Lãnh đạo Nhà trường coi Lịch sử là môn phụ thì nghiễm nhiên GV cũng coi là phụ

10/04/2022 07:12
Trần Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, nguyên nhân môn Lịch sử chưa có được chỗ đứng xứng tầm bởi có nhiều lý do.

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 10 với 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Học sinh chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Việc để học sinh tự chọn môn học, một số chuyên gia lo ngại môn Lịch sử sẽ được ít học sinh chọn. Thực tế đã chứng minh trước mỗi cuộc cải cách giáo dục, thi cử thì môn Lịch sử lại được đặt lên bàn cân để phân tích, mổ xẻ vì nhiều học trò còn chán, sợ môn học này.

Về vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng việc lo ngại môn Lịch sử sẽ có ít học sinh chọn là có căn cứ vì những năm qua đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn này khá khó. Ba năm trở lại đây điểm của môn Lịch sử luôn xếp cuối bảng.

Nhưng rõ ràng nếu em nào xác định chọn môn Lịch sử thì đó là những em yêu thích thực sự và có xác định rõ ràng môn học này có liên quan đến tương lai như việc chọn trường và công việc.

Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ảnh website nhà trường)

Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ảnh website nhà trường)

Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, nguyên nhân môn Lịch sử chưa có được chỗ đứng xứng tầm bởi có nhiều lý do.

Trước hết về tầm vĩ mô. Hiện tại trong hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam tỉ lệ các trường đào tạo môn Lịch sử nói riêng và môn Khoa học xã hội nói chung đang rất khiêm tốn so với các môn Khoa học tự nhiên, do đó khi các em học chọn môn Lịch sử sẽ ít cơ hội hơn, chưa kể thu nhập của ngành nghề liên quan không cao.

Thứ hai, các phụ huynh khi định hướng cho con thì còn mang tâm lý thực dụng. Họ sẽ tư vấn cho con cái lựa chọn các môn Khoa học tự nhiên để có nhiều lựa chọn, cũng như thu nhập tốt hơn.

Học Lịch sử phụ huynh cứ nghĩ chỉ có sư phạm, nhân văn nhưng thực ra có thể làm được nhiều nghề như công tác xã hội, nghiên cứu, báo chí, du lịch …

Thứ ba, nhà trường chưa đặt Lịch sử đúng với vị trí của nó. Có một số lãnh đạo của các trường trung học phổ thông coi môn Lịch sử là môn phụ, không đáng được quan tâm.

“Khi lãnh đạo Nhà trường coi môn Lịch sử là môn phụ thì nghiễm nhiên giáo viên cũng coi là phụ”, Giáo sư Bình bày tỏ.

Thứ tư, về phương pháp giảng dạy. Trước nay, học sinh chỉ nghe một chiều từ giáo viên, học theo kiểu thụ động, giáo viên nói gì nghe nấy. Bài học còn khá nặng về số liệu, dữ kiện, ngày tháng năm nên dễ gây ra nhàm chán cho học sinh.

Giáo sư Đỗ Thanh Bình cho rằng để lôi kéo được học sinh, khiến học sinh yêu thích và hứng thú học Lịch sử thì cần rất nhiều yếu tố. Và hơn hết là sự vào cuộc phối hợp mạnh mẽ của cả xã hội, gia đình, nhà trường và tư duy của người học.

Nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết cần phải thay đổi từ những nguyên nhân kể trên, trong đó phương pháp giảng dạy cùng với cách học của các em học sinh trong chương trình mới phải thay đổi.

“Giáo viên phải xác định học sinh là yếu tố trung tâm của bài giảng, giáo viên chỉ có nhiệm vụ tổ chức. Trong chương trình mới thì các em không phải là cái máy nghe, thầy cô cũng không phải cái máy phát mà là sự tương tác hai chiều. Học sinh được chủ động tham gia vào bài học, phát huy tinh thần sáng tạo trên kiến thức có sẵn.”

Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, một yếu tố quan trọng không kém đó là phải thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá.

“Một trong những nguyên nhân khiến các em sợ môn Sử đó là nhìn điểm các năm trước quá thấp.”

Do đó, thầy Bình đề xuất: “Không chỉ nhà trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thay đổi cách kiểm tra. Học sinh sợ môn Lịch sử vì bị điểm thấp, đề thi trung học phổ thông phải phù hợp với trình độ học sinh và cũng cần sự phân hóa.

Người làm đề bám sát kiến thức phổ thông, phải hiểu trình độ học sinh phổ thông ở mức độ nào, kiến thức cần cái gì, đừng đưa ra quá cao, quá khó. Đề thi không nên đi vào chi tiết mà cần phải có sự tư duy trong câu trả lời. Giáo viên ra đề phải là những giáo viên được chọn ở các trường phổ thông đại trà, trung tâm giáo dục thường xuyên và giảm bớt giáo viên ở các trường trung học phổ thông chuyên”

Chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Đỗ Thanh Bình bày tỏ: “Mục tiêu của môn Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước, nhân ái cho lớp trẻ. Tại Canada điều kiện để được nhập quốc tịch thì ứng viên phải làm bài kiểm tra về Lịch sử, qua đó đánh giá tư cách làm công dân”.

Chia sẻ về ưu thế của môn Lịch sử, thầy Bình cho rằng môn học này được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả xã hội, đặc biệt mỗi người Việt Nam đều phải hiểu về lịch sử dân tộc, đó là tinh thần yêu nước.

Trần Hoa