Học buổi 2 ở chương trình mới có khác chương trình hiện hành?

24/08/2019 07:31
Thảo Ly
(GDVN) - Muốn học 2 buổi/ngày có hiệu quả thì nhà trường phải làm sao cho học sinh luôn hào hứng, học mà không thấy mệt mỏi, không có cảm giác “bị” học mà “được” học.

Chương trình giáo dục tiểu học hiện hành cũng như ở 2 bậc trung học vốn chỉ thiết kế cho học sinh học 1 buổi/ngày.

Thế nhưng dăm năm trở lại đây, nhiều địa phương đã quy định học sinh phải học 2 buổi/ngày.

Học buổi 2 hiện nay chẳng khác gì dạy thêm ((Ảnh minh họa: laodong.vn)
Học buổi 2 hiện nay chẳng khác gì dạy thêm ((Ảnh minh họa: laodong.vn)

Nội dung chương trình, các môn học, thời lượng…thì vẫn thế, chỉ có thời gian học tập tăng.

Vậy ở buổi 2 học sinh đã học những gì?

Nói là học buổi 2 nhưng học sinh tiểu học được bố trí học chủ yếu tăng thời lượng ở 2 môn Toán, tiếng Việt.

Mỗi tuần học tăng gần 10 tiết Toán (bổ sung) và tiếng Việt (bổ sung).

Nội dung học chẳng khác gì kiểu học thêm, ôn lại những kiến thức đã học chính khóa hoặc đơn giản chỉ là hoàn thành những kiến thức trong tiết chính khóa chưa học kịp.

Vài năm trở lại đây, để tránh tiếng buổi 2 như buổi học thêm. Nhiều địa phương chỉ đạo xếp thời khóa biểu đan xen nhau để các tiết chính khóa và tiết ôn tập được rải đều trong ngày.

Còn bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, học buổi 2 cũng chủ yếu ôn tập những môn sẽ thi tốt nghiệp.

Dù thế, nhưng tối tối, nhiều học sinh vẫn phải đi học thêm ở nhà thầy cô hoặc ở các trung tâm mới nắm được kiến thức.

Điều này, càng gây thêm áp lực học tập cho các em học sinh vì tự nhiên phải tăng thời gian học quá nhiều.

Áp dụng chương trình mới, học buổi 2 sẽ thế nào?

Học buổi 2 ở chương trình mới có khác chương trình hiện hành? ảnh 2
Học 2 buổi mỗi ngày, chẳng khác gì học thêm

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở dạy 2 buổi/ngày.

Ngoài ra, còn được thiết kế theo hướng mở và trao quyền chủ động cho nhà trường, cho chính giáo viên.

Thầy cô giáo sẽ có quyền trong việc xây dựng kế hoạch dạy học.

Mục tiêu của dạy 2 buổi/ngày là dạy học phát triển năng lực cho học sinh.

Muốn thế, nhà trường phải tạo cơ hội cho học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống...

Có thế, mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, kỹ năng cho học sinh.

Muốn học 2 buổi/ngày có hiệu quả thì nhà trường phải làm sao cho học sinh luôn hào hứng, học mà không thấy mệt mỏi, không có cảm giác “bị” học mà “được” học.

Đương nhiên không thể tổ chức cách học buổi 2 như hiện nay, chỉ đặt nặng việc ôn luyện các môn văn hóa (chủ yếu các môn Toán, tiếng Việt, một số môn thi tốt nghiệp như Anh văn, Ngữ văn, Lý, Hóa…)

Nội dung giảng dạy ở buổi thứ hai phải được tổ chức theo hướng các hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh.

Đảm bảo tính linh hoạt, vui vẻ, nhẹ nhàng, phát huy tính tích cực, tôn trọng sở trường cá nhân, hướng tới phát triển năng lực toàn diện cho bản thân từng học sinh.

Thảo Ly