Một đề kiểm tra Ngữ văn nhiều sạn

10/03/2020 06:46
Bài, ảnh: Cao Nguyên
(GDVN) - Nếu giáo viên ra đề kiểm tra thiếu cẩn trọng trong việc chọn lọc ngữ liệu thì có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, thái quá và rõ ràng là phản tác dụng.

Đề kiểm tra bắt theo hướng Covid-19

Vừa qua, một trường trung học phổ thông (xin không nêu tên) ở phía Bắc ra đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ văn lớp 11 bắt trend (xu hướng, xu thế) Covid-19 nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người.

Theo đó, đề kiểm tra cho ngữ liệu lời bài hát Ghen Cô Vy (Khắc Hưng) và yêu cầu học sinh trả lời 4 câu hỏi.

Câu 1. Lời bài hát trên được viết theo thể thơ nào? (1 điểm)

Câu 2. Bài hát trên viết về virus Corona, anh chị hiểu gì về loại virus này? (3 điểm)

Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật trong đoạn sau (3 điểm):

Từng y bác sĩ luôn luôn hết lòng

Từng người công nhân hay dân văn phòng

Người dân nơi đâu cũng luôn sẵn lòng

Việt Nam ta quyết thắng bệnh dịch, thắng bệnh dịch

Câu 4. Anh/chị hãy nêu suy nghĩ về thông điệp của tác giả Khắc Hưng qua bài hát này? (3 điểm)

Đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ văn lớp 11 "bắt trend" Covid-19 nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người.
Đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ văn lớp 11 "bắt trend" Covid-19 nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người.

Nhiều giáo viên sau khi xem đề kiểm tra đều có chung nhận xét, đề lạm dụng thời sự, nội dung câu hỏi có quá nhiều sai sót.

Nội dung câu hỏi nhiều sai sót!

Chúng tôi nhận thấy, ý kiến của giáo viên bình luận về đề kiểm tra Ngữ văn hoàn toàn có lí.

Nhằm giúp đồng nghiệp và bạn đọc có thêm một nguồn tài liệu tham khảo, chúng tôi xin phân tích những sai sót, bất cập của đề kiểm tra này như sau.

Thứ nhất, về hình thức, ngữ liệu cho quá dài (lời bài hát có 40 câu diễn đạt theo hình thức của một bài thơ) khiến học sinh gặp khó khăn trong việc đọc hiểu (cho dù đề làm ở nhà).

Bên cạnh đó, lời bài hát viết hoa tùy tiện Ghen Cô Vy, lẽ ra phải là Ghen cô Vy (không viết hoa chữ “cô”).

Ngoài ra, thành phần điểm giữa 4 câu cũng bất hợp lí vì không phù hợp với ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Thứ hai, về nội dung, hệ thống 4 câu hỏi không được sắp xếp theo ma trận; nội dung câu hỏi còn nhiều khiên cưỡng, bất cập, kể cả sai lạc.

Cụ thể, Câu 1. Lời bài hát trên được viết theo thể thơ nào?, là một câu hỏi khiên cưỡng, bởi lời bài hát Ghen cô Vy không phải là một bài thơ (khác với thơ phổ nhạc).

Vì câu hỏi áp đặt nên học sinh có thể trả lời cho có là thể thơ tự do (đa số), và giáo viên cũng không thể dựa vào đáp án để chấm điểm cho câu này.

Câu 2. Bài hát trên viết về virus Corona, anh chị hiểu gì về loại virus này?, có hai cái sai khó có thể chấp nhận được.

Cái sai thứ nhất, câu hỏi này không phải ở dạng thông hiểu. Còn cái sai thứ hai là, giáo viên đã biến đa số học sinh thành chuyên gia y khoa chuyên ngành.

Học sinh thì làm sao có thể hiểu được virus Corona? Kể cả giáo viên có hiểu được cặn kẽ không?

Đến thời điểm này, giới khoa học cũng chưa có kết luận chính thức về chủng virus Corona - thậm chí còn những tranh cãi, thì học sinh biết gì mà trả lời?

Giả sử học sinh chỉ trả lời một cách chung chung là, “loại virus này rất nguy hiểm, có thể gây tử vong” thì giáo viên dựa vào đâu để cho điểm?

Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật trong đoạn sau: Từng y bác sĩ luôn luôn hết lòng/Từng người công nhân hay dân văn phòng/Người dân nơi đâu cũng luôn sẵn lòng/Việt Nam ta quyết thắng bệnh dịch, thắng bệnh dịch,sử dụng thuật ngữ khoa học chưa chính xác.

Trong chương trình Ngữ văn từ bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông, học sinh chỉ được học một số biện pháp tu từ, cho nên hỏi “biện pháp nghệ thuật” là nhầm lẫn.

“Tu từ: Thuộc về tu từ học, có tính chất của tu từ học – những thuộc tính biểu cảm của các phương tiện ngôn ngữ để sử dụng làm cho lời văn hay hơn, đẹp hơn.” (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018)

Giới hạn nào cho việc ra đề mở?

Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy?
Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy?

Khách quan mà nói, cách ra đề lồng ghép các vấn đề thời sự nhằm góp phần đổi mới việc dạy và học văn ở nhà trường hiện nay.

Đề “bắt trend” khiến học sinh thích thú vì phù hợp với tâm lí lứa tuổi, giúp các em thỏa sức sáng tạo trong suy nghĩ, bày tỏ quan điểm, đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực.

Giáo viên chấm bài vì thế cũng đỡ nhàm chán với những đề ra khuôn mẫu, quy củ đã tồn tại từ trước đến nay.

Tuy nhiên, một đề kiểm tra chuẩn là phải phù hợp với năng lực đọc hiểu của học sinh, có tính thẩm mỹ, giáo dục và phân hóa tốt theo từng đối tượng.

Rõ ràng, đề kiểm tra như trên đề cập đến một vấn đề quá tầm hiểu biết đối với học sinh, kể cả người lớn.

Theo chúng tôi, bài hát Ghen cô Vy sở dĩ nổi tiếng cả trong nước và ngoài nước bởi giai điệu lạ, phù hợp với nhiều đối tượng tiếp nhận và đề cập đến một vấn đề thời sự rất nóng được cả thế giới quan tâm, đó là dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Lời bài hát cũng không mang vẻ đẹp ngôn ngữ mà chủ yếu là cổ động, tuyên truyền tạo thêm sự lạc quan trong cuộc sống trước đại dịch toàn cầu. Những câu như, Dạo gần đây, có một virus rất hot, Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều là một minh chứng.

Nếu giáo viên ra đề kiểm tra thiếu cẩn trọng trong việc chọn lọc ngữ liệu thì có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, thái quá và rõ ràng là phản tác dụng.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông trên phạm vi cả nước tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên và học kỳ theo đúng các quy định.

Việc ra đề, tổ chức kiểm tra phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp học sinh. Đặc biệt, nghiêm cấm ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá sai quy định, vượt quá yêu cầu của chương trình.

Bài, ảnh: Cao Nguyên