Nam Định "chê" SV dân lập: "Vơ đũa cả nắm"

22/10/2011 08:01
Theo Bee
"Nói không với hệ tư thục, dân lập hay tại chức thì không khác nào kiểu nhìn nhận quy chụp" - GS.TSKH Bành Tiến Long, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Sở  Nội vụ Nam Định ra quyết định không tuyển dụng cử nhân tốt nghiệp đại học dân lập, tư  thục hoặc tại chức khiến dư luận có không ít  ý kiến trái chiều. GS.TSKH Bành Tiến Long, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc trò chuyện về vấn đề này.

Anh có chắc chắn tuyển đúng người tài không?

Ông có biết việc tỉnh Nam Định vừa có quy định về việc không tuyển dụng cử nhân hệ dân lập, tư thục và tại chức không?

Tôi có biết.

Quan điểm của ông thế nào?

Trước hết phải nói rằng, giáo dục đại học đang hội nhập quốc tế và  hướng đến giáo dục chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Việc yêu cầu cần tuyển công chức chất lượng cao là việc khuyến khích nên làm. Do vậy, trước đây Đà Nẵng cũng đã làm và giờ là Nam Định cũng có nhu cầu tuyển dụng chất lượng cao là điều đáng quý. Phải khẳng định đó là mục đích tốt.
Nhưng việc ban hành những văn bản tuyển người thì nên cân nhắc đến cái chung. Cũng như các nước, hệ thống giáo dục của ta có công lập và tư thục, có chính quy và không chính quy, có tại chức, từ xa... Nhưng họ không phân biệt hình thức đào tạo là công lập hay tư thục. Khi anh học xong, đảm bảo chuẩn chất lượng thì trường cấp bằng. Người được cấp bằng có quyền hành nghề, quyền tìm việc làm là như nhau. Điều này tạo ra sự bình đẳng cho người học và hệ thống giáo dục.

Nói như vậy là ông đồng tình hay phản đối chủ trương đó?

Tôi không đồng tình. Rõ ràng đó là sự phân biệt người học, tạo ra sự không công bằng trong giáo dục và không có cái nhìn đa chiều về thực tiễn giáo dục đại học.

Nhưng xét ở góc độ là người đưa ra quyết định đó, họ có quyền tuyển được những công chức chất lượng cao cho bộ máy chứ?
Cái đó tôi đã nói là nên làm, nên khuyến khích, nhưng làm như thế nào? Nói không với hệ tư thục, dân lập hay tại chức thì không khác nào kiểu nhìn nhận quy chụp, "vơ đũa cả nắm". Anh có thể khẳng định được rằng với quy định đó anh chắc chắn tuyển được người tài hay không? Chắc chắn anh không bỏ lọt người tài hay không? Có những người có nhiều đóng góp, thậm chí là những người có đóng góp độc đáo. Bỏ qua họ liệu đó có phải là giải pháp thông minh không?


Vậy theo ông thì vì sao người ta lại nói không với hệ đào tạo này?

Nó xuất phát từ quan niệm chung chưa dễ gì xóa bỏ trong xã hội. Không thể phủ nhận thực tiễn là cho đến nay, hệ thống các trường ngoài công lập còn nhiều thiếu thốn, các điều kiện đào tạo chưa bằng hệ thống công lập. Điều đó cũng đúng thôi vì hệ thống công lập đã phát triển dăm bảy chục năm rồi, còn ngoài công lập thì trường lâu cũng chỉ 20 năm, có trường chỉ vài năm. Kèm theo đó điểm tuyển đầu vào, phần lớn đều thấp hơn các trường công lập. Nhưng không thể nói vì thế mà nó kém hết. Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Phạm luật

Nếu đưa lên bàn cân so sánh về chất lượng sinh viên trường công và trường tư thì ông đánh giá sự chênh lệch cụ thể thế nào?
Chúng ta chưa có cơ sở  để lượng hóa cái đó. Hệ thống kiểm định chất lượng của chúng ta chỉ mới bắt đầu và  chưa làm thường xuyên, không có một tổ chức độc lập kiểm định. Hai là cũng chưa có một cái khung chuẩn đầu ra. Ba là chưa có thống kê đánh giá của người sử dụng, phản hồi của người sử dụng lao động. Nhưng nhìn chung xã hội vẫn coi chất lượng đào tạo hệ dân lập và tư thục chưa thể sánh được với công lập.

