Học sinh mang dao đến trường đuổi đánh bạn, kỷ luật tích cực thế nào đây?

01/12/2020 06:23
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng hình thức đình chỉ học có thời hạn như này không phải là biện pháp giáo dục hay và hiệu quả đối với những học sinh cá biệt.

Ngày 18/11nữ sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Thanh Hóa) đã bị bạn học tổ chức đánh hội đồng phải nhập viện.

Ngày 20/11 nữ sinh cấp 3 bị bạn dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu và bắt quỳ xin lỗi.

Ngày 26/11, em Bùi Chiến T, học sinh lớp 11 đã vác dao đến trường truy đuổi bạn. Trong quá trình xô xát, chính T. đã bị thương, hiện đang điều trị tại bệnh viện.

Cùng ngày, nam sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Châu Giang, tỉnh Hà Nam đánh bạn trong giờ ra chơi khiến nạn nhân thiệt mạng.

Áp dụng việc đình chỉ học 1 tuần không làm giảm bạo lực học đường (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Áp dụng việc đình chỉ học 1 tuần không làm giảm bạo lực học đường (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Trường hợp nam sinh đánh chết bạn có lẽ rồi sẽ bị xử lý hình sự. Còn vụ học sinh mang dao vào trường dọa chém bạn do người bị thương cũng là người mang hung khí vào trường đang nằm viện nên nhà trường chưa xử lý kỷ luật.

Còn 2 vụ học sinh đánh nhau vừa xảy ra tại Thanh Hóa, mức kỷ luật đưa ra cao nhất chỉ là bị đình chỉ học 1 tuần và nhận hạnh kiểm trung bình cho hành vi đánh bạn.

Đình chỉ học 1 tuần liệu đã đủ sức răn đe?

Đình chỉ học đối với học sinh ngoan, học giỏi và ham học đó là hình phạt nhưng với học sinh lười học, chưa ngoan thì có khi lại có tác dụng ngược lại.

Là giáo viên đang giảng dạy hàng ngày tiếp xúc, trò chuyện với nhiều đồng nghiệp ở không ít địa phương, tôi nhận thấy trong thực tế, có không ít học sinh rất thích được đình chỉ học (có thời hạn) vài ba tuần.

Có em mắc lỗi bị nhà trường đuổi học vài ngày đến vài tuần không lấy làm buồn mà còn tỏ ra mừng vui xem như một “đặc ân” vì có thêm khoảng thời gian để vui chơi mà không bị ai quản lý.

Hiện nay, do hoàn cảnh có không ít học sinh sống với ông bà hoặc sống cùng bố mẹ nhưng cha mẹ các em lại bận rộn suốt ngày mà không có thời gian trông nom, chăm sóc con cái đến nơi đến chốn.

Vì thế, khi nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học vài ngày hay vài tuần những học sinh này sẽ không có ai quản lý.

Đã có những học sinh bị đình chỉ học nhưng hằng ngày, những học sinh này vẫn đến trường bình thường và khi các bạn vào học, các em thường lởn vởn quanh trường.

Có em lại vào quán nét để ngồi chơi hết buổi, em lại gia nhập hội bạn xấu đã nghỉ học để đi chơi lêu lổng suốt ngày.

Đã có em đã bị bạn bè xấu lôi kéo dẫn đến việc nghỉ học luôn. Có em lại miệt mài cày game đến quen tay và khi đi học trở lại nghiện những trò chơi này lúc nào không biết.

Thường thì những học sinh hay vi phạm bị đình chỉ học có lực học yếu, bởi thế thời gian không được đến trường và vào lớp nên không được tiếp thu kiến thức. Hết thời hạn kỷ luật trở lại trường chẳng ai bù lại kiến thức đã mất cho các em. Thế là, vốn học đã yếu lại càng yếu hơn.

Kỷ luật tích cực thế nào đây?

Cách mà nhiều trường học hiện nay đang làm là áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với học sinh vi phạm và sau thời gian quy định học sinh tiếp tục đến trường học bình thường.

Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng hình thức đình chỉ học có thời hạn như này không phải là biện pháp giáo dục hay và hiệu quả đối với những học sinh cá biệt.

Thế nhưng, không áp dụng hình thức kỷ luật này nhà trường sẽ phải làm gì khi các em học sinh vi phạm kỷ luật?

Thứ nhất, đối với những học sinh lỡ đánh bạn một cách bột phát vì bức xúc không thể kìm nén có thể xử lý theo hình thức tạm thời đình chỉ học có thời hạn (các em sẽ không được vào lớp ngồi học, sinh hoạt như các bạn) nhưng vẫn phải đến trường và nhà trường sẽ có kế hoạch riêng để quản lý, giúp đỡ những học sinh này.

Nhưng ai sẽ quản lý, giáo dục các em? Điều này cần được quy định rõ ràng, đó là giáo viên chủ nhiệm lớp hay giám thị của nhà trường phải đảm nhận việc này?

Và dù ai đảm nhận thì ngành cũng cần phải tính toán quy đổi thành tiết dạy cho giáo viên. Làm tốt điều này, thầy cô cũng làm việc có trách nhiệm và tận tâm hơn.

Thứ hai, nếu là đánh bạn có tổ chức như nhờ người bên ngoài vào đánh, có sự bàn bạc từ trước trong hội nhóm thì tùy từng mức độ để cương quyết đưa những học sinh này vào trường giáo dưỡng để có biện pháp giáo dục phù hợp, lâu dài.

Từ trước đến nay, xử lý học sinh đánh bạn có tổ chức thì hình phạt cũng chỉ là viết bản kiểm điểm, mời ba mẹ làm việc. Hình thức kỷ luật cao nhất cũng chỉ là đình chỉ học 1 tuần, vài tuần cho đến 1 năm học và cho đó là cách xử lý nhân văn, tạo cơ hội để học sinh sửa sai.

Thế nhưng trong thực tế, những học sinh ngổ ngáo thường hay đánh bạn, hay kết bè kéo cánh dùng bạo lực với bạn một cách tàn nhẫn thì đến thầy cô chúng cũng chẳng coi ra gì.

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi tâm sự rằng, muốn yên ổn thì thầy cô còn phải nhường chúng vài ba phần, thậm chí họ bất lực trước những học trò cá biệt này.

Chính vì điều này, những vụ bạo lực học đường trong các trường học đã không chấm dứt mà còn có chiều hướng những vụ việc sau càng manh động, tài nhẫn hơn những vụ việc trước.

Trao đổi về quy định đình chỉ học sinh vi phạm 1 tuần hoặc vài tuần, ông Bùi Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trương Vương, tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu áp dụng việc đình chỉ học vài tuần học đối với học sinh vi phạm sẽ vô tác dụng. Sẽ có những học sinh khi bị đình chỉ học vài tuần tỏ ra thích thú vì không phải học.

Trong những tuần đó, khi cha mẹ bận rộn ai sẽ quản lý các em? Khi học sinh đi chơi, "cày game" đã quen rồi thì đến trường lại còn nguy hại hơn.

Nói rồi, ông Dũng cho biết nếu là học sinh của trường mình vi phạm, nhà trường sẽ dùng mọi biện pháp cũng như kết hợp với gia đình để giáo dục và giúp các em sửa chữa.

Một lần chưa tác dụng thì nhiều lần…chỉ khi mọi cố gắng của giáo viên, của nhà trường vẫn không đạt được, chúng tôi sẽ trả các em về gia đình luôn chứ không áp dụng đình chỉ vài tuần học như các trường công lập hiện nay vẫn làm.

Phan Tuyết