Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh ôn tập căng thẳng trước giờ thi vào lớp 10

18/05/2018 07:20
Phương Linh
(GDVN) - Số lượng học sinh lớp 9 dự thi tăng 20.000 em, trong khi chỉ tiêu lớp 10 công lập chỉ tăng 4.000 em, nên để có một suất vào học sẽ không dễ dàng với học sinh.

Trong 2 ngày là 2,3/6/2018 sắp đến, gần 90.000 học sinh lớp 9 của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Năm nay, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của 103 trường trên địa bàn khoảng 67.000 em, tăng khoảng 4.000 chỉ tiêu so với năm ngoái, nhưng số lượng học sinh dự thi lại tăng đến khoảng 20.000 em, thì dự báo, để có được một suất vào học tại các trường công lập là không hề dể dàng với học sinh.

Tư vấn kỹ cho học sinh đăng ký nguyện vọng

Hôm 3/5 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố bảng tổng hợp số lượng nguyện vọng đăng ký vào lớp 10 ban đầu của các trường trung học phổ thông công lập.

Qua số liệu này, học sinh sẽ có một tuần để điều chỉnh sự thay đổi đăng ký nguyện vọng của mình ở các trường, kể cả đăng ký vào lớp 10 chuyên.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại các trường trung học cơ sở, cho thấy hầu hết các trường, số lượng học sinh điều chỉnh nguyện vọng rất ít, do các em đã được tư vấn rất kỹ.

Thậm chí, nhiều trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp còn đến tận nơi để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, để các em có sự lựa chọn nguyện vọng thi cho riêng mình.

Tại trường trung học cơ sở Hậu Giang (quận 11), cô Nguyễn Thị Tuyết Nga – Hiệu trưởng cho biết, trường có 360 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có hơn 20 em có điều chỉnh nguyện vọng sau khi Sở công bố bảng tổng hợp.

Học sinh khối lớp 9, Trường Hậu Giang trong giờ ôn tập môn tiếng Anh (Ảnh: P.L)
Học sinh khối lớp 9, Trường Hậu Giang trong giờ ôn tập môn tiếng Anh (Ảnh: P.L)

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Nga, nhà trường làm công tác tư vấn cho học sinh nắm rất kỹ, như là thống kê điểm chuẩn, chỉ tiêu 2 năm liền của các trường trung học phổ thôn lân cận trường, để có cơ sở cho học sinh, phụ huynh tham khảo.

Từ học lực của học sinh, giáo viên chủ nhiệm các lớp 9 cũng sẽ tư vấn cho các em biết nên chọn trường trung học phổ thông nào. 

Thành phố Hồ Chí Minh công bố tỷ lệ chọi kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Do vậy, toàn bộ nguyện vọng của các em học sinh trường Hậu Giang đều là vào các trường có địa bàn lân cận, sát bên trường, như: Trường trung học phổ thông Nguyễn Hiền, Trần Quang Khải, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11), hay ở các trường nằm trên địa bàn quận 8.

Tại Trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, quận Bình Tân, cô Nguyễn Thị Suốt – Hiệu trưởng thông tin: Gần 500 học sinh lớp 9 của trường thì chỉ có hơn 10 em là có nhu cầu thay đổi nguyện vọng.

Ôn tập căng thẳng tới ngày cuối cùng

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Hậu Giang – cô Tuyết Nga chia sẻ: Ngay sau khi học sinh hoàn tất kỳ kiểm tra học kỳ 2, từ ngày 2/5, nhà trường đã bắt đầu thực hiện việc ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 9.

Việc ôn tập này dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 30/5, nghĩa là trước khi kỳ thi bắt đầu 2 ngày. Với lợi thể là trường học 2 buổi, buổi sáng thì học sinh sẽ học đảm bảo theo chương trình phân phối của Bộ Giáo dục, chiều thì các em sẽ được ôn tập thêm các môn Toán, Văn và Ngoại ngữ.

Thành phố Hồ Chí Minh công bố đề thi minh họa tuyển sinh lớp 10 môn Toán từ rất sớm, sẽ giúp cho các trường chủ động trong việc giảng dạy, soạn thảo các đề cương ôn tập, hệ thống hóa các kiến thức cho học sinh.

Tùy vào năng lực học của học sinh, giáo viên sẽ có những cách linh hoạt trong việc ôn tập cho các em, như nếu các em học khá giỏi thì sẽ được nâng cao kiến thức, khi làm đề kiểm tra minh họa thì có lồng vào câu hỏi phân hóa.

Nếu học sinh có học lực trung bình, yếu thì chỉ làm chủ yếu là củng cố kiến thức, để học sinh nắm vững hơn.

Theo thầy Hoàng Long Trọng – giáo viên Văn Trường trung học cơ sở Văn Lang, quận 1, vào thời điểm 2 tuần trước khi kỳ thi bắt đầu, các thầy cô chủ yếu chỉ hệ thống hóa kiến thức theo dạng tổng hợp, chuyên đề, làm theo dạng đề của một số năm học trước đây.

Đối với môn Văn, học sinh cần biết lồng ghép các kiến thức vào thực tiễn, mở rộng vào các vấn đề thời sự, nên các em cần biết lắng nghe, tìm hiểu và chia sẻ những câu chuyện, những sự kiện mang đậm hơi thở của cuộc sống.

Với phần nghị luận văn học, học sinh cần biết cần biết cảm nhận, phân tích một đoạn thơ, đoạn văn xuôi và các thao tác như nắm dàn bài chung, biết liên hệ tới tác phẩm, nhân vật cùng với đề tài của đoạn văn đó, biết liên hệ vào thực tiễn của cuộc sống ngày nay.

Phương Linh