"Lệnh tiêu tiền hỗ trợ trò nghèo" của huyện Yên Minh... không có dấu

29/05/2020 06:00
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Văn bản chỉ đạo của Phòng giáo dục huyện Yên Minh thực hiện chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP không có số văn bản, chữ ký, con dấu.

Liên quan đến những bất thường trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, một hiệu trưởng tại huyện Yên Minh (Hà Giang) cung cấp cho phóng viên Giáo dục Việt Nam văn bản chỉ đạo của Phòng giáo dục huyện.

Điều đáng nói văn bản này không có số hiệu văn bản, không ghi ngày, không có dấu đỏ và không có chữ ký của trưởng phòng giáo dục Phạm Ngọc Quyết.

Tuy nhiên văn bản này lại trở thành kim chỉ nam cho các trường trong địa bàn huyện Yên Minh trong việc: Thực hiện đăng ký nhu cầu sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP năm học 2019-2020.

Văn bản trên căn cứ theo các công văn hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Minh và Sở giáo dục tỉnh Hà Giang.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương, các đoàn thể trong xã, thị trấn, các trưởng thôn bản, tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về nội dung Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về chế độ hỗ trợ chi phí học tập của Nhà nước cho học sinh.

Tổ chức tuyên truyền vận động các em học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ đưa vào thư viện để nhà trường hỗ trợ cho các em học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn không đủ điều kiện để mua sách cho con em học tập.

Các trường chỉ đạo giáo viên tổ chức họp với phụ huynh học sinh thống nhất việc ủy quyền mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập năm học 2019-2020 trên cơ sở danh mục cần thiết do Phòng Giáo dục và Đào tạo cung cấp, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan.

Sau khi họp thống nhất xong yêu cầu hoàn thiện các thủ tục cần thiết như: Biên bản thỏa thuận giữa cấp ủy chính quyền, hội phụ huynh học sinh và nhà trường.

Biên bản họp thống nhất theo từng thôn bản; Bản cam kết của phụ huynh học sinh (các mẫu biên bản Phòng Giáo dục và Đào tạo gửi qua Email các trường).

Các trường hoàn thiện xong trước 31/5/2019.

Các trường chỉ sử dụng sách giáo khoa theo danh mục Phòng Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn do nhà xuất bản giáo dục phát hành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Các trường căn cứ vào số học sinh đã được hội đồng thẩm định huyện phê duyệt học kỳ II năm học 2018-2019 làm số liệu để tổng hợp đăng ký mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh theo từng khối lớp năm học 2019-2020.

Đối với danh mục, bảng giá dự kiến sách giáo khoa, đồ dùng học tập các cấp học năm học 2019-2020 (Phòng Giáo dục và Đào tạo gửi vào địa chỉ Email các trường).

Văn bản chỉ đạo của Phòng giáo dục Yên Minh (Ảnh:V.N)

Văn bản chỉ đạo của Phòng giáo dục Yên Minh (Ảnh:V.N)

Bên cạnh những yếu tố “bất thường” trong văn bản chỉ đạo của Phòng giáo dục huyện Yên Minh bao gồm: không có số hiệu văn bản, không ghi rõ ngày tháng, không có chữ ký của trưởng phòng giáo dục, không có con dấu...

Một trong những vấn đề cần làm rõ là cơ sở nào Phòng giáo dục huyện Yên Minh chỉ định danh mục sách giáo khoa và đồ dùng học tập trên toàn huyện.

Trong đó văn bản nhấn mạnh: Các trường chỉ đạo giáo viên tổ chức họp với phụ huynh học sinh thống nhất việc ủy quyền mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập năm học 2019-2020 trên cơ sở danh mục cần thiết do Phòng Giáo dục và Đào tạo cung cấp.

Các trường chỉ sử dụng sách giáo khoa theo danh mục Phòng Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn do nhà xuất bản giáo dục phát hành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Nhắc lại Nghị định 86/2015/NĐ-CP nêu rõ: Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng quy định tại Điều 10 Nghị định này với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác.

Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.

Trong văn bản không quy định rõ số tiền mà học sinh sử dụng để mua sách vở, đồ dùng học tập.

Đây là tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh nghèo về nguyên tắc tiền phải đến tay phụ huynh, học sinh sau đó họ sẽ quyết định mua loại sách vở, đồ dùng nào…

Việc phụ huynh ủy quyền cho nhà trường dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng theo văn bản của Phòng giáo dục huyện Yên Minh thì việc này gần như bắt buộc.

Trong đó các loại giấy tờ như giấy ủy quyền, biên bản họp thôn, biên bản thỏa thuận…đã được lên trước barem.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao Phòng giáo dục huyện Yên Minh lại sốt sắng trong việc chỉ đạo chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP; các đối tượng học sinh khác lại không bắt buộc mua theo những danh mục sách vở, đồ dùng học tập?

Trong bảng kê mua hàng của một trường phổ thông dân tộc bán trú tại huyện Yên Minh: Số tiền mua sách giáo khoa và vở bài tập gần 40 triệu đồng.

Trong khi đó số tiền mua đồ dùng học tập lên đến 158 triệu đồng tức là gần gấp 4 lần tiền mua sách giáo khoa, vở bài tập.

Cần nhớ toàn bộ số tiền này đều là tiền hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh nghèo.

Khi đọc danh mục bảng kê khai hàng hóa, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về tính cần thiết của danh mục trên.

Ví dụ học sinh năm nào cũng phải mua một chiếc cặp học sinh mới có giá 160.000 đồng; bảng 4 ô ly mới có giá 25.000 đồng, gọt bút chì, keo dán….

Những đồ dùng này hoàn toàn có thể mua ở các tiệm tạp hóa bình thường.

Nhà cung ứng còn liệt kê kéo thủ công Trung Quốc vào danh mục đồ dùng học tập học sinh phải mua.

Bảng kê mua đồ dùng học tập của một trường Phổ thông dân tộc bán trú với cửa hàng Hồng An (Ảnh:V.N)

Bảng kê mua đồ dùng học tập của một trường Phổ thông dân tộc bán trú với cửa hàng Hồng An (Ảnh:V.N)

Vị hiệu trưởng cho biết: “Văn bản và danh mục do Phòng giáo dục ấn định.

Trong đó có thể thấy rõ có những loại đồ dùng học tập không cần thiết, không nhất thiết năm nào cũng phải mua mới.

Số tiền mua đồ dùng học tập mới là số tiền lớn. Thế nhưng danh mục của Phòng giáo dục dựa trên cơ sở nào thì chúng tôi cũng không rõ.

Thêm nữa nếu áp dụng đại trà trên toàn huyện vậy tại sao học sinh thuộc đối tượng khác không phải mua mà học sinh nghèo theo đối tượng 86/2015/NĐ-CP bắt buộc phải mua.

Chúng tôi cũng băn khoăn với cách thức chỉ đạo của Phòng khi văn bản không dấu, không chữ ký, không số hiệu về cơ bản là vô giá trị nhưng các trường đều phải làm theo.

Liệu đây có phải là cách Phòng giáo dục chối bỏ trách nhiệm trong việc này hay không?”.

Bản thân phụ huynh cũng đặt câu hỏi về tính cần thiết của những loại đồ dùng học tập mà phòng giáo dục huyện Yên Minh chỉ định.

Trong khi đó những loại đồ dùng trên hết sức thông thường và có thể tìm mua ở bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào.

Việc Phòng giáo dục huyện Yên Minh nói riêng và nhiều phòng giáo dục tại Hà Giang đưa ra “luật lạ” gồm danh mục chỉ định sách vở, đồ dùng học tập áp dụng với đối tượng học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP là rất bất thường.

Vũ Ninh