Một chương trình, nhiều bộ sách có thực chất?

14/12/2019 07:40
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Chọn sách năm học 2020 – 2021 là tiền đề cho các năm sau, vì thế cần sự khách quan, minh bạch cho quy trình.

Trên thế giới, xu thế một chương trình, nhiều bộ sách đã được thực hiện cách đây cả …thế kỷ.

Một chương trình, nhiều bộ sách không phải không có điểm yếu, nhưng nếu thực hiện tốt, nó sẽ có nhiều điểm tốt; các nước có nền kinh tế xã hội phát triển đã chứng minh tính ưu việt của mô hình này.

Ưu việt lớn nhất của mô hình này là nhà nước không mất tiền soạn sách giáo khoa; người học, người dạy chọn được bộ sách tốt nhất cho mình; các nhà xuất bản, biên soạn sách phải soạn ra bộ sách tốt nhất mới tồn tại và phát triển được.

Với Việt Nam, lần cải cách giáo dục này, một chương trình, nhiều bộ sách đã được xã hội kì vọng; giáo dục sẽ thay đổi, đem lại thay đổi cho xã hội.

Thực tế, rất nhiều người đặt câu hỏi: Một chương trình, nhiều bộ sách có của chúng ta có thực chất?

Nghi ngại đó có cơ sở không? Hoàn toàn có đủ lý do để có nghi ngại này.

Giáo viên tìm hiểu bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành. (Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Giải phóng)
Giáo viên tìm hiểu bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn và phát hành. (Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Giải phóng)

Quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa minh bạch chưa?

Để có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, cơ quan quản lý giáo dục chỉ có nhiệm vụ xây dựng chương trình và thẩm định sách giáo khoa; thế nhưng thực tế ở Việt Nam không phải vậy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự án vay 16 triệu USD để viết bộ sách giáo khoa, như vậy ngay từ đầu khởi điểm “đã có vấn đề” về biên soạn sách giáo khoa.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức là những người thẩm định sách giáo khoa có mối quan hệ với người viết sách giáo khoa; nói cách khác một người đóng hai vai, vừa viết sách vừa thẩm định, vừa đá bóng vừa thổi còi.  

Tình trạng này có thể nảy sinh “lợi ích nhóm”, sẽ có “sự thông đồng” giữa nhà xuất bản với người thẩm định.

Dư luận đang xôn xao việc lãnh đạo, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nhận tiền “trợ cấp” hàng tháng từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, liệu có hay không việc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chi phối, tác động các trường chọn bộ sách mà họ tham gia chỉ đạo biên soạn?

Dù rằng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh - Nguyễn Văn Hiếu đã nói:

"Chúng ta phải tin vào hiệu trưởng, tin vào giáo viên, phụ huynh khi họ chọn sách. Lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và các phòng chuyên môn của sở không hề và cũng không bao giờ có ý định áp đặt, chi phối các trường chọn sách".

Những thẩm định viên sách giáo khoa... bất đắc dĩ!
Những thẩm định viên sách giáo khoa... bất đắc dĩ!

Trên hô, dưới ủng là “thói quen” trong ngành giáo dục, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nếu có tác động đến cơ sở trong việc chọn sách lớp 1 năm học 2020 - 2021, mô hình một chương trình nhiều bộ sách, khó thành thực chất.

Năm học 2021 – 2022, Luật Giáo dục mới có hiệu lực, việc chọn sách nào thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, lúc đó tính đa dạng, tính chọn lọc của thị trường lên từng bộ sách càng thu hẹp.

Làm sao để một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa thực chất, phát huy được hết tính ưu việt?

Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ quan trọng nhất là: Biên soạn chương trình giáo dục, thẩm định sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo tuyệt đối không biên soạn sách giáo khoa, ngân sách không chi cho việc biên soạn sách giáo khoa.

Sách giáo khoa phải xã hội hóa, do các nhà xuất bản, nhà giáo dục biên soạn. Nội dung sách giáo khoa phải công khai, minh bạch (Vấn đề bản quyền đã có pháp luật bảo trợ); mọi thành phần của xã hội đều có quyền tiếp cận sách giáo khoa và phản biện.

Sách giáo khoa tốt, nhiều người dùng và ngược lại; chỉ có người dạy, người học biết rõ nhất, vì thế vai trò chọn sách giáo khoa phải ưu tiên giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Vì vậy để phát huy hết tính ưu việt của một chương trình nhiều bộ sách khác nhau, các cơ sở giáo dục phải phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm trong chọn sách cho năm học mới.

Cần gấp rút trang bị sách mẫu cho các trường; các trường phân công giáo viên đọc và lựa chọn; có chế độ giảm giờ dạy hay tăng tiết cho giáo viên đọc, chọn sách.

Chọn sách năm học 2020 – 2021 là tiền đề cho các năm sau, vì thế cần sự khách quan, minh bạch cho quy trình. Có như thế mới phát huy hết tính ưu việt một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.  

Tài liệu tham khảo:

1. news.zing.vn/so-gd-dt-tphcm-noi-xung-dang-nhan-tien-thu-lao-tu-nxb-giao-duc-post1022127.html

Sơn Quang Huyến