Vụ học sinh Quảng Nam 'xúc phạm' thầy cô trên facebook:

Học sinh 'xúc phạm' thầy cô trên facebook rất cần sự bao dung

11/01/2013 07:45
Đỗ Quyên
(GDVN) - "Dù hình phạt nào cũng cần hướng tới mục đích giúp học trò nhận thức sâu sắc, thấm thía cái giá phải trả cho lỗi lầm cùng con đường hướng thiện được mở rộng trong sự bao dung của cha mẹ, thầy cô".
Gần đây, một học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ - Quảng Nam Nguyễn Thanh Vy bị đình chỉ 1 năm học do có những hành vi "xúc phạm" thầy cô trên facebook. PV Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với với Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - GV Văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

- Sau khi đọc những gì học sinh Nguyễn Thanh Vy đã đăng trên diễn đàn Facebook để xúc phạm thầy cô tại Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ, cô có suy nghĩ như thế nào?

T.S Trịnh Thu Tuyết: Cố gắng đọc hết sản phẩm này, mọi lương tri đều thấy đau xót, những người làm công tác giáo dục như cha mẹ, thầy cô không thể không phẫn nộ, buồn giận khi sự xuống cấp về văn hóa, nhân cách con người hiện hữu đáng sợ qua câu chữ hiển ngôn!

- Trước sự việc này, Trường THCS Lý Tự Trọng đã buộc cho học sinh thôi học 1 năm. Cô nhận định như thế nào về hình phạt này?

T.S Trịnh Thu Tuyết: Mọi hình thức thưởng, phạt đều phải căn cứ vào quá trình tu dưỡng của học trò cũng như những qui định của từng đơn vị giáo dục. Với khuyết điểm này, học sinh cần phải nhận một hình thức kỉ luật thích đáng; tuy nhiên, hình phạt chỉ trở thành một hình thức giáo dục có hiệu quả nếu nó nghiêm khắc, thích đáng nhưng vẫn hàm chứa thấu đạt nhân tình, dù hình phạt nào cũng cần hướng tới mục đích giúp học trò nhận thức sâu sắc, thấm thía cái giá phải trả cho lỗi lầm cùng con đường hướng thiện được mở rộng trong sự bao dung của cha mẹ, thầy cô.

Một năm nghỉ học có thể tạo ra những diễn biến tâm lí rất phức tạp cho học trò, từ ân hận, xấu hổ, mong mỏi được tha thứ (là trạng thái tâm lí cần có) đến buồn chán, uất ức, tuyệt vọng bởi sự cô độc với bạn bè cùng trang lứa; và khi thời gian qua đi quá lâu, có thể các em sẽ bất mãn, buông xuôi... (trạng thái tâm lí đặc biệt tiêu cực với bất kì ai).

Khi nghỉ học, điều kiện được giáo dục trong môi trường sư phạm tương đối thuần nhất sẽ bị thay bằng môi trường hỗn tạp, phức tạp bên ngoài, nhất là sự non nớt, dại dột sẽ khiến các em có thể sa ngã trước những đối tượng xấu. 

T.S Trịnh Thu Tuyết: Trong những lần trao đổi về công tác giáo dục, tôi đều đưa ra quan niệm: học trò luôn là những trang giấy trắng, cuộc đời dần in lên trang giấy ấy những dòng chữ, những bức tranh hoặc xấu, hoặc đẹp
T.S Trịnh Thu Tuyết: Trong những lần trao đổi về công tác giáo dục, tôi đều đưa ra quan niệm: học trò luôn là những trang giấy trắng, cuộc đời dần in lên trang giấy ấy những dòng chữ, những bức tranh hoặc xấu, hoặc đẹp
- Nhiều độc giả cho rằng, hình phạt của nhà trường đối với học sinh Nguyễn Thanh Vy là hơi nặng nề. Bởi theo lời của học sinh Vy trình bày, em đã lấy 1 bài viết trên mạng, thay tên của trường vào nghịch ngợm. Bố của học sinh Vy cũng cho biết, từ trước tới nay em liên tục là học sinh tiên tiến. Ngoài ra, nhiều người cho rằng facebook không phải là thông tin chính thống. Cô nghĩ sao về ý kiến này? 

