Hội đồng trường ...chạy bằng gì?

19/04/2017 06:54
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Trong một cơ sở giáo dục đại học hội đồng trường là một thực thể có quyền lực cao nhất, làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường.

LTS: Ở nước ta cơ chế hội đồng trường mới được đưa vào một số văn bản luật, chưa được vận hành nhiều trong các cơ sở giáo dục đại học nên những kinh nghiệm thực tế về hoạt động của hội đồng trường chưa nhiều. 

Để cơ chế hội đồng trường có thể đi vào và phát huy tác dụng trong hệ thống giáo dục đại học cần làm rõ chức năng của nó, cần phân biệt chức năng đó với chức năng của bộ máy điều hành hoạt động của nhà trường và xác định mối quan hệ giữa hai thực thể. 

Hôm nay, trong bài viết này, Giáo sư Lâm Quang Thiệp chỉ rõ chức năng và phương thức hoạt động của Hội đồng trường thông qua việc giáo sư đúc kết qua các tài liệu tham khảo từ nước ngoài.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thứ nhất, các chức năng và nhiệm vụ của hội đồng trường

Các cơ sở giáo dục đại học ở những tầng bậc khác nhau có sứ mạng và chức năng, nhiệm vụ không hoàn toàn như nhau, do đó chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường trong các loại cơ sở đó cũng có sắc thái khác nhau. 

Tuy nhiên có thể nêu các nét chung nhất của hội đồng trường trong một cơ sở giáo dục đại học như sau.

Một là, Hội đồng trường phải làm cầu nối giữa chủ sở hữu cộng đồng và nhà trường. 

Trong trường hợp các cơ sở giáo dục đại học công lập và cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập có thêm người có lợi ích liên quan. 

Các nhóm người này ở ngoài cơ sở giáo dục đại học có thể đông hơn ở trong cơ sở giáo dục đại học, do đó người ta thường nói hội đồng trường lãnh đạo trường đại học bắt đầu từ bên ngoài.  

Được sự ủy thác của chủ sở hữu cộng đồng, hội đồng trường cần ra những quyết định sao cho bảo toàn và phát triển giá trị kinh tế xã hội của nhà trường và đáp ứng các mục tiêu mong đợi của các nhóm người có lợi ích liên quan.  

Cũng với tư cách là cầu nối với các cộng đồng bên ngoài cơ sở giáo dục đại học, hội đồng trường có một nhiệm vụ quan trọng là tìm các nguồn tài trợ cho nhà trường.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp chỉ rõ chức năng và phương thức hoạt động của Hội đồng trường (Ảnh: Xuân Trung)
Giáo sư Lâm Quang Thiệp chỉ rõ chức năng và phương thức hoạt động của Hội đồng trường (Ảnh: Xuân Trung)

Hai là, nhiệm vụ trọng tâm của hội đồng trường là xây dựng chính sách, kế hoạch tổng thể, sử dụng chính sách làm công cụ để quản trị nhà trường.  

Các chính sách mà hội đồng trường xây dựng thường bao gồm hai loại: các mục tiêu cuối cùng cần đạt được (Ends) và các giới hạn không được phép vượt qua khi điều hành (Executive Limitations) (John Carver, 1990 (1)).  

Ba là, một trách nhiệm quan trọng của hội đồng trường là lựa chọn được một hiệu trưởng có năng lực. Hiệu trưởng chính là người đứng đầu đứng đầu bộ máy điều hành (chief executive officer – CEO).  

Người ta thường nói: hội đồng trường chỉ có một nhân viên, đó là hiệu trưởng (John Carver, 1990 (1)), do đó việc chọn đúng hiệu trưởng có tầm quan trọng có tính quyết định đối với nhà trường. 

Hội đồng trường ...chạy bằng gì? ảnh 2

Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không

Bốn là, giám sát và đánh giá việc triển khai thực thi của hiệu trưởng đối với các chính sách và kế hoạch tổng thể đã được hội đồng trường đề ra. 

Muốn đánh giá đúng việc thực thi các chính sách, phải có các tiêu chí được xác định khi đưa ra các chính sách. 

Một nguyên tắc cần tuân thủ là chỉ kiểm soát và đánh giá những gì đã được nêu ra trong các chính sách đã được thiết lập, hoặc nói cách khác, “Nếu anh không hề nói nó phải như thế nào thì anh đừng hỏi nó đã như thế nào” (John Carver, 1990 (1)). 

Qua việc giám sát và đánh giá này hội đồng trường đảm bảo cho bộ phận điều hành thực thi đúng các chính sách và kế hoạch tổng thể đã được đề ra.

Thứ hai, về vai trò và nhiệm vụ của hiệu trưởng  

Một là, Hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy điều hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng mọi chính sách và kế hoạch tổng thể mà hội đồng trường đề ra (To make everything come out RIGHT (John Carver, 1990 (1)).   

Hoạt động của hiệu trưởng không phải là thực hiện những công việc cụ thể, mà là thiết kế công việc, lãnh đạo thực hiện chiến lược, tạo nên bầu không khí làm việc tích cực, sáng tạo và chan hòa trong nhà trường.

Hai là, Hiệu trưởng phải làm cầu nối giữa hội đồng trường và mọi thành viên trong trường. Và hiệu trưởng là “nhân viên duy nhất” của hội đồng trường, và hội đồng trường tác động tới mọi thành viên trong nhà trường qua nhân viên duy nhất đó, cho nên hiệu trưởng phải là chiếc cầu nối tốt giữa hội đồng trường và toàn trường.    

Hội đồng trường ...chạy bằng gì? ảnh 3

Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục

Ba là, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm giải trình trước hội đồng trường về các hoạt động của nhà trường, đảm bảo thành tựu của các chính sách được đề ra và không vi phạm những giới hạn điều hành đã được quy định. 

Trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng là trách nhiệm của chức vụ người đứng đầu, trách nhiệm đối với cả hệ thống mọi cấp điều hành của bộ máy chứ không phải chỉ trách nhiệm cá nhân.

Mặt khác, trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng là trách nhiệm trước toàn bộ hội đồng trường như là một tổ chức chứ không phải trước từng tiểu ban của hội đồng hoặc trước từng cá nhân thành viên hội đồng.

Thứ ba, quan hệ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng và các thành viên nhà trường

Trong một cơ sở giáo dục đại học hội đồng trường là một thực thể có quyền lực cao nhất, làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường, còn bộ máy của hiệu trưởng có nhiệm vụ quản lý, điều hành.

Mối quan hệ giữa hội đồng trường và các thành viên của hội đồng trường với hiệu trưởng và bộ máy của hiệu trưởng tuân theo các nguyên tắc sau đây:

Một là, Hội đồng trường lãnh đạo và quản trị cơ sở giáo dục đại học qua hiệu trưởng chứ không  trực tiếp tác động đến bộ máy của hiệu trưởng.

Sự lãnh đạo và quản trị của hội đồng trường được thực hiện bằng nghị quyết của toàn thể hội đồng trường chứ không phải từ các thành viên trong hội đồng.

Hội đồng trường ...chạy bằng gì? ảnh 4

Bộ Giáo dục quy định tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Hiệu phó

Hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình với tổng thể hội đồng trường chứ không phải với từng thành viên của hội đồng.

Quan hệ giữa hiệu trưởng và các thành viên hội đồng trường là quan hệ cộng sự, ngang hàng chứ không phải trên dưới.

Quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng cũng là quan hệ ngang hàng, hỗ trợ nhau, chứ không phải trên dưới.

Hội đồng trường và từng thành viên của nó không có quan hệ chỉ đạo chính thức trực tiếp đối với các thành viên khác trong bộ máy của hiệu trưởng, trừ khi hiệu trưởng yêu cầu.

Hai là, khi hội đồng trường xác định đúng những điều nó muốn đạt được và những điều nó không muốn xảy ra (Ends & Execcutive Limitation (John Carver, 1990 (1)), thì quan hệ của hội đồng trường và hiệu trưởng sẽ được tối ưu hóa: hội đồng trường sẽ tăng niềm tự tin và giảm sự mệt mỏi trong lãnh đạo; còn  hiệu trưởng cũng sẽ tự do hơn trong điều hành.

Hội đồng trường phải lãnh đạo chiến lược chứ không nên sa vào các quyết định chiến thuật, do đó khi đã có chính sách và kế hoạch tổng thể, hội đồng trường phải giao quyền đầy đủ cho hiệu trưởng, không nên can thiệp vào việc điều hành cụ thể của hiệu trưởng.

Các nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục đại học thường có lời khuyên: “Khi đã lựa chọn đúng một hiệu trưởng tốt và xác định đúng chính sách thích hợp, hội đồng trường hãy tránh ra bên cạnh để hiệu trưởng điều hành công việc”.

Ở đây cần có sự tin tưởng lẫn nhau giữa bộ phận lãnh đạo, quản trị và bộ máy điều hành, quản lý. Khi hai bên hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu biết và tôn trọng nhau thì quan hệ giữa hai bên sẽ tốt đẹp.

