Kỷ luật “ngọt ngào” thế này thì hiệu trưởng mãi là vua con!

04/08/2020 06:43
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì cái lợi, một số người lại tạo ra “vùng cấm”, tạo ra những mảnh đất màu mỡ làm sinh sôi những người thầy biến chất gây bức xúc cho dư luận xã hội...

Ngày 31/7/2020, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Sơn đã trao quyết định cho các viên chức quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trung học phổ thông trên địa bàn.

Đáng chú ý trong số người nhận quyết định có ông Đỗ Đình Đảo – chuyên viên của Sở này được bổ nhiệm vào chức vụ Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ, quận 4.

Ông Đỗ Đình Đảo khi còn là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu, ảnh: hptnguyenthidieu.vietschool.vn.

Ông Đỗ Đình Đảo khi còn là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu, ảnh:

hptnguyenthidieu.vietschool.vn.

Ông Đỗ Đình Đảo bị kỷ luật khiển trách về mặt chính quyền, bởi quyết định 1058/QĐ-GDĐT-TC ngày 13/5/2019, do ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ký.

Ngoài ra, ngày 31/10/2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Quận 3 – ông Đoàn Thanh Hải đã ký quyết định 84-QĐ/UBKTQU về việc thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Đỗ Đình Đảo.

Các quyết định kỷ luật này đều có thời hạn áp dụng trong vòng 12 tháng. Như vậy, cho đến nay, thời gian ông Đảo bị áp dụng hình thức kỷ luật Đảng vẫn còn hiệu lực.

Không phải ngẫu nhiên mà trong giáo viên lại luôn truyền nhau câu nói: “Lơ mơ, yếu sức về Ty (Sở), Khi bị kỷ luật thì đi về phòng ...".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nếu vào thanh công cụ tìm kiếm Google nhập dòng chữ “Hiệu trưởng bị kỷ luật điều chuyển về sở, phòng” chúng ta dễ dàng thấy hiện ra gần 22 triệu kết quả tìm kiếm chỉ trong 0.43 giây, có nhiều ví dụ cho thấy hiệu trưởng vi phạm kỷ luật nhưng vẫn được chuyển qua trường khác làm hiệu trưởng, thậm chí được điều chuyển lên phòng, sở.

Những con sâu làm rầu nồi canh

Ông Trần Xuân Linh, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Liên sang giữ chức quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Túc (huyện Hương Hóa) sau khi nhận mức kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng và khiển trách về mặt chính quyền do có những sai phạm trong công tác quản lý và tài chính. [1]

Bà Võ Thị Huyền nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Giồng Ông Tố (quận 2), ông Đỗ Đình Đảo nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu (quận 3) về làm chuyên viên hai phòng khác nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây cũng là hai Hiệu trưởng bậc trung học phổ thông bị ghi nhận có nhiều sai phạm trong thời gian vừa qua.

Bà Võ Thị Huyền sai phạm trong việc để học sinh không đủ điều kiện lên lớp.Theo cơ quan quản lý, việc này đã vi phạm vào các quy định về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hướng dẫn mà Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.

Ông Đỗ Đình Đảo đã bị Đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra kết luận là có hàng loạt sai phạm, như: Tài chính thiếu công khai theo quy định, nhận học sinh chuyển trường đến không đủ thủ tục như quy định, đưa người không có chuyên môn sư phạm đứng lớp dạy học sinh…

Tại Sở Giáo dục Thành Phố Hồ Chí Minh, đã có bốn Hiệu trưởng bậc trung học phổ thông bị kỷ luật (gồm cả hai trường hợp này), được đưa về công tác tại các Phòng chuyên môn. [2]

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Dinh (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), bà Cao Thị Mỹ Thuyết liên quan đến vụ việc lạm thu xảy ra ở Trường Tiểu học Nam Dinh, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch, bà Thuyết đã vi phạm các khoản thu nộp không đúng quy định đầu năm học của phụ huynh học sinh; Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở không tốt, thiếu sự bàn bạc, thống nhất trong Ban Giám hiệu, tập thể nhà trường và Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh; Nóng vội, phát ngôn ứng xử với giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh thiếu tế nhị, gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường.

Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch cũng đã có quyết định điều chuyển công tác đối với bà Cao Thị Mỹ Thuyết. Bà Thuyết về nhận nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Trạch kể từ ngày 1/12. [3]

Dù liên tiếp bị kỷ luật nhưng ông Lê Thanh Hải vẫn yên vị ở chức Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở chuẩn Quốc gia Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk).

Ông Hải đã có phát ngôn không chuẩn mực vi phạm đạo đức nhà giáo và đã có sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính.