T.S Trịnh Thu Tuyết: Hình phạt có thể chưa thật phù hợp nhưng tuyệt đối không phải vì lí do nêu trên. Sống trong một cộng đồng, con người luôn phải có trách nhiệm với những lời nói, việc làm của mình khi giao tiếp. Facebook là một mạng xã hội có sức lan tỏa, chi phối vô cùng nhanh chóng, sâu rộng; một kênh giao tiếp không thể thiếu trong đời sống tinh thần của thanh thiếu niên hiện nay; các thành viên Facebook luôn thể hiện nhân cách cá nhân của mình, dù chỉ trong một nút nhấn like (!); vì thế, quan niệm cho rằng "Facebook không phải là thông tin chính thống" chỉ là sự ngụy biện, chối bỏ trách nhiệm cá nhân trong các hoạt động giao tiếp xã hội. Nhân cách mỗi cá nhân luôn bộc lộ trong mọi hành vi, dù là chọn một bài hát, một bộ phim; nhấn like một sự việc, hiện tượng, con người...; yêu hay ghét một đối tượng nào đó... việc em chọn cái gọi là "bản tuyên ngôn của học sinh lớp 8","thay tên của trường vào nghịch ngợm" là một việc không thể chấp nhận với bất kì học sinh nào, nhất là một học sinh được bố khẳng định rằng: "từ trước tới nay em liên tục là học sinh tiên tiến"!  - Thưa cô, nếu trong lớp cô chủ nhiệm có một học sinh tương tự, cô sẽ có biện pháp xử lý thế nào?
T.S Trịnh Thu Tuyết: Nếu trong lớp chủ nhiệm có một học sinh tương tự, tôi sẽ kết hợp với nhà trường, Đoàn thanh niên, tập thể lớp, phụ huynh... triệu tập một cuộc họp, yêu cầu học sinh đọc cái gọi là "bản tuyên ngôn của học sinh" mà chính em đã phát tán; yêu cầu học sinh tự đề xuất một hình phạt trước khi có sự trao đổi, thống nhất của tập thể các đối tượng giáo dục. Chắc chắn em sẽ rất khó khăn để đọc nguyên văn, trọn vẹn văn bản đáng xấu hổ đó; sự xấu hổ khiến em không thể nương nhẹ chính mình; và chắc chắn em sẽ " tâm phục khẩu phục" nhận hình phạt sau sự trao đổi khá thẳng thắn, nghiêm khắc và dân chủ. 
- Đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng học sinh sử dụng Facebook lăng mạ thầy cô, bị nhà trường nghiêm khắc xử phạt. Theo cô, nguyên nhân của hành vi này là do đâu?

T.S Trịnh Thu Tuyết: Việc học sinh giao tiếp, trao đổi tâm tư, tình cảm trên Facebook là hiện tượng phổ biến trong văn minh thời hiện đại. Cha mẹ và thầy cô cũng nên bước chân vào thế giới ảo để nhận ra con người rất thật của con em mình, thậm chí, nhận ra chính con người mình! Hiện tượng học sinh sử dụng Facebook lăng mạ thầy cô có nhiều nguyên nhân, có thể từ phía trò, khi các em chưa nhận thức được lỗi lầm của mình mà bức xúc trước những hình thức kỉ luật của thầy cô; nhưng cũng có thể xuất phát chính từ thầy cô, hoặc do năng lực sư phạm, chuyên môn, hoặc do nhân cách...

Trong những lần trao đổi về công tác giáo dục, tôi đều đưa ra quan niệm: học trò luôn là những trang giấy trắng, cuộc đời dần in lên trang giấy ấy những dòng chữ, những bức tranh hoặc xấu, hoặc đẹp! Những kỉ luật dù nghiêm khắc nhưng khi công bằng, thấu đạt nhân tình đều có thể giúp các em thay đổi, tiến bộ; các em sẽ ân hận mà không oán hận! Với quan niệm ấy, tôi cho rằng, chính chúng ta, những người làm công tác giáo dục, cũng có một sự liên quan rất lớn đến hiện tượng học sinh sử dụng Facebook lăng mạ thầy cô.

Em Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà.
Em Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà.
- Cô đánh giá như thế nào về việc giáo dục con người trong nhà trường hiện nay?

