Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay không chỉ là một đề thi để đánh giá năng lực học sinh mà còn là một tài liệu tham khảo quý giá để các thầy cô giáo học hỏi và áp dụng vào việc ra đề kiểm tra tại trường. Đặc biệt, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án, giáo viên dạy Ngữ văn có thể học hỏi được rất nhiều từ đề thi, đáp án môn Ngữ văn.


Hình thức đề thi ngắn gọn, ngữ liệu chọn lọc
Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2025 đã thể hiện sự tinh tế ngay từ khâu lựa chọn ngữ liệu. Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, ngữ liệu được đưa ra là một đoạn trích từ truyện ngắn “Những vùng trời khác nhau” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Điểm đáng chú ý là độ dài của ngữ liệu chỉ chiếm gần một mặt giấy A4, tạo sự vừa vặn, không gây áp lực về thời gian đọc cho thí sinh.
Bên cạnh đó, đề thi còn thể hiện sự tường minh trong việc cung cấp thông tin. Các chú thích đầy đủ về nội dung văn bản, cùng với việc ghi nguồn rõ ràng (tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang số) thể hiện sự chuẩn mực trong việc trích dẫn nguồn tài liệu.
Điều này rất quan trọng trong bối cảnh đề cao sự tôn trọng bản quyền và tính chính xác của thông tin. Giáo viên có thể học tập cách trình bày này để đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy cho các đề kiểm tra của mình.
Tác giả và tác phẩm tiêu biểu cho một giai đoạn văn học
Một trong những yếu tố làm nên chất lượng của đề thi là việc lựa chọn tác giả và tác phẩm có giá trị. Nguyễn Minh Châu và Chế Lan Viên, hai tên tuổi được nhắc đến trong đề thi, đều là những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu, có sức ảnh hưởng lớn đến nền văn học Việt Nam hiện đại.
Việc đưa các tác phẩm của họ vào đề thi không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của họ mà còn giúp thí sinh tiếp cận với những đỉnh cao nghệ thuật văn chương.
Đáng chú ý, nội dung các văn bản như “Những vùng trời khác nhau” (Nguyễn Minh Châu) và “Tiếng hát con tàu” (Chế Lan Viên) được nhiều giáo viên đánh giá là có giá trị thẩm mĩ và mang tính giáo dục cao.
Những tác phẩm này không chỉ khơi gợi cảm xúc, tư duy nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về cuộc sống, con người.
Ví dụ, qua hai câu thơ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”, nhà thơ Chế Lan Viên đã chiêm nghiệm thành triết lí: Chính tâm hồn con người với biết bao gắn bó đã biến đất đai vô tri, tên địa danh vô cảm thành không gian thiêng liêng, thành miền nhớ đầy xúc cảm, nơi lưu giữ kỉ niệm hay những mảnh tâm hồn.
Có thể khẳng định, việc lựa chọn ngữ liệu là cực kỳ quan trọng, bởi lẽ một đề thi tốt không chỉ đánh giá kiến thức mà còn phải khơi gợi được sự đồng cảm và khả năng vận dụng tri thức vào việc lý giải các vấn đề xã hội, cuộc sống của thí sinh.
Vì vậy, giáo viên cần cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố này khi chọn ngữ liệu cho đề kiểm tra, đảm bảo rằng ngữ liệu vừa có tính học thuật vừa gần gũi với tâm lí lứa tuổi và nhận thức của học sinh phổ thông.
Câu hỏi và câu lệnh ngắn gọn, rõ ràng
Một điểm cộng lớn của đề thi Ngữ văn năm nay là cách đặt câu hỏi và câu lệnh ngắn gọn, rõ ràng. Từ phần Đọc hiểu đến phần Viết (đoạn văn nghị luận văn học, bài văn nghị luận xã hội), các câu hỏi được trình bày súc tích, dễ hiểu.
Ví dụ, “Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tình cảm của Lê dành cho Sơn trong văn bản ở phần Đọc hiểu.”
Khi đề bài được diễn đạt một cách mạch lạc, thí sinh có thể nhanh chóng nắm bắt yêu cầu, hiểu đúng trọng tâm và tránh được tình trạng lạc đề.
Trong thực tế giảng dạy, không ít lần học sinh gặp khó khăn trong việc hiểu ý đồ của đề bài do câu hỏi quá dài, phức tạp hoặc mơ hồ. Đề thi tốt nghiệp năm nay đã khắc phục được nhược điểm đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh thể hiện năng lực của mình.
Đề thi xuyên suốt một chủ đề
Điểm đặc biệt và mang tính đột phá của đề thi Ngữ văn năm nay chính là việc xây dựng đề thi xuyên suốt một chủ đề. Sự liên kết chặt chẽ này từ phần Đọc hiểu đến phần Viết mang lại nhiều ưu điểm như sau.
Thứ nhất, đảm bảo tính thống nhất và mạch lạc của đề thi. Khi các câu hỏi xoay quanh một chủ đề chung, đề thi trở nên có hệ thống và logic, giúp thí sinh dễ dàng kết nối các ý tưởng và phát triển bài làm.
Thứ hai, phát huy năng lực đọc hiểu và tư duy sâu sắc. Thí sinh không chỉ đơn thuần đọc hiểu một văn bản văn học (truyện ngắn) mà còn phải tư duy, liên hệ, mở rộng từ ngữ liệu đã cho sang các vấn đề khác (nghị luận văn học, nghị luận xã hội) trong cùng chủ đề.
Thứ ba, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Khi chủ đề được lựa chọn có tính thời sự, cụ thể “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”, thí sinh được rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức văn học, các vấn đề xã hội vào việc phân tích và giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.
Thứ tư, đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh. Với một đề thi xuyên suốt chủ đề, giáo viên đánh giá được kiến thức và kỹ năng đọc hiểu, tư duy phân tích, tổng hợp và khả năng trình bày vấn đề của thí sinh.
Tóm lại, đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm nay là một cẩm nang thực tiễn cho giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông tham khảo để xây dựng đề kiểm tra thường xuyên/định kì, đề thi tuyển sinh vào lớp 10, đề thi học sinh giỏi văn hoá.
Hơn nữa, việc học tập cấu trúc và nội dung đề thi giúp giáo viên nâng cao chất lượng trong việc ra đề kiểm tra. Từ đó định hướng và phát triển toàn diện năng lực đọc hiểu, tư duy phản biện và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.