Để học sinh quay lưng với Lịch sử là có tội với tiên tổ, cha ông

22/04/2022 08:50
Ly Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa Lịch sử thành môn học tự chọn khiến dư luận lo ngại môn học này có khả năng bị học sinh quay lưng.

Ngày 18/4/2022 một số tờ báo dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lên tiếng Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông khiến nhiều người lo lắng học sinh sẽ quay lưng với môn học này. [1], [2], [3]

Vì Giáo sư Thuyết đề cập nhiều nội dung liên quan đến Chương trình mới - bên cạnh Lịch sử là môn tự chọn, nên người viết cũng theo đó xin có đôi điều cùng trao đổi.

Thứ nhất, báo chí đặt vấn đề, nhiều giáo viên lo lắng, xưa nay học sinh vốn “ngại” học sử, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục đưa Lịch sử thành môn học tự chọn (tổ hợp Khoa học xã hội) khác nào “khai tử” môn học này.

Thay vì đi vào trọng tâm vấn đề (Lịch sử là môn học tự chọn), Giáo sư Thuyết lại nói vòng vo "việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế". [1]

Còn nhớ, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng ghép môn Lịch sử với 2 phân môn khác là Đạo đức – Công dân và Quốc phòng – An ninh thành môn bắt buộc “Công dân với Tổ quốc”.

Nhận thấy môn Lịch sử bị có nguy cơ biến mất bằng cuộc cưỡng duyên kì lạ, ngày 15/11/2015, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" để mổ xẻ vấn đề này. [4]

Tại hội thảo, đại diện Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết Hội sẽ kiến nghị lên các lãnh đạo cấp cao nhất để "bảo vệ Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông".

Trong khi đó, Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng, "nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới".

Và trước sức ép của dư luận, khi ban hành Chương trình tổng thể thì Lịch sử trở thành môn Lịch sử và Địa lí (bậc trung học cơ sở), cũng là môn tự chọn của tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật - bậc trung học phổ thông).

Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV cho thấy sự báo động về chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở bậc phổ thông.

Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV cho thấy sự báo động về chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở bậc phổ thông.

Thứ hai, ông Thuyết thuyết minh, "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm". [1]

Cá nhân tôi cho rằng, việc xác định 5 phẩm chất (và 10 năng lực cốt lõi) cho học sinh là hoàn toàn không có cơ sở thực hiện. Bởi, đã là con người thì không ai hoàn hảo đến mức có thể đạt được tất cả phẩm chất và năng lực như vậy.

Chẳng hạn, giáo viên cũng chỉ dạy học sinh 1, 2 môn mà thôi vì thầy cô được đào tạo chuyên sâu về một chuyên ngành nhất định, nếu muốn có thêm "năng lực" thì họ cũng phải tự học hoặc học thêm văn bằng thứ 2.

Hay bản thân Giáo sư Thuyết chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ (Ngôn ngữ học) ở bậc đại học, sau đại học, làm sao có thể dạy văn học Việt Nam, văn học nước ngoài như các giảng viên chuyên ngành khác?

Hoặc, đội ngũ biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều, cũng rất nhiều người có học hàm, học vị đầy mình, nhưng khi sách được phát hành thì dư luận "dậy sóng" vì nhiều bài học đầy rẫy "sạn" - báo chí tốn nhiều giấy mực phản ánh vào thời điểm năm 2020.

Vậy nên, Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), gay gắt: "Trẻ em không phải vật thí điểm cho các nhà khoa học. Trong trường hợp này phải thu hồi (sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - Cánh Diều) lại”. [6]

Thứ ba, Giáo sư Thuyết khẳng định, việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc vì "tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế". [1]

Đơn cử, chỉ việc yêu cầu học sinh phải đạt 5 phẩm chất và 10 năng lực, tôi không biết có quốc gia nào trên thế giới làm như vậy hay không?

Tôi tham khảo Mô hình kỹ năng thế kỷ 21 (Assessment and Teaching of 21 Century Skills – AT21CS) do Tổ chức Đối tác cho giáo dục thế kỷ 21 (Partnership for 21st century learning) công bố năm 2002 thì chỉ có 3 kĩ năng cơ bản, đó là:

1) kỹ năng học tập và đổi mới (Learning and innovation skills); 2) kỹ năng kỹ thuật số (Digital literacy skills); 3) kỹ năng nghề nghiệp và cuộc sống (Career and life skills). [7]

Từ 3 kĩ năng cốt lõi này, người biên soạn sẽ thiết kế các chuẩn đầu ra và đánh giá cho từng cấp học, thiết kế chương trình và phương pháp học tập, phát triển nghề nghiệp và tạo môi trường học tập phù hợp - tuyệt nhiên không yêu cầu học sinh, sinh viên phải đạt hàng loạt phẩm chất, năng lực như Việt Nam.

