Liệt 2 chân, học đến lớp 6... vẫn đoạt giải cuộc thi viết

08/12/2011 12:00
Xuân Trung
(GDVN) - Lên 12 tuổi, cô bé bị bệnh khớp rồi biến chứng liệt hai chân, mọi sinh hoạt đều trên giường, cảm giác lúc đầu thật khó vượt qua…
Cho đến tận bây giờ khi những giọt nước mắt vì vui sướng, hạnh phúc khi nhận được giải thưởng thân thiện và giải khuyến khích trong Cuộc thi “Quà tặng cuộc sống”, Nguyễn Phương Thúy mới thổ lộ với tôi rằng, ước mơ trở thành nữ tác giả nổi tiếng của em đang thành hiện thực, mặc dù tôi biết rõ con đường em đang đi không hề bằng phẳng chút nào, nhưng Thúy đã làm được nhiều điều hơn thế.

Viết truyện trong tư thế nằm ngửa

Tác phẩm “Cách nhìn tạo nên nghị lực” đã giúp nhiều người biết tới Nguyễn Phương Thúy, quê ở TP Việt Trì, Phú Thọ, một cô gái sinh năm 1985 nhưng có nửa quãng thời gian phải ngồi xe lăn, trong ngày nhận giải thưởng Quà tặng cuộc sống Thúy đã không giấu nổi hạnh phúc:

“Mất khá nhiều thời gian để viết được một tác phẩm truyện ngắn 1.500 chữ nhưng em đã  phải đầu tư tư duy rất lớn. Mọi câu chuyện của em đều xuất phát từ cuộc sống, ý tưởng mà cuộc sống em cảm nhận, tuy em không thể ra bên ngoài xã  hội được nhưng ở trong nhà em vẫn có thể cảm nhận được bầu không khí ngoài kia bằng sự nhạy cảm của mình. Em đã lấy sự nhạy cảm đó từ cuộc sống xung quanh mình để viết lên những câu chuyện như vậy” Thúy chia sẻ với chúng tôi xung quanh tác phẩm vừa đoạt giải của mình. 
Em Nguyễn Phương Thúy, chủ nhân giải thưởng Thân thiện trong Cuộc thi "Quà tặng cuộc sống". Ảnh Xuân Trung
Em Nguyễn Phương Thúy, chủ nhân giải thưởng Thân thiện trong Cuộc thi "Quà tặng cuộc sống". Ảnh Xuân Trung
Còn nhớ cách đây đúng vào dịp này năm 1997, khi đó Thúy mới học lớp 6 và 12 tuổi, một dấu hiệu nhức nhối ở đầu gối, đó là biểu hiện của bệnh khớp, dấu hiệu đó vô tình đã  mãi mãi theo em và cướp đi những bước đi hàng ngày của em.

Thúy cho biết, thời gian đầu khi tâm lý còn chưa vững vì đón nhận tổn thất về thể xác quá bất ngờ, em thường chán nản, mất hy vọng vào cuộc sống. Cũng bắt đầu từ đó Thúy phải nghỉ học, hai năm sau cảm thấy mình được sống, được sinh ra trong cõi đời này Thúy bừng tỉnh và chợt nhận ra mình còn rất may mắn. 
Trò chuyện cởi mở hơn, Thúy cho hay mặc dù bản thân nghỉ học nhưng tinh thần của em thì không lúc nào ngơi nghỉ. Thúy đã từng ngày làm quen, thích ứng với hoàn cảnh mới (viết, vẽ) trong tư thế nằm ngửa: “Khi viết vẽ đều thuần thục, thậm chí là rất đẹp, thì em bước vào tư tưởng cầm bút để truyền đạt những gì mà em suy nghĩ, cũng như sáng tác. Em viết khá nhiều, cũng tham gia các cuộc thi khác (trước khi tham gia Quà tặng cuộc sống ) và đạt giải của những cuộc thi ấy” Thúy chia sẻ với chúng tôi về quãng thời gian đầu sáng tác truyện. 
Nhưng có một điều không may với Thúy, chiếc máy tính xách tay được tặng đã bị lấy cắp, trong đó có khoảng gần 700 tác phẩm (Thơ, Truyện, Tản Văn... Tài liệu) được viết sau hai năm Thúy bị bệnh.

“Em đã khóc, khóc thảm thiết mất một buổi chiều, thậm chí đến đêm ngủ còn mơ thấy cái máy nó... chạy về với mình. Mấy ngày buồn, nhưng rồi em cũng phải vượt qua, bởi vì dù có buồn thì cũng không giúp gì hơn cho mình. Quan trọng là em vẫn còn có trí tuệ, có tư duy, có ý chí...” nói đến đây mắt Thúy như đỏ hoe. 
Mất máy, phải sáng tác lại từ đầu, bắt đầu tất cả lại mọi thứ nhưng Thúy tin tưởng rằng, sẽ không thoái nản tư tưởng vì cuộc sống cũng như hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai biết hướng về phía trước bằng tinh thần tích cực nhất. Đó chính là lý do Thúy vượt qua không riêng gì với việc mất máy, mà còn rất... rất nhiều những gian lao khác!

Kiên trì, lòng tin vào sự nỗ lực

Với tác phẩm: “Cách nhìn tạo nên nghị lực” của Nguyễn Phương Thúy, Ban tổ chức đánh giá cao đây là tác phẩm đậm chất nhân văn và rất ý nghĩa. Trước khi viết lên những dòng tâm sự của cậu bé da cam trong câu truyện đó, Thúy đã tự đặt cho mình một hướng phấn đấu rằng, “Tác phẩm của mình phải thực sự mang tính nhiệt huyết ở trong truyện, em xác định viết truyện không phải viết ra chỉ để lấy số lượng mà em muốn có được dòng cảm xúc trong mỗi tác phẩm của mình” Thúy chia sẻ phương trâm viết truyện của mình.
Với tác phẩm "Cách nhìn tạo nên nghị lực" nhiều người đã biết tới cô bé khuyết tật này hơn. Ảnh Xuân Trung
Với tác phẩm "Cách nhìn tạo nên nghị lực" nhiều người đã biết tới cô bé khuyết tật này hơn. Ảnh Xuân Trung
Câu truyện “Cách nhìn tạo nên nghị lực” mà Thúy viết ra để tham dự Cuộc thi Quà tặng cuộc sống chỉ với một thông điệp: "kiên trì, lòng tin vào sự nỗ lực, và hơn hết là bản thân mỗi người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không bao giờ vô dụng ( hay ) bất hạnh nếu bản thân người đó biết nhận thức cuộc sống một cách lạc quan, tích cực, có khao khát cống hiến... Cách nhìn của mỗi người sẽ là "kim chỉ nam" để giúp người đó khẳng định mình ( hoặc ) là vùi dập mình. Người có tư duy tích cực, sẽ vươn lên. Và... ngược lại".
Thúy cũng tâm sự rằng, mọi câu truyện của em viết ra đều xuất phát từ cuộc sống, xuất phát từ sự cảm nhận của một trái tim có sức  sống mãnh liệt: “Hiện tại em thường xuyên phải ở trong nhà vì bản thân em đi lại phải nhờ người khác phục vụ mà nhà lại neo người, nên ở nhà tiếp xúc với máy tính và tác phẩm của mình. Cuộc đời em giống như “ếch ngồi đáy giếng” chỉ nhìn thấy một khoảng trời nho nhỏ, trong khi ngoài kia là cả khoảng trời bao la nhưng em nghĩ trong tim em đã có cả khoảng trời bao la kia rồi”Thúy xúc động cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, Thúy cho biết chỉ ham đọc những sách về nghệ thuật sống, sách thích đọc nhất là Đắc nhân tâm. Nói đến ước mơ, có lẽ nhiều người sẽ nêu ra ngay được nó. Nhưng, đối với Thúy, không dễ dàng cho em "lựa chọn ước mơ", vì hoàn cảnh của em có quá nhiều o bế. Tuy nhiên, với sự tự tin và ý thức trước giờ, Thúy luôn có niềm mong khẳng định được bản thân không chỉ trong lĩnh vực sáng tác ( Mơ ước tương lai, trở thành một nữ tác giả xuất sắc ), mà Thúy còn tha thiết các cơ hội vươn lên, nỗ lực trong những điều khác xoay quanh cuộc sống. Ước mơ lớn hơn hết, là "khẳng định được mình". Muốn khẳng định được mình, thì phải không ngừng hoàn thiện mình! Đặc biệt sau cuộc thi, Thúy mong muốn có cơ hội hòa nhập cộng đồng hơn, truyền đạt, chia sẻ đến mọi người nhiều hơn về mặt tinh thần...
Tóm tắt nội dung câu truyện “Cách nhìn tạo nên nghị lực”
Câu truyện kể về một cậu bé tên Tùng bị nhiễm chất độc da cam, không có tay, hai chân teo tóp (nhỏ hơn cả cái ống điếu) và Tùng phải lê lết trên mặt đất. Mỗi lần ngồi bệt ngoài cổng, nhìn các bạn đến trường, cậu lại cụp mắt buồn tủi. Biết lòng con, bố mẹ tìm người đến nhà dạy cậu học, nhưng lần nào cũng bị từ chối, vì người ta ngại kèm cặp một đứa trẻ quá ư là "không bình thường". Bố mẹ đành bỏ cuộc. Nhưng Tùng thì không.
Qua người bạn, Tùng xin được cuốn sánh cũ, cây bút bi, xin được cả quyển vở bạn dùng làm nháp. Trong góc nhà, ngày này qua ngày khác Tùng kiên trì tập viết. Tình cờ bố mẹ biết được con mình có tinh thần không ngại khó khăn, đích thân bố mẹ dã dạy cho Tùng và hát những bài hát quây quần bên nhau…
Nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 20 năm, đã khiến cậu trở thành “con cưng” trong lòng những người yêu nhạc nước Việt, là “anh hùng văn hóa” trong suy nghĩ của bạn bè quốc tế.
Trong  một lần biểu diễn, Tùng có gặp một ông Cựu binh Mỹ đến xem, ông này có hỏi: Cậu có thấy bất hạnh và oán trách số phận, khi giỏi thế này mà lại mang di chứng chất độc Dioxin không?

Tùng đáp: Nếu sinh ra mà không biết vươn lên, làm tội mẹ cha, thì có thể tôi day dứt vì sự sống vô nghĩa. Nhưng với những gì tôi có, cũng như đang tiếp tục phấn đấu… Tôi cảm thấy biết ơn vì được sinh ra. Đặc biệt là trong hoàn cảnh này, khiến tôi có niềm khao khát mạnh mẽ được thành người có ích. Nên, tôi mới kiên trì và nghị lực… để như hôm nay. Tôi không nghĩ là mình bất hạnh.
Xuân Trung