Học trước vào lớp 1: Nét chữ đi trước không phải nét chữ khôn!

04/05/2011 07:57
Trong khi ngành giáo dục tìm cách giảm sức ép cho trẻ bằng cách bỏ thi tiểu học thì các bậc phụ huynh vẫn bắt con đi học sớm để vào lớp 1.

Trong khi ngành giáo dục tìm cách giảm sức ép cho trẻ bằng cách bỏ thi tiểu học thì các bậc phụ huynh vẫn bắt con đi học sớm để vào lớp 1.

Mẹ ơi, "vai" con rất nặng!
Khi con cái oằn mình gánh giấc mơ "thần đồng" của cha mẹ

Học trước vào lớp 1 là sai


- Thưa ông, trước mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 1, số đông phụ huynh đều chung suy nghĩ, phải cho con đi học trước mới theo kịp chương trình, mới không bị tụt hậu…Ông lý giải điều này thế nào?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Chương trình học ở Việt Nam có chỗ nặng, có chỗ không nặng, nhưng giờ có hiện tượng là ai cũng nói chương trình nặng. Chính vì nghĩ nặng nên mới cho con đi học trước.

Vừa rồi Bộ GD-ĐT đã ban hành điều lệ trường tiểu học, trường trung học. Trong Luật quy định trẻ đi học tiểu học thì học lớp 1 bắt đầu từ 6 tuổi – đấy là quy định cứng. Ai làm không đúng là làm sai Luật.

- Có phụ huynh thắc mắc khi trong Luật quy định “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định trường hợp có thể học trước tuổi, học sớm học vượt lớp…”. Điều này rất dễ khiến phụ huynh hiểu lầm, ông giải thích thế nào? 

Đúng là trong Luật có quy định mở như vậy với bậc học phổ thông để tạo điều kiện cho những em khuyết tật học chậm thì có thể cho đi học trước…Và với học sinh phát triển thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định trường hợp được học trước tuổi, học sớm học vượt cấp. Và chỗ này đang gây thắc mắc.

Nhưng văn bản dưới luật là Điều lệ trường tiểu học đã ban hành, trong đó có quy định độ tuổi vào học lớp 1 là sáu tuổi và tiểu học không cho học trước tuổi. Vậy ai có con đến tuổi vào lớp 1 phải thực hiện theo quy định này.

Còn khi học sinh đang học lớp 5 mà có khả năng học lớp 6 thì Luật không cấm...

Nét chữ đi trước không phải nét chữ "khôn"

Vụ trưởng Lê Tiến Thành
Vụ trưởng Lê Tiến Thành

- Ông có cho rằng, Luật quy định một đằng nhưng vào cuộc sống lại thực thi nẻo khác vì các "lò luyện chữ" vào lớp 1 ngày càng nhiều, còn phụ huynh thì không thể không đưa con đến lò luyện?

Chuyện tìm "lò", tìm thầy là việc của mỗi phụ huynh. Vì con em hay con tôi, cháu tôi thì đúng hơn cũng muốn tìm chỗ học tốt. Tâm lý mong muốn như vậy vì đa số phụ huynh không có điều kiện để dạy.

Còn với cháu 3 tuổi tôi thường dạy cháu theo cách  đưa ra yêu cầu “cháu đếm cho ông từ 1 đến 10, rồi dạy cộng trong phạm vi 10”. Hay ra vườn hoa thì hỏi tên các loài hoa để cháu nhận biết được hoa hồng, hoa bưởi, hoa cam...

Nhưng nhiều người không có thời gian dạy con kiểu đó thì phải tìm cô. Và việc tìm cô cũng là lẽ bình thường, nhưng có một điều người ta không hiểu được là tôi dạy cháu tôi một cách tự nhiên, không đọc, không viết gì cả....Tôi áp dụng cách dạy tự nhiên và học cũng tự nhiên.

Còn người khác không biết cách dạy nên "tống" đến nhà cô. Khi cô dạy cho 30 cháu thì là học trước… Bắt trẻ đi học trước là sai lầm tệ hại cực kỳ quan trọng.

- Căn cứ vào những lý do gì khi ông khẳng định cho trẻ học sớm là sai lầm?

Ngành giáo dục đã nghiên cứu, trước sáu tuổi là mầm non nên trẻ phải được vui chơi là chủ yếu.

Cách tôi dạy cháu tôi học trong khi chơi, vì yêu cầu cháu đến đếm hoa thì chỉ chơi thôi. Nhưng đã đến lò, đến tay các cô giáo thì lại cư xử khác. Con phải học chữ, làm tính trước – như vậy không chỉ rất tệ hại mà còn sai với Luật Giáo dục.

Khi đã có nghiên cứu rồi thì hãy để trẻ phát triển tự nhiên. Sự phát triển tâm lý thế nào thì giáo dục cũng phải học ở trình độ tương xứng như vậy. Đừng bắt cháu phải giỏi ngay khi mới đi học, đừng bắt con mình phải giỏi hơn con người khác vì mỗi trẻ có một khả năng.
 

 
 - Đã có phụ huynh làm đúng theo Luật và ngã ngửa khi than phiền  ‘biết thế thì cho con đi học trước’ vì con bị ‘đối xử’ giống như các bạn đã biết đọc, biết viết...

Tôi khẳng định lại làm như vậy là sai vì quy định trẻ trước khi vào lớp 1 là chơi. Tính theo tuổi thì trẻ từ 1-5 tuổi là được chơi, khi vào phổ thông (từ tiểu học đến THPT) thì học là chính.

Từ mầm non lên tiểu học thì quy định không được học trước. Nhưng ở phổ thông có phần chuyển cấp học, ví dụ một HS 10 tuổi đang học lớp 5 nhưng có thể học lớp 6 được. Còn 5 tuổi dứt khoát không sang học lớp 1 được.

Ngành quy định như vậy để bảo vệ tất cả trẻ em, bảo vệ cả một thế hệ và lợi ích lâu dài của mỗi trẻ.

Ngành Giáo dục không chấp nhận bắt trẻ đi học sớm, vì vi phạm quyền được chơi của trẻ.

Lát cắt giữa chơi và học đã được thể chế hóa trong Luật và mầm non là trẻ được chơi. Và nếu bắt trẻ đi học sớm là phạm luật và phải xử theo Luật.

Trẻ khổ vì thành tích và sĩ diện của bố mẹ

- Ngành giáo dục có truyền thống ‘giơ cao đánh khẽ’. Vậy nếu làm sai thì ai sẽ quyết định và có biện pháp xử lý theo Luật như ông vừa nói ?


Xử thế nào không phải việc của tôi. Tôi chỉ ngăn chặn, nhắc nhở các trường tiểu học phải thực hiện theo Luật. Còn người nào làm sai thì quản lý cấp cơ sở, thanh tra Bộ sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý.

- Ngành giáo dục có truyền thống ‘giơ cao đánh khẽ’. Vậy nếu làm sai thì ai sẽ quyết định và có biện pháp xử lý theo Luật như ông vừa nói ?

Xử thế nào không phải việc của tôi. Tôi chỉ ngăn chặn, nhắc nhở các trường tiểu học phải thực hiện theo Luật. Còn người nào làm sai thì quản lý cấp cơ sở, thanh tra Bộ sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý.

Thanh tra Bộ kiểm tra nếu có sai phạm sẽ có văn bản đề nghị cấp cơ sở kỷ luật... Bộ không có quyền xử lý họ vì luật đã phân cấp.

Bộ chỉ quản lý vĩ mô chứ không thể chạy đến từng trường, chạy đến từng nhà được...

Cho nên phụ huynh phải giám sát quyền đó: khi con vào tiểu học chưa biết chứ thì phải được học từ đầu.

Nhưng tôi tin trong 7 triệu học trò chỉ có một bộ phận nhỏ cho con đi học sớm vì họ quá lo và rất khó sửa. Chắc chắn là nông thôn, miền núi không cho con đi học sớm...

- Như ông phân tích thì số phụ huynh cho con đi học sớm không nhiều. Vậy trẻ đi học sớm thì có hơn gì trẻ không đi học trước hay không, thưa ông?

Đi học trước ban đầu có hơn một chút vì được tiếp xúc trước nên tưởng là được tốt hơn và có cảm nhận được xuất phát trước chứ không phải giỏi.

Nhưng về lâu dài thì rất nguy hiểm vì trẻ bị quá sức, ảnh hưởng đến tâm lí và hại sức khỏe...Nếu kéo dài sẽ nguy hại ở chỗ dở biết, dở không. Vì cô dạy thì cứ nghĩ mình biết rồi , đến một lúc nào đó hết vốn trẻ vẫn đinh đinh biết rồi thì dễ chủ quan.

Hiện có thực tế, phụ huynh cho con học tốt ở mầm non đi để vào lớp 1 - việc này đã là không nên rồi. Một số phụ huynh khác lại cho con học lớp 6 khi con mới đang học lớp 5, việc này càng không nên.

Có thể thấy, trẻ hiện nay rất khổ khi phải học vì thành tích và sĩ diện của bố mẹ. Cộng thêm thành tích của cô giáo nữa dẫn đến việc học của trẻ là "bị học" chứ không phải "được học".

Ngành giáo dục rất thương các cháu và ngành chỉ đang dẹp bệnh thành tích.

Và tại sao giáo dục tiểu học bỏ thi tiểu học, THCS bỏ thi tốt nghiệp THCS là để giảm sức ép cho trẻ, thế mà phụ huynh bắt con đi học sớm để vào lớp 1?

- Cảm ơn ông !

Theo Kiều Oanh (Vietnamnet)