Maria Ozawa, Chí Phèo và… đạo đức

27/04/2013 15:17
Đào Tuấn
(GDVN) - Thật oan ức cho Chí Phèo. Với những “nhà đạo đức”, anh ta muôn đời chỉ là một con thú rạch mặt ăn vạ...

3 tuần trước, dư luận Indonesia đã sốc nặng khi hình ảnh “Nữ hoàng phim sex” Maria Ozawa được đưa vào sách giáo khoa thực hành tiếng Anh dành cho học sinh trung học.
Ozawa xuất hiện trong tư thế rõ mặt, mỉm cười, áo… một dây và bờ vai để hở. Thông điệp của các nhà giáo dục muốn gửi tới học sinh qua bức hình của cô là: “Nhìn để liên tưởng và hình dung”.
“Liên tưởng và hình dung” là sao? Là nhìn hình ảnh của cô, người mà ai-cũng-biết-là-ai-đó, học sinh “đủ biết cô ấy là ai và đã làm công việc như thế nào”.

Hình ảnh Maria Ozawa trong sách ở Indonesia.
Hình ảnh Maria Ozawa trong sách ở Indonesia.

Cũng lạ, 75% dân số Hồi giáo, nơi phụ nữ tự giam cầm bản thân trong những chiếc áo kín mít tóc tai, nơi mà Chính phủ thậm chí ra những mệnh lệnh hành chính kiểu “cấm phụ nữ mặc váy ngắn”, ấy thế mà các nhà giáo dục vẫn quyết đưa một ngôi sao phim khiêu dâm vào sách để giáo dục về sự liên tưởng và hình dung.
Maria Ozawa là một tên tuổi nổi tiếng trên toàn thế giới, với tư cách là một ngôi sao “phim chăn nuôi”. Và những người Indonesia vốn chẳng lạ gì cô.
Nhớ hồi 2009, Ozawa được mời tham gia bộ phim Kidnapping Miyabi (Bắt cóc Miyabi), một bộ phim nghệ thuật lành mạnh, và vai diễn của cô là nữ sinh trong sáng Miyabi, khán giả Indonesia đã phản đối mạnh mẽ đến nối Maxima Pictures phải hủy kế hoạch quay phim tại Indo.
Đại diện một tổ chức đạo Hồi tại Indonesia thậm chí giải thích, việc để một ngôi sao phim cấp ba như Maria Ozawa đặt chân tới Indonesia sẽ làm hỏng hình ảnh quốc gia của họ. “Chúng tôi không ủng hộ cô ấy, dù cô ấy có tiếp tục khỏa thân hay không”.
Maria trước đó đã tuyên bố ngừng đóng phim “cấp 3”. Nhưng quá khứ là cái gì đó dường như khó tẩy rửa. Đại khái, nhiều người tin rằng người đã từng lột đồ đóng “phim chăn nuôi” thì dứt khoát là hư hỏng, không thể “hoàn lương”, ngay cả khi cô nói đã đoạn tuyệt với quá khứ.
Một câu hỏi thú vị xin được đặt ra, giả sử một ngày nào đó các nhà làm sách giáo khoa quyết định đưa Ozawa vào sách giáo dục công dân (trong chủ đề về “sự hoàn lương” chẳng hạn), thì ở ta, chuyện gì sẽ xảy ra? Và thái độ của bạn đối với hình ảnh Ozawa mà bọn trẻ con sẽ “hình dung và liên tưởng” sẽ như thế nào?
Phản đối, chắc chắn thế!
Nhưng thưa các bạn, phải chăng trong sự phản đối đó, chúng ta đang mặc nhiên cho rằng tất cả những gì liên quan đến sex, một trong những nhu cầu rất “nhân bản”, như cơm ăn nước uống, đều là xấu, mà quên rằng đánh giá một con người quan trọng nhất là phải nhìn vào nhân phẩm của họ.
Có một câu chuyện sốc chẳng kém khác cũng về diễn viên phim khiêu dâm. Trong một talkshow với các nữ diễn viên phim xxx (tất nhiên ở phương Tây), MC bất ngờ đề nghị 2 khách mời: “Cởi đồ trong phim có lẽ cũng không khác gì cởi đồ trên truyền hình. Các cô có dám cởi hết hay không”? Không ngần ngại, vài động tác, hai cô gái không còn mảnh vải nào trên người. Đến lúc đó, một cô mới nói: “Đừng nhìn chúng tôi như những kẻ tội phạm. Nhân phẩm của chúng tôi ở chỗ khác, còn ở đây chúng tôi đang làm nghề. Chúng tôi coi đây là một nghề”! Cả MC và người nghe tại khán phòng chết lặng…
Có một điều thú vị là chuyện về Ozawa và chuyện về… Chí Phèo có một điểm chung: Về thái độ ứng xử.
Nhớ lại năm ngoái, khi đạo đức được đóng khung trong vẻ đạo mạo mặc vest thắt cà-vạt, các nhà giáo dục của chúng ta quyết đưa “sự kiện vườn chuối” (trong Chí Phèo, một tác phẩm được xem là kiệt tác) ra khỏi sách giáo khoa. Trả lời báo chí, một vị Giáo sư, đồng chủ biên SGK phát biểu: “Đối với trẻ con, không nên đưa những dẫn chứng quá tỉ mỉ về chuyện đó. Nó không có lợi về mặt giáo dục”.

Chí Phèo và bát cháo hành của Thị Nở.
Chí Phèo và bát cháo hành của Thị Nở.


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết: “Lúc cưỡng dâm Thị Nở, Chí Phèo vẫn là một con vật, sau hành động tính giao ấy Chí mới trở lại là người”. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy thì nói chính đoạn tả cảnh yêu đương trên “đã dẫn đến bước ngoặt về nhận thức của Chí Phèo”, bởi nó “Không phải là vấn đề tính dục thông thường, không phải là kiểu tả tính dục để hấp dẫn người đọc”. “Việc cắt bỏ đoạn này chính là cắt bỏ chỗ hay nhất, tài nhất của tác giả” - ông Thúy nói. Còn một người khác, đã so sánh, tuyệt hay, rằng “cắt sự kiện vườn chuối, Chí Phèo như bị thiến”.
Thật oan ức cho Chí Phèo. Với những “nhà đạo đức”, anh ta muôn đời chỉ là một con thú rạch mặt ăn vạ.
SGK là một thứ khuôn mẫu, một thứ giấy bút để vẽ vào những tờ giấy trắng tâm hồn, tất nhiên rất cần chọn lọc. Nhưng nếu như SGK suốt ngày giãy nảy, bài trừ với tất cả những gì liên quan đến “chuyện đó” thì hẳn nhiên kết quả là tạo ra một lũ “gà công nghiệp”, thậm chí đến lúc đẻ con, ngay trên lớp, mới biết là mình đã mang bầu.
Chúng ta phải lựa chọn thôi. Giữa một bên là một thực tế đời sống, không cần nói cũng biết đang diễn ra thế nào - cần được điều chỉnh bằng giáo dục. Và một bên là: “Ozawa à? Chí Phèo ư? Cắt ngay, không nói nhiều”!
Bạn muốn gọi là gì thì gọi, tôi thì cho đó là thứ đạo đức cổ cồn trắng nhắm mắt bịt tai trước thực tế.
Đào Tuấn