Mong sách giáo khoa trả lại tên Biệt động Sài Gòn

14/02/2018 08:09
Tùng Sơn
(GDVN) - Sách Lịch sử của cả ba cấp học đã quên các anh chiến sĩ của đội quân "Biệt động Sài Gòn" mà cứ viết chung chung là quân giải phóng.

LTS: Sau khi sách giáo khoa Lịch sử của cả ba cấp học đã quên tên "Biệt động Sài Gòn", với hi vọng sách lịch sử chương trình 2020 tới đây sẽ không quên các anh - Những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, tác giả Tùng Sơn đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Đêm mồng Một Tết của 50 năm trước, xuân Mậu Thân 1968, các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã dội bão lửa xuống đầu giặc Mỹ tạo nên sấm sét đêm giao thừa.

Vậy mà Sách Lịch sử của cả ba cấp học đã quên các anh và cứ viết chung chung là quân giải phóng. Rất mong sách giáo khoa chương trình mới trả lại tên cho các anh.

Sách Lịch sử của cả ba cấp học đã quên tên "Biệt động Sài Gòn" (Ảnh: tác giả cung cấp).
Sách Lịch sử của cả ba cấp học đã quên tên "Biệt động Sài Gòn" (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sách giáo khoa cả ba cấp học quên Biệt động Sài Gòn 

Bài “Sấm sét đêm giao thừa”, sách giáo khoa Lịch sử 5 viết: "Đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, khi mọi người đang chuẩn bị đón giao thừa thì tại các địa điểm bí mật trong thành phố Sài Gòn, các chiến sĩ quân giải phóng lặng lẽ xuất kích...

Trận đánh của quân giải phóng vào Sứ quán Mỹ đã làm cho những kẻ đứng đầu Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và cả thế giới phải sửng sốt...”.

Như vậy, toàn bài học, sách giáo khoa Lịch sử 5 không hề nói đến "Biệt động Sài Gòn", lực lượng đã làm nên "Sấm sét đêm giao thừa".

Hình ảnh trong sách Lịch sử lớp 5 không phải hình ảnh Biệt động Sài Gòn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Hình ảnh trong sách Lịch sử lớp 5 không phải hình ảnh Biệt động Sài Gòn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 cũng vậy, trong bài 29: "Cả nước trực tiếp chiến đấu chống Mĩ, cứu nước (1965-1973)" có mục 3 "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968)" khái quát toàn bộ cuộc tổng tiến công trên toàn chiến trường.

Khi nói đến các trận đánh ở Sài Gòn (Tâm điểm chính của dư luận thế giới lúc đó), trang 146 của sách viết vài dòng như sau:

"Tại Sài Gòn, quân giải phóng tiến công đến tận các vị trí đầu não của địch như tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất ...".

Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 hiện hành của Nhà xuất bản Giáo dục cũng vậy. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 là một ý nhỏ trong bài 22 "Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965 - 1973)”.

Tại mục 3 của bài là "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" sách viết: "Tại Sài Gòn, Quân giải phóng tiến công các vị trí đầu não của địch như Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất...".

Như vậy là, ở cả ba cấp học, sách giáo khoa hình như cố ý né tránh cụm từ “Biệt động Sài Gòn”.

Hãy trả lại tên cho các anh!

Tất cả người Việt Nam chúng ta đều công nhận trận đánh đêm giao thừa Mậu Thân 1968 tại tòa đại sứ Mỹ và một số mục tiêu khác là của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Vậy thì tại sao sách giáo khoa Lịch sử các cấp lại cứ né tránh từ ngữ này?

Sự lãng quên của sách khiến sau này các thế hệ học sinh phai mờ dấu ấn về các anh hùng biệt động năm ấy.

Chính người chỉ huy Biệt động Sài Gòn là Đại tá Tư Chu đã viết cuốn sách “Biệt động Sài Gòn” (Nhà xuất bản Trẻ 1997), trang 198 của sách đồng chí Tư Chu viết:

Như vậy, chỉ có năm đội chiến đấu... Năm đội biệt động với tổng số 88 đồng chí trực tiếp cầm súng đã đơn độc chiến đấu trong lòng địch.

Với số lượng ít ỏi, vũ khí bộ binh nhẹ, phải đánh trả máy bay, thiết giáp, pháo binh và chống chọi với một số quân nhiều gấp mấy chục lần. Vậy mà anh em vẫn ngoan cường bám trụ, đánh đến viên đạn cuối cùng...".

Chân dung một số chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuốn sách của đại tá Tư Chu (Ảnh: tác giả cung cấp).
Chân dung một số chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuốn sách của đại tá Tư Chu (Ảnh: tác giả cung cấp).

Và hôm nay, còn nhiều nhân chứng sống là những cựu binh Biệt động Sài Gòn... có thể xác nhận những người gieo “Sấm sét đêm giao thừa” xuống đầu giặc Mỹ tết Mậu Thân 1968 là các chiến sĩ biệt động chứ không phải là lực lượng bộ đội chính quy của quân giải phóng.

Nếu dạy theo các sách giáo khoa của ba cấp học hiện hành thì học sinh sẽ hiểu chưa đúng về sự thật lịch sử .

Mùa xuân này, chúng ta kỉ niệm 50 năm Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Qua bài viết này, tôi hi vọng sách lịch sử chương trình 2020 tới đây sẽ không quên các anh - Những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn quả cảm đã góp phần tạo nên bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Hãy trả lại tên cho các anh!

Tùng Sơn