T.S Trịnh Thu Tuyết: Hiện nay, các trường phổ thông đều có những cố gắng rất tích cực để giáo dục đạo đức, nhân cách cho học trò, từ việc kết hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội đến sử dụng các hình thức thi đua, các hoạt động xã hội - từ thiện...; nhưng có lẽ những tiêu cực trong và ngoài nhà trường, những tiêu cực ngay trong một bộ phận thầy cô đã khiến học trò mất dần niềm tin và sự kính trọng để tiếp nhận sự giáo dục. Nhân cách người thầy là một trong những phương tiện giáo dục quan trọng nhất, chúng ta cần trau dồi, gìn giữ phương tiện ấy để việc giáo dục học trò có hiệu quả thực sự!

- Gia đình cũng cần phải có biện pháp dạy dỗ, hỗ trợ con cái như thế nào để vượt qua được những mặt trái của Công nghệ thông tin cũng như tuổi dậy thì nhiều nông nổi?

T.S Trịnh Thu Tuyết: Cũng như các thầy cô ở trường, gia đình, cha mẹ cần nhiều nhất tình thương, sự quan tâm thấu hiểu, và lấy chính nhân cách của mình, gần gũi giáo dục con em. Công nghệ thông tin cùng mặt trái của nó, tuổi dậy thì với nhiều nông nổi...đó là thực tế không thể tránh né, gia đình chỉ có cách duy nhất là đồng hành cùng con em mình với hành trang của nhân cách, trí tuệ và tình yêu thương.

Th.S tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Tp.HCM cho rằng: Hình phạt đuổi học 1 năm với em Nguyễn Thanh Vy là quá nặng, bao gồm những nguyên nhân sau:

Một là, phát ngôn của em học sinh này là do sự nông nổi, mà chúng ta ai cũng biết nông nổi là đặc điểm tâm lý phổ biến của tuổi mới lớn. Do đó các em cần được thông cảm và giáo dục uốn nắn.

Thứ hai, nếu có vấn đề về đạo đức thì phải có biện giáo giáo dục đạo đức, không nên buộc phải tạm dừng cả việc học tập.

Thứ ba, nếu cho tạm dừng học tập, có thể em ấy cải thiện được hành vi này. Nhưng nếu không được nhà trường dạy dỗ trong 1 năm trời, có thể em ấy còn bị tiêm nhiễm cả chục hành vi xấu khác. Như vậy, xét về hiệu quả giáo dục, chúng ta bị “lỗ” nặng.

Thứ tư, đuổi học 1 năm sẽ thể hiện sự bất lực của tập thể sư phạm trước hành vi vi phạm ấy. Trong khi hành vi này không quá phức tạp, không quá trầm trọng và không hề vượt khỏi năng lực giáo dục của nhà sư phạm.

Thầy Khắc Hiếu cũng cho biết thêm: Nhà trường là cái nôi giáo dục của xã hội với những thầy cô đã được đào tạo về tâm lý học sinh, về phương pháp sư phạm. Đó là nơi đặc trưng để uốn nắn những nhân cách chưa hoàn thiện, đó là “thiên chức” của nhà trường! Nếu một nhà trường quyết định đuổi một học sinh nào đó, thì điều đó có nghĩa là tập thể sư phạm nhà trường thừa nhận đã “bó tay” chịu thua trước học sinh ấy, đã bất lực trước hành vi ấy và từ chối giáo dục em ấy. Nếu ngay cả nhà trường còn từ chối thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình thì thử hỏi ai sẽ thay thế nhà trường để giáo dục những nhân cách chưa hoàn thiện ấy?

Là một giáo viên dạy tâm lý, thầy Khắc Hiếu đã có những chia sẻ: Người lớn phải ý thức được rằng: một đứa trẻ không tự nó hư được, mà do chúng bị tác động từ môi trường bên ngoài. Nếu bọn trẻ sai, nhưng cái sai ấy là do ta chưa dạy dỗ tới thì lỗi ấy trước tiên là nằm ở chính chúng ta. Và đặc biệt, nếu bọn trẻ có hành vi không tốt, hãy thương yêu chúng và hướng dẫn chúng làm đúng thay vì bỏ rơi chúng. Nếu chúng không sửa đổi thì lỗi là do ta giáo dục không đúng cách, hãy thấm nhuần tư tưởng: “không có trẻ em hư, chỉ có nhà giáo dục tồi”.

Đỗ Quyên