Đó có phải là xu thế tất yếu trong giáo dục?

Không phải. Ở các nước khác họ cũng phát triển hệ thống giáo dục ngoài quốc dân một cách mạnh mẽ. Đó là kênh để khuyến khích mọi người đều đi học, cả xã  hội tham gia vào quá trình học tập. Họ xây dựng được hệ thống kiểm định và chuẩn  đầu ra. Đạt yêu cầu là tốt nghiệp. Có bằng, ra trường, đi làm, họ có quyền được công nhận bằng cấp của mình.
 GS.TSKH Bành Tiến Long
GS.TSKH Bành Tiến Long

Ý ông là chuyện này chỉ có ở giáo dục Việt Nam?
Có lẽ thế!
Nam Định không phải là địa phương đầu tiên đưa ra quy định này. Ngoài việc tạo ra sự không công bằng, việc làm này có đúng luật không thưa ông?
Có một điều rất buồn cười là đơn vị ra quyết định đồng ý thành lập trường dân lập, tư thục là UBND tỉnh/thành phố. Quyết định không tuyển dụng cử nhân của những trường đó cũng lại là do UBND tỉnh/thành phố đưa ra. Như vậy là có sự tiền hậu bất nhất. Luật Giáo dục cũng không cho phép có sự phân biệt hình thức đào tạo công lập và ngoài công lập. Có thể khẳng định đây là hành vi phạm luật.

Chất lượng mâu thuẫn với lợi nhuận
Theo ông thì hiệu ứng của vấn đề này sẽ là gì?
Đây là dịp tốt để các trường ngoài công lập phải xem xét tại sao mình lại bị nhìn nhận như vậy. Tại sao lại có sự phân biệt đối xử đó? Trong khi mục tiêu của chiến lược giáo dục là nâng tỷ lệ sinh viên các trường ngoài công lập lên 30 - 40%. Các trường ngoài công lập phải tự mình phải xóa bỏ tâm lý mặc cảm của xã hội đó đi.

Cái đó có dễ không?
Khó thì rất khó. Nhưng không khó ở chỗ không ai ngăn cản anh cả. Người ta khuyến khích anh để anh nâng cao chất lượng cơ mà!
Nhưng với các trường ngoài công lập thì nó lại mâu thuẫn với lợi nhuận?
Đúng là để phát triển nâng cao chất lượng thì phải đầu tư. Trường nào cũng tuyên bố rằng tôi làm việc không vì lợi nhuận. Nhưng xét cho cùng thì cổ đông bao giờ cũng phải nghĩ đến lợi ích của mình. Số tiền đó có sinh lời không. Anh có tuyên bố không vì lợi nhuận thì thực tiễn cũng buộc anh phải tính đến cái đó.
Ta mới chỉ tuyển người để làm việc
Nếu không đồng tình với cách làm này thì theo ông các cơ quan nhà nước nên tổ chức thi tuyển thế nào?
Theo tôi thì không nên đánh đồng. Không nên phân biệt hệ nọ hệ kia. Nên có các tiêu chí cụ thể khi thi tuyển, công khai minh bạch. Tùy theo từng chuyên môn mà có những tiêu chí khác nhau.
Ông thấy việc tuyển chọn người tài của ta thế nào?
Việc đó đặt ra khá  nhiều vấn đề. Cơ quan nào cũng tuyển chọn nhưng đó không phải là quy trình tuyển chọn người tài mà là quy trình tuyển chọn người làm việc.
Theo ông làm thế nào để tuyển được người tài?
Nó còn tùy lĩnh vực. Nhưng quy trình tuyển người tài là quy trình khác. Cái này tôi chỉ xin bàn luận đến đây thôi.

Ta sẽ mất bao lâu để mất đi quan niệm đó?
Chừng nào giáo dục đại học phát triển mạnh, hội nhập quốc tế, chất lượng giáo dục được công nhận ở các nước.
Có vẻ vẫn mông lung lắm? Còn phụ thuộc nhiều thứ  lắm. Nếu anh hành động ngay cũng phải mất vài ba chục năm.Xin cảm ơn ông!
Theo Bee