Kết cục không thể nào buồn hơn dành cho 256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn. Sau hơn 8 tháng đấu tranh, số giáo viên hợp đồng này chẳng những không được xét đặc cách, không được ưu tiên trong kỳ thi viên chức mà còn bị cắt hợp đồng sớm.
Giáo viên hợp đồng bồng con lên Hà Nội níu kéo chút hy vọng mong manh |
Ngày 29/10/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có báo cáo kết quả thi tuyển vòng 1 kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.
Thông báo cho biết: Trong các ngày từ 20-21/10/2019, Hội đồng Tuyển dụng huyện Sóc Sơn, Hội đồng tuyển dụng Thành phố Hà Nội, Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội, đã tổ chức cho thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính bài thi môn Ngoại ngữ và kiến thức chung.
Theo thống kế, toàn huyện có 1.580 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có 1.342 thí sinh đến dự thi, còn 238 thí sinh đã bỏ thi.
Đối với 256 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện, trong kỳ thi tuyển có 241 người đăng ký dự thi, nhưng số lượng tham gia dự thi vòng 1 chỉ ở con số 172. Như vậy, có 69 người đã bỏ thi.
Kết quả, số thí sinh giáo viên hợp đồng trúng tuyển vòng 1 là 121 người. Trong đó, Trung học cơ sở là 84 người, tiểu học 37 người.
Thông báo về kỳ thi tuyển viên chức tại huyện Sóc Sơn (Ảnh:V.N) |
Cũng theo báo cáo của ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn ký, cũng thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên hợp đồng không đăng ký, không dự thi hoặc dự thi không đỗ vòng 1, thời gian chấm dứt hợp đồng từ tháng 1/2020.
Theo kiến giải của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, thời gian như vậy là đảm bảo thời gian thông báo trước 45 ngày đối với lao động hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Phản ứng trước thông tin này, nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn vô cùng bức xúc.
Lý do họ cảm thấy như bị “vắt chanh bỏ vỏ” bởi đến thời điểm này xét đặc cách thì không được xét, đi thi viên chức cũng không được ưu tiên lại còn bị sắt hợp đồng sớm hơn 4 tháng so với thông báo ban đầu của huyện.
Bên cạnh đó giáo viên cũng phản ánh hàng trăm lá đơn kiến nghị của giáo viên hợp đồng đến nay vẫn không có lời đáp.
Giáo viên hợp đồng được thông báo kết thúc hợp đồng từ ngày 1/1/2020 (Ảnh:V.N) |
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm nói: “Thông báo ban đầu chúng tôi nhận được sẽ bị cắt hợp đồng vào tháng 5/2020.
Tuy nhiên theo thông báo mới nhất của Ủy ban Nhân dân huyện, số giáo viên hợp đồng không tham gia kỳ thi viên chức hoặc không thi đỗ sẽ bị cắt hợp đồng từ ngày 1/1/2020.
Chúng tôi cảm thấy như vậy rất bất công cho giáo viên hợp đồng bởi mặc dù có công văn từ Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ …nhưng chúng tôi vẫn không được xét đặc cách.
So với các Quận, huyện khác chúng tôi cũng không được ưu tiên bỏ vòng 1 hoặc thực hiện xét tuyển.
Nay lại bị cắt hợp đồng sớm, điều này chẳng khác nào đẩy giáo viên vào ngõ cụt. Trong khi đó trường thiếu giáo viên chúng tôi vẫn phải giảng dạy, công tác như những giáo viên khác”.
VIDEO: Lương 1,3 triệu đồng, giáo viên Hà Nội vất vả mưu sinh |
Ngoài ra, điều kỳ lạ mà các giáo viên hợp đồng thắc mắc: Tại sao theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện là vẫn thiếu 110 chỉ tiêu, nhưng lại thẳng tay cắt hợp đồng với những giáo viên đã nhiều năm công tác và cống hiến cho ngành Giáo dục?
Tại một số Quận, huyện, thị xã chẳng hạn như thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, do trường thiếu giáo viên phải mời số giáo viên hợp đồng về thỉnh giảng với mức lương vô cùng thấp.
Cuối cùng những người thiệt thòi nhất chính là số giáo viên hợp đồng trên. Bởi danh không có, phận cũng không có trong khi vẫn hàng ngày giảng dạy, đến lớp như những người khác.
Một giáo viên đặt câu hỏi: “Nhìn cách đối xử của cơ quan sử dụng lao động đối với giáo viên hợp đồng chúng tôi tự hỏi: Có ai khổ đến 3, 4 bận như giáo viên chúng tôi không.
Chúng tôi cứ tưởng sau khi kêu cứu thì lãnh đạo sẽ nhìn ra câu chuyện và có hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hợp đồng lâu năm.
Cuối cùng thì thiệt đơn, thiệt kép. Đến thời điểm này, tôi thực sự cảm thấy hối hận khi bước chân vào nghề giáo”.
256 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn chẳng những không được xét đặc cách mà còn bị cắt hợp đồng sớm hơn dự kiến (Ảnh:V.N) |
Căn cứ theo Bộ Luật lao động năm 2012:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị : 12 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 06 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn, quá nửa thời hạn hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động
Trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng:
Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền trừ trường hợp được đơn phương trên
Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
Với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, trước khi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng của số giáo viên trên, Ủy ban Nhân dân huyện phải nêu được lý do đơn phương cắt hợp đồng theo tinh thần của Bộ luật lao động năm 2012.
Bên cạnh đó giáo viên cũng cần được biết quyền và nghĩa vụ của mình để tránh bị thiệt thòi.