Học tiếng Anh từ tiểu học đến đại học, giáo viên vẫn phải bỏ tiền mua chứng chỉ

15/06/2019 07:12
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Dù giáo viên có học thật, sử dụng được ngoại ngữ nhưng trong quá trình giảng dạy không cần đến nó thì kiến thức ấy cũng sẽ mai một rất nhanh theo thời gian.

Có một nghịch lý mà nhiều người không thể lý giải được là chương trình học, sách giáo khoa, giáo trình hiện nay do Bộ Giáo dục ban hành nhưng chính ngành giáo dục lại không công nhận thành quả mà ngành mình đang đào tạo?

Tại sao phải có chứng chỉ ngoại ngữ khi chương trình học tập hiện nay từ bậc tiểu học lên đến trung học phổ thông thì môn tiếng Anh luôn là một trong 3 môn học có số lượng tiết học nhiều nhất trong năm?

Khi vào đại học (hệ chính quy) thì tiếng Anh cũng là môn học cũng có số lượng nhiều nhất.

Vậy có cần thiết phải có chứng chỉ hay không, nếu không phải là giáo viên ngoại ngữ thì chứng chỉ A2, B1 làm gì cho phát sinh thêm những tiêu cực?

Không nên quá cứng nhắc khi bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Không nên quá cứng nhắc khi bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nếu chúng ta nhìn vào chương trình đào tạo hiện nay sẽ thấy môn tiếng Anh được phân bổ rất nhiều tiết trong từng năm học. Chẳng hạn như chương trình tiểu học có từ 3-4 tiết tiếng Anh/ tuần.

Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng được bố trí 3 tiết/ tuần. Như vậy, so với tất cả các môn học thì môn tiếng Anh chỉ thua số tiết với môn Văn và Toán.

Khi vào đại học, sinh viên được học khoảng 300 tiết tiết Anh cho 5 học kỳ đầu tiên. Trong đó, có một học kỳ học tiếng Anh chuyên ngành với số lượng 60 tiết.

Giá như, ngành giáo dục chú trọng đầu tư trong giảng dạy thì với số tiết từ tiểu học lên đến đại học là học sinh, sinh viên đã có một vốn tiếng Anh cơ bản tốt. Nhưng, vì sao lại không lấy kết quả này để làm cơ sở trong quá trình tuyển dụng và minh chứng cho các loại hồ sơ cá nhân của công chức, viên chức?

Cái chính là việc đào tạo tiếng Anh trong nhà trường phổ thông và cả chương trình đại học của chúng ta chưa được đầu tư đúng mức, chưa được coi trọng nên hiệu quả rất thấp.

Học nhiều như vậy, nhưng nếu không học thêm bên ngoài, không học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ thì đa phần học sinh, sinh viên vẫn “vừa câm, vừa điếc” ngoại ngữ bởi phần lớn nói không được mà nghe cũng không xong.

Chính vì quy định phải có chứng chỉ này, chứng chỉ khác mà việc học trong nhà trường không được xem trọng.

Chương trình, nội dung dạy và học ngoại ngữ lạc hậu, quẩn quanh cùng một nội dung, đơn vị kiến thức cho nhiều cấp học. Học sinh, sinh viên vừa học trong nhà trường vừa phải ra ngoài trung tâm học với mức học phí rất cao.

Tiền luyện thi và lệ phí thi chứng chỉ A2, B1 hiện nay tương đương 2 tháng lương

Người học được thì không nói làm gì, người không học được hoặc những người cần tấm chứng chỉ để hợp thức hóa hồ sơ thì họ dùng tiền để mua.

Các trung tâm, các trường đại học được phép luyện thi, cấp chứng chỉ nếu càng dễ dàng thì càng thu hút được học viên nên nhiều người chủ yếu chỉ ghi danh, thi cho đúng hình thức nhưng phần nhiều “không hiểu vì sao” mà mình đủ điều kiện để cấp chứng chỉ?

Chúng tôi luôn đề cao vai trò ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập, chúng tôi luôn biết rằng ngoại ngữ là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công của con người, nhất là đối với giáo viên- những người đang hàng ngày giảng dạy học trò.

Nhưng những giáo viên không phải là giáo viên ngoại ngữ có nhất thiết phải giỏi tiếng Anh không, có nhất thiết phải có các chứng chỉ như quy định trong các văn bản hiện nay của ngành giáo dục không?

Có lẽ là không cần thiết và thực tế không nên bắt buộc tất cả giáo viên phải có chứng chỉ như các hướng dẫn hiện hành của ngành giáo dục.

Những giáo viên không phải là giáo viên ngoại ngữ cần đọc được tiếng nước ngoài, đọc đúng được những tên nhân vật, những thuật ngữ khoa học, những công thức, những ký hiệu, những tên các khoa học nước ngoài là đã đạt chuẩn rồi.

Bắt buộc toàn thể giáo viên từ mầm non trở lên phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam là điều viển vông, không thực tế mà chỉ phát sinh thêm tiêu cực mà thôi.

Những giáo viên trước đây, họ có chứng chỉ A, B, C ngoại ngữ là đúng với yêu cầu tuyển dụng vào thời điểm đó thì họ đã đủ chuẩn. 

Vì sao chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chỉ là một tờ giấy đúng nghĩa?

Bây giờ nếu phải học thêm là học thêm, bồi dưỡng thêm về chuyên môn mà người thầy đang dạy.

Việc học ngoại ngữ chỉ nên khuyến khích chứ không nên quy định cứng nhắc để đánh giá, xếp loại và bổ sung hồ sơ khi thi thăng hạng hay bổ nhiệm các chức danh. Quan trọng là có chứng chỉ mà không có trình độ ngoại ngữ tương đương thì phỏng có tác dụng gì?

Việc học, luyện thi ngoại ngữ không phải bây giờ mà tồn tại hàng chục năm qua và một sự thật hiển nhiên là cứ có tiền là có chứng chỉ. Có chứng chỉ cũng chẳng để làm gì vì nhiều môn học chẳng cần phải dùng một từ ngoại ngữ nào.

Ngay trong sách giáo khoa hiện hành thì các từ nước ngoài cũng hoàn toàn được phiên âm sáng tiếng Việt để đọc.

Nên chăng, ngành giáo dục chú trọng đầu tư và thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay của các nhà trường. Sau khi hoàn thành chương trình học đại học, cao đẳng cũng hoàn thành các chương trình ngoại ngữ, tin học vì các môn học này được đào tạo song song trong nhà trường.

Những yêu cầu ngoại ngữ hiện nay cho việc tuyển dụng và hợp thức hóa hồ sơ của cán bộ công viên chức cũng cần linh hoạt. Những vị trí cần thiết ngoại ngữ thì khi tuyển dụng cần có những bài thi năng lực, kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp bằng ngoại ngữ.

Những ngành nào không cần thiết thì không nên quá cứng nhắc làm gì. Ngay với ngành giáo dục, nhiều môn học, nhiều cấp học không cần ngoại ngữ thì việc yêu cầu chứng chỉ cũng chẳng để làm gì.

Dù giáo viên có học thật, sử dụng được ngoại ngữ nhưng trong quá trình giảng dạy không cần đến nó thì kiến thức ấy cũng sẽ mai một rất nhanh theo thời gian.

Chứng chỉ cũng chỉ là một tờ giấy nằm yên vị trong tập hồ sơ viên chức mà thôi. Nhưng, để có nó, giáo viên phải bỏ ra một số tiền rất lớn, thậm chí phải một vài tháng lương mới có được!

NGUYỄN NGUYÊN