Không thể học trực tuyến, học sinh vùng khó chờ giải pháp của ngành giáo dục

24/03/2020 06:15
Lại Cường
(GDVN) - Trong khi các trường vùng thuận lợi, vùng khá có thể học qua truyền hình, qua online… học sinh vùng khó việc học mùa dịch đang quá khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian nghỉ của học sinh kéo dài tiếp tục kéo dài, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học trò nghỉ đến trường để phòng, chống Covid-19.

Tuy nhiên, tại các địa phương, rất nhiều vùng đang gần như là “vùng trắng” về các phương tiện để học trực tuyến hay học qua truyền hình. Đặc biệt là học sinh tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới khó khăn.

Học sinh ở vùng khó tiếp cận với truyền hình, hay internet để học trực tuyến là điều không thể. ảnh: LC
Học sinh ở vùng khó tiếp cận với truyền hình, hay internet để học trực tuyến là điều không thể. ảnh: LC

Việc học dở dang vì dịch là điều không ai muốn nhưng với các thầy cô giáo, học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng khó nghỉ học dài ngày là điều đáng lo ngại.

Đặc thù học sinh vùng khó về nhận thức, tầm quan trọng của việc học tại trường là rất cần thiết. Nhiều năm trở lại đây, đời sống vật chất đã khá hơn, học sinh đến trường được quan tâm nhiều hơn đã giúp các thầy cô đỡ vất vả hơn trong việc vận động học sinh.

Thế nhưng việc nghỉ học dài ngày rất dễ khiến học sinh bị quên kiến thức. Việc học tập và ôn tập kiến thức cho các em gặp nhiều khó khăn. Các hình thức học tập ôn luyện online qua mạng, qua truyền hình gần như không có tác dụng đối với các địa bàn vùng khó.

Trên rừng, trên bản học tập thế nào những ngày nghỉ dịch Covid-19?
Trên rừng, trên bản học tập thế nào những ngày nghỉ dịch Covid-19?

Bởi, bối với những xã nghèo vùng biên giới để có phương tiện thông tin đại chúng như tivi hay máy tính để học online là điều không thể.

Bà Mua Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, hiện phòng Giáo dục đã chủ động thông tin cho cha mẹ học sinh về việc yêu cầu học sinh tự ôn tập các kiến thức theo chương trình đã được giảng dạy.

Đối với các học sinh vùng khá như thị trấn, nhà trường khuyến khích học sinh tự học và tự làm bài tập các môn học trong sách giáo khoa, sách tham khảo và học trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, đối với học sinh địa bàn vùng xa, vùng bản thì việc học rất khó triển khai vì địa bàn phức tạp, học sinh ở tản mát nên việc học qua truyền hình hay học online là không thể.

Đối với một số địa bàn, thầy cô giáo chỉ có thể phô tô bài tập giao đến học sinh để các em tự ôn luyện. Còn học chương trình mới là không thực hiện được.

Học sinh vùng khó mong có giải pháp từ ngành giáo dục để các em "được học". Ảnh: học sinh trường bán trú Pa Nang xem ti vi tại trường.
Học sinh vùng khó mong có giải pháp từ ngành giáo dục để các em "được học". Ảnh: học sinh trường bán trú Pa Nang xem ti vi tại trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa (Huyện Nâm Pồ, Điện Biên) thẳng thắn chỉ ra việc học trực tuyến hay học qua truyền hình cho học sinh ở xã Na Cô Sa là khó có thể thực hiện được.

Bởi Na Cô Sa là địa bàn còn nhiều khó khăn, ý thức của người dân với việc học của các con còn kém, tất cả đều gửi gắm cho thầy cô giáo trên trường bán trú hết.

Hiên nhà trường cũng chỉ có thể cho các con ôn tập và đợi hướng dẫn của cấp trên.

Thầy giáo Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Nang (Đa Krông, Quảng Trị) cho biết, ở Pa Nang việc học online coi như không thể thực hiện được vì rất khó để các em tiếp cận được với truyền hình, hay mạng internet.

Do vậy, nhà trường hiện thực hiện theo công văn chỉ đạo của ngành giáo dục về việc phát bài cho học sinh ôn tập tại nhà.

Mỗi tuần giáo viên của nhà trường đi các thôn để thăm học sinh và giao bài vở, đặc biệt với học sinh lớp 9…

Khi được hỏi, các thầy cô giáo ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đều mong muốn ngành giáo dục các cấp nên có giải pháp phù hợp cho đặc thù các trường vùng khó khăn.

Nhất là gần đây, có ý kiến công nhận việc học trực tuyến đang được đề cập tới, vậy nếu việc học trực tuyến ở các vùng khá, có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin có thể thực hiện được.

Nếu kỳ nghỉ dài ngày tiếp tục, các trường vùng khó cần một giải pháp để đảm bảo công tác dạy và học phù hợp tình hình đặc thù địa phương.

Lại Cường