa phương lại rất đủng đỉnh, không tỏ chức dạy trên truyền hình mà chỉ dạy thí điểm qua internet cho một vài trường trong tổng số hàng nghìn trường phổ thông của địa phương (như Thanh Hóa).

Hai là, về dạy học qua internet (trực tuyến), mới được triển khai ở một số ít trường, chủ yếu do các trường này chủ động thực hiện, không có sự chỉ đạo nhất quán, nên hiệu suất và chất lượng nhìn chung chưa cao.

Đa số các trường (cả đại học lẫn phổ thông) đều lúng túng với cách dạy học trực tuyến còn quá mới mẻ. Không ít trường có quan niệm rất đơn giản về dạy học trực tuyến (thí dụ như: thầy không cần giảng mà để học sinh tự học, thầy giao bài tập qua điện thoại thông minh và trò nộp bài cho thầy cũng qua điện thoại thông minh).

Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình
Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình

Có trường tuy gọi là học trực tuyến nhưng tỉ lệ tham gia học chỉ 60-70% và số còn lại do gặp khó khăn về kinh tế, gia đình không có khả năng mua các dụng cụ học tập đắt tiền nên không tham gia...

Để chủ trương triển khai đại trà các phương thức từ xa, bao gồm cả cách học trực tuyến (cho một bộ phận cơ sở giáo dục, cả phổ thông và đại học nếu có đủ điều kiện), cũng như cách học qua truyền hình (triển khai đại trà chủ yếu cho giáo dục phổ thông ở những nơi chưa đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao đại trà) thực sự có hiệu quả, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin gửi tới đồng chí Bộ trưởng một số đề nghị sau:

Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định rõ các nội dung dạy trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ ban hành, phải kế tiếp với những nội dung đã học trước mùa dịch và bắt buộc tất cả học sinh (trừ những trường được Bộ công nhận đủ điều kiện dạy học trực tuyến) phải học trong thời gian nghỉ đến trường trong mùa dịch.

Phải tránh tâm lý ở không ít người, kể cả lãnh đạo ngành, là chờ hết dịch các trường sẽ được Bộ cho kéo dài khung thời gian để dạy bù các nội dung còn chưa được dạy trên lớp trước dịch.

Để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm tránh lãng phí, đồng thời trợ giúp cho các địa phương gặp khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ cho việc triển khai đại trà dạy học trên truyền hình cho toàn khối giáo dục phổ thông trong mùa dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần:

Trình Chính phủ sớm cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước, để sẵn sàng triển khai ngay trong mùa dịch Covid-19 khi buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa trường học, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chần chừ, không cầu toàn.

Bộ nên kêu gọi các nhà hảo tâm gửi thiết bị nghe nhìn cho các địa phương có khó khăn để học sinh những nơi đó được tham gia học tập trên truyền hình.

Bộ trình Chính Phủ sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt ở từng địa phương, từng trường như hiện nay.

Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khuyến khích tất cả các cơ sở giáo dục (bao gồm cả đại học và phổ thông) đủ điều kiện chủ động chuyển qua hình thức học trực tuyến trong thời gian phải đóng cửa trường do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến.

Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.

Ba là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn điều kiện để công nhận các kết quả học tập theo các phương thức học từ xa (bao gồm học qua truyền hình, học trực tuyến…) cho phù hợp tinh thần của Luật Giáo dục 2019.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên can thiệp quá sâu vào việc chọn lựa phần mềm dạy học trực tuyến mà để cho các trường tự quyết định.

Tiêu chí duy nhất để Bộ xét duyệt phần mềm là phần mềm đó có phù hợp với chương trình giáo dục đã được Bộ ban hành và với sách giáo khoa đã được Bộ thẩm định hay không, theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục .

Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo cho các Sở giáo dục và các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp chặt chẽ với các kênh truyền hình/mạng giáo dục ở địa phương lên kế hoạch cụ thể bố trí giáo viên lên giảng trên kênh truyền hình khi được phân công và tham gia tích cực trong việc hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho học sinh, cùng hội cha mẹ học sinh triển khai việc tổ chức học qua truyền hình/trực tuyến cho các nhóm nhỏ học sinh tại địa bàn, giám sát việc học và đánh giá kết quả học tập của học sinh,… nhằm khắc phục một số hạn chế của phương thức dạy học trên truyền hình hoặc dạy học trực tuyến.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa hai phương thức dạy học truyền thống và dạy học truyền hình/trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dạy học chỉ theo từng phương thức riêng biệt.

Năm là, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ chỉ đạo cho giới truyền thông mở chiến dịch tiếp tục tuyên truyền rộng rãi cho các điển hình  về ứng dụng thành công dạy học truyền hình/trực tuyến trong mùa dịch và kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Sáu là, về lâu dài Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiến nghị Chính Phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án triển khai đại trà “Giảng dạy trực tuyến và phát triển tài nguyên giáo dục mở” trong những năm tới nhằm thay thế dần cho phương thức dạy học truyền thống hiện nay, khi có nhu cầu, như nhiều quốc gia đã và đang triển khai, để chủ động đối phó trước mọi thiên tai địch họa.

Thùy Linh