Lo lắng khi 2, 3 thầy cô cùng dạy một cuốn sách

10/01/2021 06:56
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vẫn còn đó rất nhiều băn khoăn, lo lắng của thầy và trò về môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý khi năm học mới chưa đầy 8 tháng nữa đã bắt đầu.

Theo lộ trình thực hiện chương trình mới, năm học 2021 – 2022 sẽ thực hiện thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

Học sinh lớp 6 sẽ học 12 môn học và hoạt động giáo dục gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Đây là năm đầu tiên 2 môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) được đưa vào giảng dạy ở nước ta.

Môn Khoa học tự nhiên, được thiết kế thành 3 mạch chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử và Địa lý sẽ có 2 phân môn là Lịch sử và Địa lý. Nội dung của mỗi mạch chủ đề, phân môn, vừa có tính độc lập vừa liên kết, hỗ trợ cho nhau nên gọi là môn ... tích hợp.

Do là năm đầu tiên nên không ít nỗi lo lắng về sách giáo khoa cũng như đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được đặt ra.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn - Trưởng nhóm xây dựng chương trình môn Khoa học tự nhiên - từng thừa nhận “Việt Nam chưa có kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa và hướng dẫn dạy học môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá”.

Có bao nhiêu giáo viên có thể dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý?

Kết quả nghiên cứu "Giải pháp giảng dạy tích hợp môn khoa học xã hội cho học sinh các trường THCS vùng Đông Nam Bộ" cho thấy có 53,9% giáo viên được đào tạo sư phạm đơn môn và 46,1% đào tạo đa môn. Tuy nhiên, đa số giáo viên dạy Lịch sử hoặc Địa lý riêng rẽ, chỉ có 15,8% GV giảng dạy đồng thời cả 2 môn Lịch sử và Địa lý.

Các nghiên cứu cho thấy giáo viên các môn khoa học tự nhiên có khả năng dạy 2 môn Vật lý - Hóa học hoặc Hóa học - Sinh học dưới 30%, số giáo viên có thể dạy đồng thời 3 môn hoặc 2 môn Vật lý - Sinh học rất ít. [1]

Thực tế, giáo viên dạy đồng thời 3 môn Lý – Hóa – Sinh không có chứ không phải là ít hay nhiều.

Giáo viên gặp khó khăn trong việc dạy tích hợp. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Giáo viên gặp khó khăn trong việc dạy tích hợp. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Trong khi để đạt yêu cầu dạy học phải có trình độ Cử nhân, nói cách khác sự ra đời của môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hiện chưa có đội ngũ giáo viên đào tạo bài bản theo đúng theo tinh thần của Luật giáo dục 2019.

Các trường đào tạo giáo viên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý chưa thể ngày một ngày hai có thể cung cấp đủ nhân lực. Như vây, ba thầy hay hai thầy / cô cùng dạy một cuốn sách đã hiện hữu trong thực tế ở năm học 2021 – 2022, học sinh phải học do giáo viên không đạt chuẩn dạy rất lớn và ... còn kéo dài.

Vì thế, dư luận trước đây đề nghị chưa vội đưa môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vào giáo dục mới không phải không có cơ sở.

Giáo viên băn khoăn, biết nghe ai đây?

Để giải quyết bài toán khó này, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn: “Trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, các trường cần bố trí giáo viên trên nguyên tắc ai thuận lợi trong việc dạy nội dung nào thì bố trí dạy nội dung đó, bảo đảm tính thống nhất của môn học theo sự sắp xếp của các mạch nội dung, không tách riêng từng phần cho từng giáo viên dạy riêng rẽ” [1].

Nói cách khác, giáo viên ba đơn môn Lý-Hóa-Sinh (hoặc hai đơn môn Sử-Địa) khi dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ dạy song song cùng nhau, để kiến thức môn này bổ trợ kiến thức môn kia và ngược lại, đảm bảo kiến thức không dạy trùng lặp khi đã học ở môn khác, cho nên mới gọi là tích hợp.

Khi trả lời báo Thanh niên, Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói:

“Đối với mỗi mạch kiến thức trong các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp trung học cơ sở có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học.

Cụ thể, mỗi mạch nội dung của môn khoa học tự nhiên có thể phân công cho một giáo viên có chuyên môn phù hợp (hóa học: chất và sự biến đổi chất; sinh học: vật sống; vật lý: năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời) để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng 1/2 học kỳ của năm học; mỗi mạch nội dung của môn lịch sử và địa lý có thể phân công cho một giáo viên lịch sử và một giáo viên địa lý để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học.

Với cách dạy học tích hợp như vậy thì vẫn vừa tận dụng được đội ngũ giáo viên hiện có ở tất cả các đơn môn, vừa không yêu cầu giáo viên phải thay đổi quá đột ngột khi đang dạy đơn môn phải chuyển sang dạy tích hợp”[2].

Với hướng dẫn của Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, có thể hiểu các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý dạy độc lập với nhau, mạnh môn nào, môn đó học; mạnh môn nào môn đó hoàn thành chương trình, kiểm tra đánh giá; như vậy không còn môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý riêng nữa!

Chỉ khi nào có giáo sinh ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, ra trường, dạy môn đơn môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, lúc đó mới đảm bảo tính tích hợp và đạt chuẩn của Luật Giáo dục.

Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vẫn còn đó rất nhiều băn khoăn, lo lắng của thầy và trò khi năm học mới chưa đầy 8 tháng nữa đã bắt đầu.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://zingnews.vn/nhieu-noi-lo-ve-sach-giao-khoa-tich-hop-post1171614.html

[2]https://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-sinh-se-khong-hoc-theo-thoi-khoa-bieu-lap-lai-hang-tuan-1321030.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến