Không thích cách dạy của thầy cô, học sinh xem Lịch sử qua Youtube, Tiktok

28/04/2022 08:39
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Yêu nước, mỗi cá nhân, mỗi nhà giáo, hãy là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, hãy là người tử tế, để học sinh trở thành người tử tế.

Thời gian qua, dư luận một lần nữa lại lên tiếng vì môn Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình 2018 ở bậc phổ thông trung học.

Chuyện phản đối môn Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình 2018 không mới, thế nhưng nó lại “sục sôi”, một lần nữa lại “bùng cháy”.

Dư luận lo sợ học sinh không chọn môn Lịch sử để học ở phổ thông trung học, học sinh sẽ quay lưng với lịch sử dân tộc, bao hệ lụy có thể xảy ra sau một thời gian nữa.

Thực tế học sinh có quay lưng với lịch sử nước nhà?

Để trả lời câu hỏi này, bạn đọc có thể thấy trao đổi của các bạn trong độ tuổi học trò, trên hội nhóm mạng xã hội sau đây.

Giới trẻ đưa ra kiến nghị giải pháp và lo lắng cho tương lai môn Lịch sử- Ảnh: DL-Nguồn plo.vn

Giới trẻ đưa ra kiến nghị giải pháp và lo lắng cho tương lai môn Lịch sử- Ảnh: DL-Nguồn plo.vn

Rõ ràng, học sinh nói riêng, giới trẻ nói chung, không thờ ơ với môn Lịch sử và lịch sử dân tộc.

Thực tế, trong thư viện trường học, những bộ truyện tranh về các nhân vật lịch sử nước ta được học sinh tìm đọc rất nhiều.

Em M. (đề nghị không nêu tên), một học sinh lớp 9 vừa đạt giải Nhì học sinh giỏi Toán cấp Tỉnh, rất mê Lịch sử, được bạn bè gán cho biệt danh “cụ non”, chia sẻ:

“Học Lịch sử không có “tác dụng” với cuộc sống hiện tại, liên hệ với cuộc sống hiện tại, gần như học sinh không được “cãi”, chỉ biết nghe một chiều, vậy nên không chán mới lạ.

Vừa qua em cũng đọc những bài viết về môn Lịch sử là môn tự chọn ở trung học phổ thông trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đặc biệt em thích bài viết “Để học sinh quay lưng với Lịch sử là có tội với tiên tổ, cha ông”.

Cho em xin phản biện chút thầy nhé, chúng em không thích cách dạy Lịch sử của thầy cô trên lớp, không hứng thú với cách truyền đạt kiến thức Lịch sử hiện nay, nhưng bắt ép học sinh phải học môn Lịch sử, dù chúng em không muốn, không hứng thú, không thấy có tác dụng với cuộc sống, vậy thầy cô có lỗi với chúng em không?”.

Rõ ràng, “Để học sinh quay lưng với Lịch sử là có tội với tiên tổ, cha ông” là chính xác tuyệt đối, nhưng bắt học trò học Lịch sử, làm điều mình không thích, lỗi này thuộc về ai?

Lịch sử trở thành môn tự chọn là chuyện “ván đã đóng thuyền”, những ý kiến về môn Lịch sử bây giờ cũng chẳng khác chuyện ném đá ao bèo là mấy, dù Bộ Giáo dục lên tiếng hay không lên tiếng, Lịch sử là môn tự chọn ở trung học phổ thông cũng là chuyện đã được quyết định rồi.

Cùng với cách dạy, cách thi, cách học, nội dung sách Lịch sử hiện nay, chưa tạo hứng thú cho người học, làm cho dư luận nghi ngờ không học Lịch sử là không yêu nước, đó là điều dễ hiểu.

Lòng yêu nước, thương nòi, không thể dạy bằng một môn học nào, không có giáo án riêng, không có giáo trình riêng, càng không có riêng giáo viên nào thực hiện.

Lòng yêu nước, thương nòi, được giáo dục và hình thành từ hành vi của những người xung quanh học sinh, được vun trồng bằng hình ảnh bụi chuối, bờ tre, góc phố, cây khế, khay trầu, dòng sông, câu ca dao, câu thơ, lời ru… những điều bình dị trong cuộc sống.

Giáo dục lòng yêu nước thành công nhất là người lớn làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trách nhiệm giáo dục lòng yêu nước không dành riêng cho ngành giáo dục, càng không phải dành riêng cho môn Lịch sử.

Để học sinh quay lưng với Lịch sử là có tội với tiên tổ, cha ông, nhưng bắt ép học sinh phải học Lịch sử, dù học sinh không muốn, không thích, không hứng thú, liệu có đúng, có lỗi với học sinh không?

Nếu “Lãnh đạo Nhà trường coi Lịch sử là môn phụ thì nghiễm nhiên GV cũng coi là phụ”, chắc chắn học sinh sẽ coi Lịch sử là môn “phụ”, chúng ta không có quyền bắt học sinh yêu môn Lịch sử.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", đừng trách học trò, chính ngành Giáo dục đã và đang đẩy học sinh xa rời môn Lịch sử bằng cách truyền đạt kiến thức khô khan, thiếu sáng tạo, kiểm tra đánh giá mang tính hàn lâm…

Đổi mới cách dạy, cách học, cách thi là nhiệm vụ của ngành giáo dục, của giáo viên Lịch sử. Chúng ta đã nói nhiều về đổi mới cách dạy, cách học, cách thi, thế nhưng môn Lịch sử nói riêng, Chương trình 2018 nói chung, vẫn là “gánh nặng” của học trò.

Chính vì thế, đổi mới phương pháp dạy dạy học, phương thức thi cử, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử cho phù hợp, tạo hứng thú cho học sinh, là biểu hiện lòng yêu nước của giáo viên môn Lịch sử, cũng như các nhà biên soạn sách giáo khoa Lịch sử.

Yêu nước, mỗi cá nhân, mỗi nhà giáo, hãy là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, hãy là người tử tế, để học sinh trở thành người tử tế.

Dù làm công việc gì, dù trình độ học vấn ra sao, có học môn Lịch sử ở trung học phổ thông hay không, là người tử tế, là minh chứng sống động nhất của tình yêu nước, thương nòi hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh