Không thu đủ tiền, hiệu trưởng cũng “trầy da tróc vảy”

19/08/2019 06:10
Thủy Trúc
(GDVN) - Có hiệu trưởng bật mí: “Không thu đủ tiền, chúng tôi cũng “trày da tróc vảy với cấp trên”.

Thất thu tiền trường! Không còn là nỗi lo sợ của những giáo viên làm công tác chủ nhiệm hiện nay ở nhiều trường học.

Không thu đủ tiền trường đâu chỉ mình giáo viên chịu khổ? ( Ảnh minh họa trên vov.vn)
Không thu đủ tiền trường đâu chỉ mình giáo viên chịu khổ? ( Ảnh minh họa trên vov.vn)

Ngay chính hiệu trưởng nhà trường, nếu để thất thu những khoản mang tên tiền trường (đương nhiên là những khoản tiền thu trong quy định) cũng chẳng thể nào được yên ổn.

Có hiệu trưởng bật mí: “Không thu đủ tiền, chúng tôi cũng “trày da tróc vảy với cấp trên”.

Bởi thế, lên án hiệu trưởng dùng biện pháp mạnh với giáo viên để ép thầy cô phải hoàn thành việc thu tiền cũng cần có cái nhìn thấu hiểu, cảm thông với hiệu trưởng.

Vì chính họ, vẫn đang chịu sức ép từ phía cấp trên đè xuống.

Không hoàn thành chỉ tiêu thu tiền, hiệu trưởng cũng sẽ bị cấp trên nhắc nhở

Không ít lần, chúng tôi nghe và thấy hiệu trưởng của mình cũng “vò đầu, bứt tai”, cũng than ngắn, thở dài khi thời hạn sắp kết sổ nhưng một số khoản tiền nhà trường vẫn chưa hoàn thành.

Có thể kể đến các khoản tiền như tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền học phí.

Bảo hiểm y tế buộc phải hoàn thành 100%, những trường học lớn, trường điểm, trường trung tâm thì chỉ tiêu này càng buộc phải thực hiện đầy đủ.

Bằng không thì đừng “mơ” gì cuối năm hiệu trưởng và nhà trường nhận thưởng, hay nhận cờ luân lưu chẳng hạn.

Không thu đủ tiền, hiệu trưởng cũng “trầy da tróc vảy” ảnh 2
Em sợ làm chủ nhiệm lắm rồi!

Tiền bảo hiểm tai nạn, về nguyên tắc không phải bắt buộc nhưng số tiền hoa hồng được trích về phòng giáo dục khá cao.

Bởi thế, chuyện cấp trên ép các trường phải tham gia càng nhiều càng tốt, luôn được các sếp cấp phòng quan tâm chặt chẽ.

Rồi tiền học phí (khoản tiền này phải nộp về kho bạc), vì thế trường nào để thất thu chính hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.

Không thu đủ tiền, thu không đúng thời gian quy định, hiệu trưởng cũng sợ cấp trên gọi về nhắc nhở, hoặc trách móc vì hiệu trưởng làm công tác quản lý chưa tốt.

Có hiệu trưởng nói rằng, đâu chỉ nhắc nhở riêng?

Trong cuộc họp hiệu trưởng cũng được nêu tên trường thực hiện tốt, trường chưa hoàn thành.

Nào là, trường A khó khăn hơn sao họ vẫn hoàn thành chỉ tiêu đúng hẹn? Trường B học sinh đông nhưng không thất thu em nào?...

Không ít hiệu trưởng cảm thấy bị “bêu riếu” trước đông người chỉ còn biết dồn áp lực ấy lên đầu giáo viên của mình

Không thu đủ tiền, hiệu trưởng cũng “trầy da tróc vảy” ảnh 3
Các Hiệu trưởng trần tình điều gì khi thu tiền của phụ huynh?

Một loạt biện pháp thu tiền được áp dụng và nhanh chóng triển khai trước hội đồng giáo dục.

Giáo viên không hoàn thành các khoản thu sẽ bị đưa vào tiêu chí xét thi đua cuối năm.

Quy định này, buộc thầy cô giáo phải vận động.

Bởi không thể để tình trạng mình dạy tốt, phấn đấu suốt cả năm chỉ vì vài đồng tiền mà mất tất cả.

Giáo viên cũng chỉ còn biết dồn áp lực ấy lên học sinh để gây sức ép với gia đình chúng.

Song song với việc khống chế thi đua giáo viên, một số trường đã dùng “chiêu lách” vừa không bị thất thu mà còn được khen vì đã hoàn thành kế hoạch.

Đó là việc, xuất một khoản tiền nào đấy đóng bảo hiểm y tế cho học sinh nhây nhưa mà cha mẹ các em không chịu đóng.

Thế nhưng mức đóng hộ cũng chỉ 1 tháng.

Mỗi tháng, học sinh phải đóng gần 50 ngàn đồng bảo hiểm y tế.

Nếu nhà trường bỏ ra vài triệu đồng đã có tới dăm chục học sinh được đóng bảo hiểm.

Thế là tỉ lệ đóng bảo hiểm y tế của nhà trường sẽ đạt 100%, nhưng qua 1 tháng sau, tỷ lệ này tiếp tục tụt giảm.

Tuy thế, điều này cũng chẳng hề gì vì chỉ tiêu đã được báo cáo cấp trên và cũng đã qua thời gian kiểm tra rồi.

Vì quyền lợi, không ít người cậy quyền để ép lẫn nhau. Và thế là trong cuộc chiến tiền trường chỉ học sinh là khổ nhất.

Thủy Trúc