Cụ thể: Đã sử dụng kinh phí từ nguồn lương và các khoản có tính chất lương chi cho việc mua sắm tài sản, thiết bị với số tiền trên 397 triệu đồng; Ký duyệt chi sai nguyên tắc tài chính 8.620.000 đồng;

Lập khống chứng từ mua cây cảnh để vụ lợi số tiền 57.560.000 đồng có dấu hiệu tham ô tài sản (sự việc đã được Kho Bạc Nhà nước huyện Buôn Đôn kịp thời ngăn chặn); Tự ý ký hợp đồng kinh tế mua 19 máy chiếu với số tiền 360.776.000 đồng…[4]

Bà Lê Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng, tỉnh Thanh Hóa bị tố việc rút tiền ngân sách để xây dựng và sửa chữa công trình phòng học thế nhưng sau khi nhận hơn 94 triệu đồng về, bà này đã “quên” luôn việc xây dựng công trình. Sau khi nhận mức kỷ luật cảnh cáo cả về mặt Đảng và chính quyền do lập hồ sơ khống và không trung thực bà được điều động lên làm chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo. [5]

Hiệu trưởng vi phạm, chuyển trường tiếp tục làm hiệu trưởng, giáo viên thì sao?

Có những hiệu trưởng bị kỷ luật vì sai phạm, chuyển trường khác làm hiệu trưởng vẫn tiếp tục bị sai phạm gây bức xúc trong dư luận giáo viên.

Phải kể đến ông Phạm Trọng Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Ông Hà và Ban giám hiệu nhà trường phải hoàn trả trên 119 triệu đồng cho phụ huynh học sinh vì đã vận động các khoản thu trái quy định.

Trong đó, có hơn 88 triệu đồng huy động dùng để chi tổ chức nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và 39,8 triệu đồng vận động từ phụ huynh học sinh để tu sửa cổng trường rồi điều chuyển sang nâng cấp nhà ăn bán trú.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Trọng Hà số tiền 19 triệu đồng do có hành vi không công khai thu, chi tài chính theo quy định và tổ chức thu các khoản trái quy định.

Trong nhiều năm qua, ông Phạm Trọng Hà liên tiếp bị phụ huynh và giáo viên tố cáo, khiếu nại về thu chi tài chính. Sau mỗi lần bị tố, ông Hà lại được điều chuyển sang làm hiệu trưởng một trường khác. [6]

Giáo viên và phụ huynh bức xúc vì tạo tiền lệ xấu. Hệ lụy này sẽ tạo ra hàng loạt vua con được gọi tên là hiệu trưởng.

Hiệu trưởng làm sai, thậm chí sai nghiêm trọng trong chuyện tài chính nhưng chỉ bị kỷ luật kiểu “ngọt ngào êm ái” còn một số giáo viên đã trót vi phạm gần như lãnh hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.

Điển hình như cô giáo ở Hải Phòng đánh học sinh trong giờ kiểm tra, cô giáo ở Lai Châu tát học sinh vì viết bài chậm, cô giáo ở Thành Phố Hồ Chí Minh phạt học sinh vì không chú ý trong giờ học…

Thay vì kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo, không bố trí đứng lớp có thời gian…để các cô thấy lỗi mà sửa đổi thì người ta nhanh chóng đưa ra quyết định đuổi giáo viên khỏi bục giảng mà không bao giờ còn cơ hội làm lại.

Nếu xét về động cơ, các cô cũng đang vì sự tiến bộ của các em nhưng do quá nóng nảy lại muốn có hiệu quả nhanh nên đã mắc sai lầm.

Còn động cơ của những hiệu trưởng gian lận tài chính, thâm thụt công quỹ, lạm thu lại xuất phát từ việc tư lợi cá nhân.

Vậy mà, những vị hiệu trưởng này vẫn được ưu ái cho cơ hội. Đây chính là mảnh đất màu mỡ sản sinh ra những "ông vua con" trong trường học.

Kỷ luật ngọt ngào sẽ nuôi dưỡng các "vua con trường học", làm xói mòn niềm tin

Vì những thực trạng trên nên tạo ra một tiền lệ xấu trong ngành giáo dục, cứ có chân trong ban giám hiệu nhà trường (hiệu trưởng, hiệu phó) dính sai phạm thì hoặc vẫn tại vị hoặc giữ chức chuyển trường, thậm chí còn lên chức (lên phòng, sở) làm chuyên viên.

Cũng vì điều này đã góp phần thui chột tinh thần đấu tranh chống tiêu cực, chống lại cái xấu trong học đường vốn đã lẻ loi, yếu ớt của giáo viên càng trở nên tê liệt.

Vì nhiều thầy cô sợ rằng dù có chuyện gì thì họ vẫn vững như bàn thạch vì có ô dù, còn bản thân chưa “chờ được vạ” mà “má đã sưng” và thân bại danh liệt.

Có tội mà được bao che, được nâng đỡ vẫn tại chức hoặc lên chức, những hiệu trưởng này nghiễm nhiên họ nghĩ rằng mình đã có điểm tựa vững chắc và ngày càng lộng hành, chẳng coi ai ra gì. Điều này cực kỳ nguy hại và sẽ làm môi trường giáo dục ngày càng xấu hơn.

Hiệu trưởng sai phạm được điều lên phòng làm việc chính là lên chức. Ở trường lãnh đạo vài ba chục giáo viên còn thế nhưng lên phòng giáo dục lại chỉ đạo chuyên môn vài ba chục trường học với hàng nghìn giáo viên sẽ chuyên quyền đến mức nào.

Các chuyên viên cấp phòng, sở có quyền triển khai các hoạt động liên quan đến chuyên môn của ngành như thanh tra chuyên môn các trường, dự giờ thăm lớp các giáo viên trong huyện, thị, làm ban giám khảo các cuộc thi…

Trường nào chẳng muốn được đánh giá tốt về công tác chuyên môn, giáo viên nào chẳng muốn được thành tích tốt trong các cuộc thi? Thế rồi, nhà trường và những giáo viên thích thành tích lại lo lấy lòng.

Vốn từng sai phạm mà chẳng hề hấn gì nên bây giờ cũng chẳng có gì phải sợ cũng là điều hiển nhiên.

Có sự bao che hay chống lưng cho những hiệu trưởng sai phạm hay không?

Sau hàng loạt sai phạm về tài chính của ông Phạm Trọng Hà Trường Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk (người mà báo chí từng viết làm hiệu trưởng ở đâu cũng sai phạm) nhưng chỉ nhận được kỉ luật khiển trách.

Theo một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Năng: "Hội đồng thi đua kỷ luật xem xét thấy động cơ vi phạm của ông Hà không có tính cá nhân, do năng lực quản lý và chủ quan trong công việc dẫn đến sai phạm”.

Trở lại việc sai phạm của bà Lê Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hưng, tỉnh Thanh Hóa bị tố việc rút tiền ngân sách để xây dựng và sửa chữa công trình phòng học.

Dù thanh tra đã làm rõ, nhưng theo ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thì: "Việc đưa bà Hiền lên phòng giáo dục cũng khiến chúng tôi hơi băn khoăn, hình ảnh không đẹp lắm. Tuy nhiên, trong điều động của các cấp miễn không sai luật.

Cô Hiền đang làm lãnh đạo, đang là hiệu trưởng điều động về đây là mất chức rồi. Dù về phòng giáo dục nhưng cũng chỉ làm một chuyên viên thôi, chỉ có khác là đơn vị quản lý nhà nước”.

Từ những minh chứng trên dư luận giáo giới cũng như cha mẹ học sinh ở nhiều nơi phải đặt câu hỏi, phải chăng hiệu trưởng sai phạm vẫn còn tại vị hoặc chuyển về sở, phòng có sự chống lưng, bao che của một vài người có thẩm quyền?.

Điều này đã gây bức xúc trong dư luận, làm xói mòn niềm tin, làm thui chột ý chí đấu tranh với cái xấu, đặc biệt làm cho môi trường giáo dục mất đi vai trò giáo dục của mình.

Bởi người thầy phải đức cao vọng trọng, phải luôn được nhiều người trân trọng, quý mến thì mới đủ tư cách dạy người.

Người lãnh đạo trong ngành giáo dục còn phải gương mẫu gấp nhiều lần mới đủ tư cách để lãnh đạo người thầy.

Thế mà chỉ vì cái lợi trước mắt, một số người lại tạo ra “vùng cấm”, tạo ra những mảnh đất màu mỡ làm sinh sôi những người thầy biến chất gây bức xúc cho dư luận xã hội làm cho môi trường giáo dục ngày một xấu hơn.

Làm thế nào để xóa bỏ thực trạng bất cấp thế này để lấy lại niềm tin cho ngành giáo, để xây dựng được môi trường giáo dục ngày một trong sạch, tốt đẹp hơn?

Bên cạnh những địa phương bất chấp dư luận mà bỏ qua và bao che cho một số hiệu trưởng tại hoặc chuyển về sở, phòng làm chuyên viên thì vẫn còn không ít những địa phương cương quyết, mạnh tay loại ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không đủ tài và đức. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong những bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-bi-ky-luat-duoc-dieu-chuyen-giu-quyen-hieu-truong-truong-khac-post210581.gd[1]

https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/co-nhieu-sai-pham-hai-hieu-truong-bi-dieu-ve-lam-chuyen-vien-so-giao-duc-post206951.gd[2]

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bi-ky-luat-vi-mac-nhieu-sai-pham-nhung-van-duoc-dieu-chuyen-lam-hieu-truong-20171129084841317.htm[3]

https://danviet.vn/lien-tuc-bi-ky-luat-hieu-truong-van-tai-vi-o-truong-chuan-quoc-gia-77771025859.htm[4]

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hieu-truong-bi-ky-luat-canh-cao-du-kien-dieu-dong-len-phong-gddt-20181114070121848.htm[5]

https://nld.com.vn/thoi-su/vu-lam-hieu-truong-o-dau-cung-bi-to-phat-tien-ky-luat-hieu-truong-20200307155631673.htm[6]

Phan Tuyết