Vấn đề cần bàn là, yêu cầu về phẩm chất, năng lực của Việt Nam cao như thế, nhưng văn bằng của ta hiện nay được bao nhiêu nước công nhận?

Ngoài chuyện hành lang pháp lí - Việt Nam chưa tham gia Công ước năm 1983 về công nhận học thuật và văn bằng giáo dục đại học ở Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên chưa được quốc tế công nhận văn bằng [8], liệu có phải chất lượng giáo dục là yếu tố tiên quyết gây cản trở việc này?

Thứ tư, cùng với việc đề cập đến các phẩm chất, năng lực, Giáo sư Thuyết cho biết, "ở cấp trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lí. Ở cấp trung học phổ thông, Chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai". [1]

Tôi cho rằng, về tên gọi môn Lịch sử và Địa lí ở bậc trung học cơ sở là không ổn chút nào. Chỉ cần nhìn vào mục lục sách Lịch sử và Địa lí 6, bất cứ ai cũng có thể phân biệt kiến thức lịch sử khác với kiến thức địa lí (mặc dù 2 môn này có mối liên hệ với nhau).

Cụ thể, phần lịch sử có một số bài học như: "Thời kì nguyên thủy"; "Xã hội cổ đại"; "Đông Nam Á từ những thế kỉ tiếp giáp công nguyên đến thế kỉ 10"... Còn phần địa lí là: "Bản đồ - phương tiện thể hiện bề mặt Trái Đất"; "Khí hậu và biến đổi khí hậu; Đất và sinh vật trên Trái Đất"...

Tôi cũng không đồng ý Lịch sử ở bậc trung học phổ thông là môn chuyên sâu, vì học sinh chỉ cần nắm kiến thức "phổ thông" là đủ - trừ lớp chuyên hay sinh viên chuyên ngành. Tôi nghĩ, sách Lịch sử chỉ dày hơn 100 trang, mỗi tuần học sinh học 1 tiết, đâu đến nỗi các em không học được.

Điều cốt yếu là tác giả sách cần viết nội dung chương trình cho gọn nhẹ, giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy, ngành giáo dục đổi mới việc kiểm tra đánh giá... làm sao cho học sinh yêu sử mới là chuyện cần bàn.

Giáo sư Thuyết khẳng định, “Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành". [1]

Dĩ nhiên, việc giáo dục lòng yêu nước cho học sinh không chỉ có mỗi môn Lịch sử mà còn qua nhiều môn học khác. Nhưng cho học sinh tự chọn môn Lịch sử sẽ có khả năng rất ít hoặc không có em nào chọn môn này. Minh chứng là, chỉ có 15,3% tổng số học sinh đăng ký dự thi Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015. [9]

Thưa Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, học sinh học môn Lịch sử là để hiểu truyền thống vẻ vang của dân tộc, từ đó nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc. Những ai để học sinh quay lưng với Lịch sử là "vong ân bội nghĩa", mắc tội với tiên tổ, cha ông.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vov.vn/xa-hoi/giao-duc/du-luan-lo-ngai-lich-su-la-mon-hoc-tu-chon-gs-nguyen-minh-thuyet-len-tieng-post937819.vov

[2] //vtc.vn/tong-chu-bien-chuong-trinh-giao-duc-moi-neu-ly-do-lich-su-la-mon-tu-chon-ar671894.html

[3] //vietnamnet.vn/lich-su-thanh-mon-lua-chon-anh-huong-toi-giao-duc-long-yeu-nuoc-tong-chu-bien-tra-loi-2010313.html

[4] //nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/mon-lich-su-dung-truoc-thach-thuc-chua-tung-co-247865/

[5] //vov.vn/xa-hoi/sach-tieng-viet-lop-1-canh-dieu-khong-the-chinh-sua-ma-nen-thu-hoi-786895.vov

[6] //vov.vn/xa-hoi/sach-tieng-viet-lop-1-canh-dieu-khong-the-chinh-sua-ma-nen-thu-hoi-786895.vov

[7] //dostem.edu.vn/ky-nang-the-ky-21-what-are-21st-century-skills/

[8] //cand.com.vn/giao-duc/Vi-sao-van-bang-cua-Viet-Nam-chua-duoc-quoc-te-cong-nhan-i427981/

[9] //vnexpress.net/ty-le-thi-sinh-chon-mon-su-thap-nhat-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-3221499.html

[10] //dantri.com.vn/blog/quay-lung-voi-lich-su-la-boi-nghia-vong-an-1394310556.htm?fbclid=IwAR0qux4s5jglYDHciGzoGxpkqXfJCJI_bwYBppcvivX0kBUBYnQMjgX3uVM

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ly Ly