Thứ tư, một số cách thức quản trị cụ thể của hội đồng trường

Nhiệm vụ trung tâm của hội đồng trường là xây dựng các chính sách, và trách nhiệm quan trọng là giám sát và đánh giá hoạt động điều hành thực hiện chính sách của bộ máy điều hành.

Để làm tốt các hoạt động trên hội đồng trường cần lưu ý các yếu tố sau đây.
Các chính sách cần xây dựng:

Chính sách là công cụ lãnh đạo và quản trị của hội đồng trường, nên xây dựng chính sách là hoạt động trung tâm và quan trọng nhất của nó. Các chính sách liên quan đến hội đồng trường có thể được chia thành 4 nhóm:

Một là, các mục tiêu cuối cùng (Ends): Các sản phẩm cuối cùng mà nhà trường muốn đem lại cho xã hội là gì, thỏa mãn nhu cầu nào của con người, cung cấp cho ai với giá cả như thế nào. Đây chính là nhóm chính sách quan trọng nhất, vì chính nó nói lên lý do tồn tại của tổ chức. Khi xây dựng các mục tiêu phải đưa ra các tiêu chí đối với các mục tiêu ấy. 

Hội đồng trường ...chạy bằng gì? ảnh 5

Nếu giáo dục đại học không thay đổi?

Hai là, các giới hạn cần tuân thủ khi thực hiện (Executive Limitations): Muốn tạo ra các sản phẩm cuối cùng nói trên cần phải dùng nhiều biện pháp khác nhau, tuy nhiên cần đề ra các nguyên tắc về sự cẩn trọng và đạo đức để giới hạn việc lựa chọn các biện pháp.

Để không hạn chế việc tự do và sáng tạo của mọi người, hội đồng không nên quy định các biện pháp cụ thể mà chỉ đưa ra các giới hạn nói trên.  
 
Ba là, quan hệ giữa hội đồng và bộ máy điều hành (Board-Executive Relationship): Cách thức mà hội đồng sử dụng để chuyển giao quyền lực cho bộ máy điều hành và cách thức kiểm tra đánh giá việc sử dụng quyền lực đó.    
Bốn là, quá trình của hội đồng (Board Process): Cách thức hội đồng đại diện cho “quyền sở hữu” và thực hiện việc lãnh đạo chiến lược đối với nhà trường.
Cách kiểm tra và đánh giá:

Trên đây đã nêu nguyên tắc: hội đồng chỉ kiểm tra và đánh giá những điều đã được nêu trong các chính sách. Muốn vậy, các hội đồng có thể sử dụng 3 phương pháp kiển tra đánh giá sau đây, dựa vào:

1) Báo cáo của hiệu trưởng, trong đó tập trung giải trình việc thực hiện các chính sách đã được đề ra.

2) Các đánh giá từ bên ngoài, chẳng hạn, đánh giá của các cơ quan kiểm toán, kiểm định chất lượng.

3) Các kết quả thanh tra trực tiếp, thường do một vài thành viên hội đồng được phân công thực hiện.  

Nội dung đánh giá việc điều hành của hiệu trưởng là xem xét bộ máy của hiệu trưởng có làm đúng các việc mà hội đồng trường kỳ vọng hay không: có biến các mục tiêu cuối cùng được đề ra thành kết quả hay không, và có vi phạm những giới hạn điều hành được quy định hay không. Khi đánh giá việc hoàn thành các mục tiêu phải theo sát các tiêu chí đã được đề ra.

Các thông tin cần thu thập trong quá trình kiểm tra có thể phân chia thành 3 loại:

a) Thông tin để kiểm tra việc thực hiện, liên quan đến các chính sách cụ thể;

b) Thông tin hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách trong tương lai;

c) Thông tin thu được một cách ngẫu nhiên. Khi thu được các thông tin ngẫu nhiên phải từ đó lọc ra các thông tin cần thiết để đánh giá, kiểm tra, không nên để chúng làm lạc hướng.   

Kiểm tra và đánh giá việc điều hành của bộ máy hiệu trưởng là một quá trình liên tục, kết hợp tổ chức thường xuyên với tổ chức định kỳ hàng năm. Kiểm tra đánh giá hàng năm cũng bao gồm tổng kết của các đánh giá liên tục theo các tiêu chí đã có chứ không đưa vào các tiêu chí mới.   

Tài liệu tham khảo:

(1) John Carver. Boards that make a difference. A New Design for Leadership in Nonprofit and Public Organizations. Jossey-Bass Publishers. San Francisco. 1990.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp