Chương trình tiếng Anh “đua nở”:

Một trường 3-4 chương trình tiếng Anh

10/09/2012 14:58
Hàng loạt chương trình tiếng Anh đang được giảng dạy tại các trường phổ thông. Thế nhưng, mục tiêu từng chương trình như thế nào, hiệu quả ra sao... lại là câu hỏi đang bị bỏ ngỏ.
Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM đang giảng dạy cùng lúc bốn chương trình tiếng Anh. Thứ nhất là chương trình tiếng Anh tăng cường: học sinh học tám tiết/tuần (trong đó có bảy tiết học với giáo viên người VN, học phí 50.000 đồng/tháng/học sinh, một tiết học với giáo viên người nước ngoài với học phí 70.000 đồng/tháng/học sinh). Thứ hai là chương trình tiếng Anh tự chọn: học hai tiết hoặc bốn tiết/tuần, học phí 50.000 đồng hoặc 130.000 đồng/tháng/học sinh (tùy thuộc vào việc nhà trường phối hợp với trung tâm ngoại ngữ nào để giảng dạy), có học với người nước ngoài. Thứ ba là chương trình tiếng Anh theo đề án 2020 của Bộ GD-ĐT: học sinh học miễn phí với giáo viên người Việt, nếu học sinh nào có nhu cầu học với giáo viên người nước ngoài thì đóng thêm 70.000 đồng/tháng/học sinh. Và thứ tư là chương trình Cambridge (học tiếng Anh, toán và khoa học bằng tiếng Anh): học sáu tiết/tuần, học phí đóng ba tháng/lần hơn 9 triệu đồng.
Một buổi học tiếng Anh theo chương trình Cambridge của học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Một buổi học tiếng Anh theo chương trình Cambridge của học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Từ trong nước đến nước ngoài

Không riêng gì Trường tiểu học Kỳ Đồng, rất nhiều trường học khác tại TP.HCM đang triển khai cùng lúc nhiều chương trình tiếng Anh. Trong hội nghị tổng kết năm học 2011-2012 bậc giáo dục tiểu học TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã chỉ đạo: “Tất cả các trường đều phải thực hiện ít nhất một chương trình tiếng Anh để học sinh được tiếp cận với tiếng Anh. Trường nào có điều kiện thì thực hiện nhiều chương trình cùng lúc”.

Và trên thực tế, chỉ những trường ngoại thành hoặc trường ở vùng sâu, vùng xa mới gặp khó khăn trong việc triển khai dạy tiếng Anh. Đa số các trường ở nội thành đều đã thực hiện từ 2-4 chương trình.

Ở bậc trung học, nhiều trường đã phát triển thêm các chương trình luyện nghe nói với người nước ngoài, phần mềm nước ngoài. Đơn cử như ở Trường THPT Lương Thế Vinh, với mục tiêu tăng cường khả năng giao tiếp cho học sinh, hiện nay học sinh trường này học 9-18 tiết tiếng Anh/tuần. Trong đó chương trình chính khóa sẽ được dạy trong sáu tiết, cộng thêm ba tiết học phòng lab với phần mềm luyện nghe nói của ĐH Michigan (do giáo viên của trường dạy). Học sinh lớp tiếng Anh tăng cường sẽ học thêm ba tiết giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài (tổng cộng 12 tiết). Những học sinh THCS học chương trình Cambridge và học sinh lớp 10 học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh sẽ học thêm sáu tiết nữa (ngoài chín tiết chung), tổng cộng là 15 tiết. Như vậy, học sinh học tiếng Anh tăng cường sẽ học tối đa 18 tiết/tuần.
Chẳng những thế, theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay 10 trường THPT sẽ tổ chức lớp dạy tiếng Anh các môn toán, lý, hóa, sinh. Không như những chương trình tiếng Anh khác chỉ cần giáo viên tiếng Anh, chương trình này đòi hỏi giáo viên đứng lớp phải đúng chuyên môn và giỏi tiếng Anh.

Lớp Cambridge 28 học sinh, không Cambridge hơn 40

Giải thích về cách thức triển khai các chương trình, bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 - cho biết tất cả chương trình giảng dạy tiếng Anh trong trường đều do phụ huynh tự nguyện đăng ký học. Đặc thù là học sinh vào học ngay từ lớp 1 và không kiểm tra đầu vào nên không biết khả năng học ngoại ngữ như thế nào. Sau một thời gian học, nếu theo không kịp thì có thể chuyển qua lớp khác, học chương trình khác phù hợp với lực học của mình hơn. Bà Lê Thị Ngọc Điệp đưa ví dụ năm học này, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 12/400 học sinh chuyển từ lớp Cambridge ra lớp thường.

Tuy nhiên trên thực tế, các chương trình tiếng Anh còn gắn liền với nhiều ràng buộc khác. “Chỉ những lớp nào học sinh có học tiếng Anh tăng cường thì mới được bán trú. Vợ chồng tôi phải nhờ vả nhiều người mới xin được một suất học tiếng Anh tăng cường chứ không phải dễ. Mục đích chính để con mình được học bán trú thôi, chứ mỗi tuần hai buổi cháu vẫn phải đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ” - chị Nghĩa, một phụ huynh học sinh lớp 2 ở Q.Tân Bình, cho biết.

Chẳng những thế, một phụ huynh có con học chương trình Cambridge tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) thổ lộ: “Nhìn qua lớp thường (tức là không học chương trình Cambridge) tôi “dội” liền, bàn ghế cũ kỹ, phòng học chỉ có quạt mà con mình thì đã quen với máy lạnh. Điều quan trọng nhất là sĩ số học sinh quá đông sẽ khó đạt chất lượng. Lớp Cambridge chỉ có 28 học sinh, bàn ghế, trang thiết bị hiện đại, tiện lợi... trong khi các lớp thường sĩ số hơn 40 học sinh”.

Cảm nhận của phụ huynh trên không phải không có cơ sở, bởi thực tế trường nào muốn thực hiện chương trình Cambridge phải đảm bảo cơ sở vật chất: phòng học máy lạnh, trang thiết bị dạy và học hiện đại, sĩ số dưới 30 học sinh/lớp...Với chương trình tiếng Anh tăng cường, Sở GD-ĐT quy định sĩ số không được quá 40 học sinh/lớp. Còn với chương trình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh theo đề án 2020 thì sĩ số... tùy thuộc vào tình hình phòng ốc của trường. Tại nhiều trường có lớp tiếng Anh tự chọn, sĩ số lên đến 55 học sinh/lớp.

Hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM chia sẻ trong số các chương trình hiện tại, chương trình Cambridge đang được kỳ vọng nhiều nhất. Có phải vì vậy mà đang có sự ưu ái đặc biệt dành cho chương trình này? Và đây có phải là lựa chọn “thời thượng” dành cho phụ huynh?