Năm 2012, thí điểm một số trường tự tuyển sinh

27/10/2011 07:14
Xuân Trung
(GDVN) - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Luật GDĐH (lần 5). Ngày 2/11/2011 Bộ sẽ báo cáo với QH, sau đó QH cho ý kiến và đưa ra thảo luận trong kỳ họp tới.

Chưa thể trao đồng loạt quyền tự chủ

Trong dự thảo lần thứ 5 mà Bộ GD&ĐT dự kiến báo cáo QH  trong tháng 11 này, yếu tố quyền tự chủ sẽ được giải quyết triệt để.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, chưa thể trao ngay quyền tự chủ cho các trường vì năng lực quản lí trong toàn hệ thống các trường không đồng nhất. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, chưa thể trao ngay quyền tự chủ cho các trường vì năng lực quản lí trong toàn hệ thống các trường không đồng nhất. Ảnh Xuân Trung
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, giao quyền tự chủ không thể giao đồng loạt cho các trường. Vì hiện có những trường thành lập lâu, có trường mới thành lập nên năng lực quản lí trong toàn hệ thống các trường không đồng nhất.

“Nếu chúng ta giao quyền tự chủ đồng loạt, trường nào cũng như trường nào sẽ xảy ra sự hỗn loạn trong  toàn hệ thống. Vì vậy, giao quyền tự chủ cần phải căn cứ vào năng lực quản lí của từng trường và cần có một lộ trình cụ thể. Một trong những lộ trình đó là kết quả kiểm định, đây là yếu tố quan trọng cho các cơ quan chức năng căn cứ vào đó để giao quyền tự chủ cho các trường” - Thứ trưởng Ga cho biết.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong luật GDĐH lần này, Ban soạn thảo khẳng định sẽ giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, nhưng chưa ngay lập tức mà cần có bước đi và điều kiện cụ thể. Những trường nào vi phạm quyền tự chủ sẽ bị thu hồi.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Ga, khi Luật GDĐH được thực thi, một trong những quyền tự chủ khác như các trường đại học sẽ được in và và cấp phôi bằng đại học. “Lâu nay các trường phải lấy phôi bằng chung của Bộ, nhưng khi luật GDĐH ban hành sẽ không còn phôi bằng chung nữa mà mỗi trường sẽ có mẫu bằng khác nhau. Các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng phôi bằng mà mình cấp ra” Thứ trưởng Ga khẳng định.

Trong bản Dự thảo lần 5 này có nói tới việc phân tầng giáo dục, theo nhiều chuyên gia, phân tầng trong cơ cấu giáo dục chưa được thể hiện rõ ràng. Ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Phó ban soạn thảo cho biết, phân tầng là phân loại về chất lượng, chất lượng chỉ bảo đảm qua những quá trình hoạt động thực tế. “Muốn đánh giá được chất lượng phải kiểm định được chất lượng và kiểm định được thì phải có những tiêu chí nhất định” ông Thanh nói.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì cho rằng, về lí thuyết có ba loại đại học khác nhau: đại học nghiên cứu, đại học đa ngành đào tạo thiên về ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo nghề. Mục đích có sự phân tầng giáo dục đại học, theo Thứ trưởng Ga là để tập trung đầu tư cũng như xác định cho những mục tiêu của loại hình đào tạo. Ngoài ra, nhà nước ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất cho những trường thiên về đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực cao.

Chủ tịch hội đồng trường sẽ kiêm hiệu trưởng hoặc giám đốc

Đây có lẽ là mấu chốt của mọi vấn đề và liên quan tới quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi trường. Nguyên tắc để trao quyền tự chủ phải có các cơ quan để giám sát. Trong Điều 14 của dự thảo luật có quy định rõ “Hội đồng trường, hội đồng đại học là hiệu trưởng hoặc giám đốc”.
Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet
Trước những băn khoan của dư luận cho rằng, hiệu trưởng hay giám đốc lại kiêm chủ tịch hội đồng trường chẳng khác nào hiệu trưởng thừa quyền lộng hành, muốn làm gì thì làm. Hơn nữa, quy định như vậy không còn ý nghĩa của hội đồng trường. Thực tế, muốn tự chủ có chất lượng, thành công phải có cơ chế giám sát. Hội đồng trường chính là cơ chế để phản biện và là nơi định hướng cho trường những hướng đi thích hợp.
Những băn khoăn này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích, sở dĩ trước đây chưa thực hiện được hội đồng trường là không cho phép hiệu trưởng hay giám đốc làm chủ tịch hội đồng.

Giải thích về tính khả dụng của hội đồng trường, Thứ trưởng Ga cho rằng, sẽ không có chuyện hiệu trưởng hay giám đốc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, muốn làm gì thì làm vì hiệu trưởng có nhiệm vụ thực thi các quyết định của hội đồng trường. Trong khi đó, hội đồng trường có rất nhiều thành viên và hiệu trưởng hay giám đốc cũng chỉ là một trong những thành viên đó. “Khi cơ quan quản lí nhà nước trao quyền tự chủ cho hội đồng trường thì tất cả chủ trương, chính sách đường lối của trường đó đều được trao cho hội đồng trường quyết định, ông hiệu trưởng hay giám đốc có trách nhiệm thực thi các quyết định đó dưới sự kiểm soát của các thành viên hội đồng trường. Vì vậy chúng ta không sợ ông hiệu trưởng lộng quyền, muốn làm gì thì làm”.
Dự kiến, ngày 2/11 tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ báo cáo với Quốc hội về dự thảo Luật GDĐH, sau đó Quốc hội cho ý kiến và đưa ra thảo luận trong kỳ họp tới.
 
Năm 2012 thí điểm cho một số trường tự tuyển sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi tuyển sinh tới đây sẽ có thay đổi theo hướng thiết thực, hiệu quả và ngắn gọn hơn. Cụ thể, Bộ có thể trao thí điểm cho một số trường thực hiện tự tuyển sinh để xem hiệu quả ra sao.

“Thi tuyển trong thời gian qua vẫn nảy sinh bất cập như thi tuyển tràn lan, không công bằng, gây bức xúc xã hội. Bộ sẽ trao cho một số trường trọng điểm, có thu hút hàng đầu, trên cơ sở kết quả đó sẽ xác định thuận lợi hay bất cập ở điểm nào. Tránh việc cả xã hội phải tham gia vào mỗi đợt tuyển sinh, gây bức xúc hoặc các vấn nạn khác.

Việc thay đổi như thế sẽ được thực hiện từng bước và để cho học sinh có bước chuẩn bị, vì thay đổi như thế sẽ ảnh hưởng tới bậc học phổ thông. Sau đợt tổng kết ĐH sắp tới, sẽ có một số trường đăng ký để thực hiện thí điểm; Bộ sẽ cân nhắc, xem xét khả năng, tiềm lực từng trường. Việc trao quyền tự chủ ra đề thi này, trước mắt chỉ áp dụng cho một số trường công lập “top đầu” - Thứ trưởng Ga thông báo.
Xuân Trung