Lời gan ruột của một người ông, người thầy với bỏ "chấm điểm tiểu học"

22/08/2014 06:40
Hồng Nhung
(GDVN) - "Thay vì những nhận xét khô khan, nặng nề, cứng nhắc, trong lời phê nên có cả tình cảm, sự động viên, khuyến khích để giảm thiểu tâm lý bị “chê” của học sinh”.

Tiếp tục chia sẻ ý kiến về Dự thảo Thông tư Quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đào Duy Hiệp – giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Là một nhà giáo của một Trường Đại học có uy tín, đã từng có trên 30 năm tham gia giảng dạy nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều người đã trở thành các thầy cô đang công tác tại nhiều trường trên cả nước; PGS.TS Đào Duy Hiệp còn là một người cha, người ông có con, cháu thành đạt, học giỏi. Từ góc độ đó, ông đã có những chia sẻ tâm huyết góp ý về Dự thảo này.

Dạy học là dạy và dỗ

Từ kinh nghiệm bản thân, PGS.TS. Đào Duy Hiệp cho rằng: “Đã là người thầy thì phải hết lòng vì học sinh, thương yêu, chỉ bảo cho các em như con, như cháu. Dạy học không chỉ dạy cái chữ mà còn dạy cách làm người, dạy cách sống. Do đó, dạy học là phải dùng tình thương để truyền đạt tri thức".

Lời gan ruột của một người ông, người thầy với bỏ "chấm điểm tiểu học" ảnh 1

PGS.TS Đào Duy Hiệp cho rằng đối với các cháu nhỏ giáo viên phải vừa dạy vừa dỗ, mà phần dỗ đôi khi lại quan trọng hơn. Ảnh: Hồng Nhung

Với học sinh tiểu học, lứa tuổi mới chập chững bước vào đời nên càng cần sự quan tâm, chỉ bảo của thầy cô giáo. Chúng ta vẫn nói là “dạy dỗ”. Dạy phải đi đôi với dỗ, nhất là với bậc tiểu học. Đôi khi “dỗ” lại quan trọng hơn. Muốn “dỗ” cần phải dùng lời nhận xét: khen khi các cháu ngoan, chăm chỉ; nhắc nhở, chỉ bảo các cháu khi phạm lỗi.

Giáo viên phải chú ý đến tâm lý lứa tuổi, các cháu còn nhỏ nên sức tập trung chưa cao, còn mải chơi, có thể vì thế mà nhắc một lần chưa chắc các cháu đã nhớ được ngay. Nhắc nhở lỗi nhưng cố tránh không để các cháu bị xấu hổ trước các bạn, không gây tâm lý nặng nề để các cháu vẫn có thể vui vẻ nhận lỗi để lần sau sửa chữa. Chúng ta phải tạo cho các cháu tâm lý vui vẻ khi đến lớp, yêu thích việc đến lớp với thầy cô, bạn bè. Phương châm giáo dục là mềm mỏng nhưng kiên quyết, học mà chơi, chơi mà học”.

Đồng tình theo cách đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Đào Duy Hiệp bày tỏ thêm: “Đối với học sinh tiểu học, cách làm này sẽ giúp các cháu có tâm lý vui vẻ, phấn khởi, hứng thú hơn trong học tập, ngay cả tâm lý hơn thua cũng sẽ giảm đi. Nói như vậy không phải là trẻ không có sự phấn đấu nữa, bởi tâm lý con người không ai muốn bị phê bình, được thầy cô khen, được điểm cao sẽ rất tự hào, vui vẻ”.

Nhận xét cũng là một nghệ thuật

Với cách đánh giá học sinh tiểu học yêu cầu giáo viên tích cực nhận xét, theo dõi học sinh, PGS.TS Đào Duy Hiệp cho rằng sẽ gặp một số trở ngại từ chính thầy cô giáo:  

“Ban đầu chưa hẳn đã đạt sự đồng thuận cao từ phía giáo viên, ngay cả những giáo viên có điều kiện hơn ở các thành phố. Do nhiều lẽ, trong đó yếu tố thời gian, sự vất vả, mất công, mất sức mà đồng lương, thu nhập của giáo viên lại chưa cao,… là những cản trở không nhỏ”.

Tuy nhiên, theo PGS Hiệp, sự tiến bộ trong học tập của các cháu không thể trông chờ được vào đâu ngoài chính các cô mà gia đình các cháu đã gửi gắm. Nhưng về phía giáo viên, làm thế nào để vẫn thực hiện được chủ trương, mà lại có sự thoải mái, đạt được mong muốn là các cháu có sự tiến bộ.

“Công việc viết nhận xét của giáo viên, tuy rằng vất vả, mất thời gian, nhưng nếu chịu khó “gia công” một chút phần nào đó sẽ mang lại được sự thoải mái, vui vẻ cho cả hai phía thầy và trò”. – PGS Hiệp nhấn mạnh nghệ thuật nhận xét của giáo viên.

Giải thích rõ hơn thế nào là nghệ thuật nhận xét của người giáo viên, PGS Hiệp cho biết: “Thay vì những nhận xét khô khan, nặng nề, cứng nhắc, trong lời phê nên có cả tình cảm, sự động viên, khuyến khích để giảm thiểu tâm lý bị “chê” của học sinh”.

PGS Hiệp lấy thí dụ: “Chú ý hơn chút nữa là con sẽ làm được tốt đấy”; “Lần sau con nhớ khắc phục lỗi này nhé”; “Cô tin rằng lỗi này con sẽ không mắc phải ở bài sau nữa”; “Bài này con đã có tiến bộ hơn rồi đấy ! Cố lên !” …

“Chắc là hôm qua con và bạn A (hoặc B, hoặc C) mải nói chuyện chưa nghe cô nên mới có lỗi này đây mà !” Cách nhận xét này là trong trường hợp phải chắc chắn rằng học sinh đó có nói chuyện riêng; có cùng lỗi giống với bài làm của bạn kia. Kiểu phê này có cái lợi là học sinh sẽ thấy mình được “chia sẻ” lỗi, nhưng chính vì thế mà cũng nên hạn chế). Một lời phê được cân nhắc kỹ, thì lỗi vẫn là lỗi, học sinh vẫn phải sửa, nhưng tâm lí sẽ nhẹ nhàng hơn”.

Với việc chỉ bằng nhận xét kiểu định tính như vậy liệu có dẫn đến sự thiên vị hay không? PGS.TS Đào Duy Hiệp cho rằng: “Người giáo viên phải luôn đảm bảo sự công bằng công khai giữa các học sinh, có lỗi thì nhắc nhở, có tiến bộ thì khen. Tâm lí học sinh sẽ rất nặng nề khi thấy bị đối xử bất công. Từ đó sẽ nảy sinh những hệ lụy khôn lường. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là cách ứng xử của người giáo viên làm sao phải thật khách quan. Ngược lại, sẽ gây bất lợi cho chính người đứng bục”.

PGS.TS Đào Duy Hiệp lưu ý nên có sự phối hợp sát sao giữa nhà trường với các cô giáo; các cô cũng báo cáo thường xuyên với Ban giám hiệu những trường hợp các em chậm tiếp thu, hoặc chưa chăm ngoan có thể do hoàn cảnh gia đình, hoặc do một nguyên nhân nào đó. Như vậy, sẽ có sự phối hợp cùng giải quyết được các vướng mắc.

Cho rằng các cuộc họp phụ huynh đầu năm và cuối năm học mang tính hình thức nhiều, PGS Hiệp cho rằng cần tăng cường các cuộc họp theo nhiều hình thức khác nhau.

“Giáo viên và phụ huynh có thể trao đổi qua điện thoại hoặc có thể gửi phiếu đánh giá, nhận xét qua địa chỉ thư điện tử thay vì gặp trực tiếp mất thời gian, phiền hà hoặc đưa nhận xét cho các cháu mang về xin ý kiến và chữ kí của phụ huynh (lưu ý là các cô nên xin mẫu chữ kí của phụ huynh trong buổi họp đầu năm).

Từ đó sẽ hình thành nên sự phối hợp giáo dục các cháu từ ba phía: Nhà Trường – Cô giáo – Gia đình, trong đó vai trò cầu nối và quan trọng nhất là các cô giáo, những người thường xuyên dạy dỗ, hiểu tâm tính, khả năng của các cháu”.

Cuối cùng, PGS.TS Đào Duy Hiệp nhấn mạnh, dù đổi mới theo hướng nào thì cũng vì sự tiến bộ, giỏi giang, ngoan ngoãn của các cháu - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Hồng Nhung