Lớp 1 học bộ sách này, lớp 2 học bộ sách kia sẽ thế nào?

25/03/2021 06:47
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi mạch tiếp cận không còn xuyên suốt, chắc chắn sẽ gây xáo trộn rất lớn cho học sinh và đặc biệt là giáo viên giảng dạy.

Năm học 2020-2021, lớp 1 có 5 bộ sách giáo khoa. Thế nhưng qua năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa. Với sự “biến mất” của 2 bộ sách Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục sẽ có những trường, học sinh học 2 năm 2 bộ sách khác nhau.

Lớp 2 chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa (ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: NXBGDVN)

Lớp 2 chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa (ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: NXBGDVN)

Cùng với đó, chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 2 và lớp 6 năm học này sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm, không phải do nhà trường như năm học trước.

Bởi thế, đôi khi chỉ có một bộ sách giáo khoa dùng chung cho học sinh toàn tỉnh. Điều này, cũng sẽ dẫn đến việc học sinh lớp 1 học bộ sách này nhưng lên lớp 2 rất có thể sẽ phải học bộ sách khác.

Ví như, học sinh lớp 1 đã học bộ sách Cánh Diều nhưng lên lớp 2 tỉnh lại chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Hay như học sinh lớp 1 đã học sách Chân trời sáng tạo nhưng qua lớp 2 lại học bộ sách Cánh Diều.

Lớp 1 học bộ sách này, lớp 2 lại học bộ sách khác sẽ thế nào đây?

Có người lạc quan cho rằng: sách giáo nào cũng bám theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cùng chung mục tiêu nên dù có sự thay đổi cũng không khó khăn gì.

Dù quan điểm, triết lý của mỗi nhóm tác giả có thể khác nhau, nhưng vẫn phải hướng đến mục tiêu là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở mỗi bậc học, lớp học, môn học.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những giáo viên hiện đang trực tiếp giảng dạy học sinh bậc tiểu học và cũng đã có đọc, tìm hiểu về những bộ sách giáo khoa lớp 1, chúng tôi thật sự lo ngại cho việc mỗi năm học sinh phải học một bộ sách giáo khoa khác nhau.

Mỗi năm một bộ sách liệu kiến thức có sự liền mạch?

Sẽ không có gì bằng khi trong một cấp học, học sinh được học chính bộ sách ấy. Ví như lớp 1 đã học sách Kết nối tri thức với cuộc sống, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 cũng sẽ học ngay bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thì chắc chắn chất lượng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Đằng này, lớp 1 học bộ sách này nhưng lớp 2 lại học bộ sách khác. Mỗi bộ sách mạch kiến thức được sắp xếp khác nhau, cách tiếp cận vấn đề cũng khác nhau, không tránh khỏi kiến thức nặng nhẹ khác nhau nên sẽ gây khó cho người học.

Giả sử, lớp 1 đã học bộ sách A. kiến thức khá nặng nhưng qua lớp 2 lại học bộ sách B. kiến thức lại nhẹ hơn. Nhưng vẫn chưa mệt bằng ở lớp 1 học bộ sách C. kiến thức nhẹ nhưng sang lớp 2 lại học bộ sách D. kiến thức quá nặng sẽ rất vất vả cho cả thầy và trò.

Ví như, có bộ sách mới chỉ tuần 4 học sinh đã phải viết chữ hoa, tuần 15 các em đã được nghe viết chính tả. Hết học kỳ 1, học sinh đã đọc thông, viết thạo một đoạn văn bản khá dài.

Thế nhưng với những bộ sách khác thì kỹ năng này phải qua học kỳ 2 học sinh mới có được là do kiến thức được giảng dạy trong bộ sách ấy nhẹ hơn những bộ sách còn lại.

Chúng tôi cho rằng, các bộ sách đều thể hiện tinh thần chung của chương trình mới, đều đảm bảo đúng mục tiêu của chương trình đề ra nhưng mỗi nhóm tác giả sẽ có một cách triển khai, sắp xếp các mạch kiến thức khác nhau.

Khi mạch tiếp cận không còn xuyên suốt, chắc chắn sẽ gây xáo trộn rất lớn cho học sinh và đặc biệt là giáo viên giảng dạy.

Trò chuyện với một Giáo sư, Tiến sĩ cũng là chủ biên một bộ sách giáo khoa (đề nghị không nêu tên), thầy cũng khẳng định rằng nếu học sinh được học một bộ sách sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu trước đây chọn nhầm (chọn sách lớp 1) thì nay phải chọn lại. Thầy còn ví von như chọn nhầm vợ (chồng) chẳng lẽ lại chịu đựng suốt đời?

Mong rằng người chọn sách sẽ công tâm và chọn đúng để học sinh được học thống nhất một bộ sách tránh kiểu năm nay sách này, năm sau lại sách khác làm xao động tâm lý, khó khăn cho việc tiếp cận cách kiến thức cho người học và cả người dạy.

Phan Tuyết