Hiệu trưởng giỏi sẽ chẳng ai trù dập giáo viên

08/04/2021 06:40
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng, vị thuyền trưởng, người chèo lái cả trường mà tài giỏi, thu phục được lòng người sẽ ít khi gặp cảnh khiếu kiện, tố cáo dai dẳng năm này qua năm khác.

Chúc mừng anh, tôi đã không biết trọng dụng người tài

Bên lề cuộc thi kể chuyện Bác Hồ của học sinh các trường trong thị xã năm ấy, thầy hiệu trưởng cũ và hiệu trưởng mới của tôi đứng bên nhau trò chuyện chờ kết quả hội thi.

Người hiệu trưởng giỏi sẽ biết phát huy thế mạnh của giáo viên (Ảnh Đỗ Quyên)

Người hiệu trưởng giỏi sẽ biết phát huy thế mạnh của giáo viên (Ảnh Đỗ Quyên)

Khi tên trường chúng tôi được xướng lên với danh hiệu giải nhất kể chuyện, nhất toàn đoàn cũng là lúc thầy hiệu trưởng cũ của tôi quay qua hiệu trưởng mới vui cười, bắt tay cùng lời nói: “Chúc mừng anh! Cô T. là người có năng lực nhưng tôi đã không biết trọng người tài”.

Cũng vừa lúc có mặt nơi hai thầy hiệu trưởng nói chuyện, tôi biết các thầy đang nói về mình. Chẳng là, từ ngày về trường mới tôi được trường giao nhiệm vụ "chủ xị" hướng dẫn học sinh cho các hội thi lớn nhỏ trong toàn thị xã.

Nói là “chủ xị” vì tôi kiêm nhiệm đủ các vai từ viết kịch bản, chọn nhân vật, tập dượt và đưa đi thi. Điều đáng nói là trong hội thi nào, trường chúng tôi cũng là một trong những con “át chủ bài” khiến các trường bạn kiêng nể.

Tôi hiểu, vì sao thầy hiệu trưởng cũ lại nói với thầy hiệu trưởng mới về tôi như vậy. Cũng đã có một thời, tôi bị chính thầy để ý, làm khó vì đã dám nói ra những điều chẳng ai dám nói.

Tôi là hiệu trưởng, tôi có quyền

Ngày thầy D. về trường làm hiệu trưởng, tôi đang là tổ trưởng chuyên môn khối lớp 2. Có lẽ là người nơi khác về trường nên mọi chuyện thầy đểu nghe phó hiệu trưởng lúc đó.

Ngay cả những việc phân công chuyên môn một cách bất hợp lý và làm sai một số quy định của ngành.

Có 2 chuyện xảy ra gây bức xúc trong nội bộ giáo viên. Tiếng xì xào, to nhỏ cứ râm ran khắp trường. Chẳng biết thầy không nghe hay cố tình lờ đi nên gây bức xúc cho tập thể giáo viên.

Thứ nhất, hiệu phó chuyên môn còn phân công dạy thêm một lớp (gọi là lớp treo vì thiếu giáo viên) trong khi khá nhiều giáo viên trong trường muốn đảm nhận.

Thứ hai, hiệu phó vừa dạy lớp treo vừa làm thư ký hội đồng nhưng lại nhờ giáo viên khác ghi và ký biên bản (bản thân nhận thêm tiết tăng giờ).

Thứ ba, số tiết quy định 1 tuần 4 tiết hiệu phó không dạy mà phân cho giáo viên khác dạy dùm.

Ai cũng biết, cũng bức xúc nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Vì nghĩ cho thầy sẽ mang tiếng xấu nên tôi quyết định lên phòng thầy nói chuyện.

-Thưa thầy, em xin được nói chuyện 10 phút được không?

- Có chuyện gì, cô cứ nói đi!

- Dạ! Giáo viên nhà trường đang râm ran nhưng không ai dám lên tiếng vì việc phân công chuyên môn của nhà trường, em muốn trình bày để thầy giải quyết cho hợp lý.

Cô H. là hiệu phó lại dạy thêm một lớp, trong khi nhiều giáo viên cũng có nhu cầu dạy. Đã thế, cô còn kiêm cả thư ký hội đồng nhưng nhờ người khác viết biên bản lại còn nhờ giáo viên dạy tiết tiêu chuẩn của mình nữa.

Mới nghe đến đó, thầy D. khoát tay và dằn tiếng: Tôi là hiệu trưởng, tôi phân ai là quyền của tôi, cấm thắc mắc.

Biết có nói cũng chẳng thể được nên tôi im lặng bước ra khỏi phòng vì không thể nói chuyện với một người bảo thủ như vậy.

Cảm thấy bức xúc vì lòng tốt của mình bị phũ phàng gạt đi, tôi không viết đơn tố cáo nhưng đã trực tiếp xuống phòng giáo dục báo cáo sự việc. Ngay tuần sau, phòng tổ chức thanh tra và đã nhắc nhở để hiệu trưởng chấn chỉnh chuyện này.

Nhưng cũng kể từ đó, tôi liên tục bị làm khó như việc luôn bị hiệu trưởng nhắc đích danh họ tên trên cuộc họp hội đồng nhằm hạ uy tín.

Rồi không hiểu sao, tôi cũng bị đơn kiện vu khống nặc danh về chuyện ép học sinh đi học thêm thu tiền (trong khi đó chỉ kèm vài học sinh yếu kém miễn phí). Nhà trường cũng không điều tra làm rõ, chính hiệu trưởng mang lá đơn ấy đọc to trước hội đồng nhà trường.

Bức xúc vì giáo viên bị vu khống, hội trưởng chi hội phụ huynh của lớp tôi đã tự viết đơn và lấy chữ ký của tất cả phụ huynh trong lớp nhằm minh oan cho cô. Tôi cũng xin chuyển trường từ năm học ấy.

Về trường mới, là thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp nhà giáo của tôi

Ngày về trường, có lẽ hiệu trưởng mới của tôi cũng đã kịp nghe về tôi với những từ cứng đầu, chống đối…nên không phân cho tôi chủ nhiệm hay dạy những môn văn hóa mà dạy thể dục.

Tuy thế, tôi vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy còn làm thêm cả những việc không phải của mình. Và, chỉ năm sau tôi được giao khá nhiều trọng trách quan trọng ở nhà trường.

Dạy tại trường 12 năm nhưng tôi có tới 4 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, 8 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 8 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 11 năm liền đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được xét tăng lương trước thời hạn.

Trong cuộc họp chính trị năm ấy, vị trưởng phòng tổ chức của phòng giáo dục còn nói rằng có những giáo viên ở trường này chỉ bình thường nhưng về trường khác lại đặc biệt nổi trội. Đó cũng là cái tài của người lãnh đạo biết dùng người.

Bản thân tôi, có được thành quả ấy chính nhờ vào thầy hiệu trưởng tài giỏi đã biết nhìn ra sở trường của từng giáo viên giao việc nhằm hạn chế những sở đoản mà ai cũng có.

Giả sử năm ấy, thầy hiệu trưởng mới cũng nghe người ta đồn đại rằng tôi cứng đầu cứng cổ, lỳ lợm mà đề phòng thì làm gì tôi có được những thành tích (dù chưa thật sự xuất sắc nhưng so với mặt bằng giáo viên cũng là thành tích đáng mơ ước của nhiều nhà giáo).

Thế mới biết, hiệu trưởng, vị thuyền trưởng, người cầm chèo con thuyền của cả trường mà tài giỏi, nhân tâm sẽ ít khi gặp cảnh khiếu kiện, tố cáo dai dẳng năm này qua năm khác.

Cũng vì thế, chọn hiệu trưởng ngoài tài năng còn phải hội tụ đủ năng lực phẩm chất của một nhà giáo chân chính.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Đỗ Quyên