Não – Trí Tuệ Con Người và AI trong giáo dục: Liệu có những điểm mù?

18/05/2019 06:26
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Để đi từ copy 30 năm tri thức và kỹ năng của một người đến việc dùng AI trong giáo dục để copy và paste vào hàng triệu người học đó là một khoảng cách khá xa.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ chia sẻ về "Não – Trí Tuệ Con Người và AI trong giáo dục: Liệu có những điểm “mù”?".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong cuốn “Xin cảm ơn Vì đến muộn”, Thomas Friedman bắt đầu với những tin về công nghệ trong giáo dục, “có thể copy tri thức và kỹ năng của 30 năm con người chỉ trong có 1 đêm” [1], và “Watson trở thành máy tính đầu tiên có nhận thức, kết hợp giữa học máy và trí tuệ nhân tạo” là những công cụ hữu hiệu giúp con người học tập ngày một thuận tiện [1]. 

Nếu những điều này là sự thật (bởi cá nhân tôi không tin vào điều này, nhưng vì Friedman nêu ra với trích dẫn từ những hãng lớn, hãy cứ giả thuyết là có thật), hãy cùng tư duy, tại sao những điều trên không giúp ích gì cho sự thành công trong học tập của học sinh, sinh viên và người học?

Theo quan điểm của những nhà “lạc quan về công nghệ thay đổi thế giới” (techno-optimists), những người như Friedman, họ tin rằng khi mọi thứ được kết nối, thế giới phẳng, con người được kết nối, con người được thay đổi, bằng một ví dụ cụ thể Friedman nêu ra: thùng rác có kết nối và gắn chương trình “thông minh”, chúng có thể thi SAT! [1].

Điều này viết trong sách để quảng bá chương trình hoặc SAT hoặc các công nghệ/thiết bị thông minh thì rất ổn, nhưng nếu nhìn đến những chỉ số cơ bản về chất lượng giáo dục phổ thông, đại học ở Mỹ và thế giới nói chung, liệu học sinh sinh viên và người học nói chung có năng lực “tệ hơn” thùng rác?

Bởi những báo cáo về giáo dục toàn cầu, những báo cáo về năng lực học tập (dù là online hay offline) ở Mỹ đều không minh chứng được, học sinh, sinh viên và người học đã kết nối với internet hơn 20 năm qua, họ không thi SAT tốt hơn thùng rác có kết nối vào chương trình thông minh [2].

Vậy, kết nối vẫn sẽ chỉ là kết nối, nếu không có những gì khác nữa?

(Ảnh minh họa: vov.vn).
(Ảnh minh họa: vov.vn).

Với quan điểm về chương trình/công nghệ thông minh sẽ giúp chúng ta tăng được tốc độ và khả năng học tập cá nhân, báo cáo gần đây về trường học lựa chọn qua online lại minh chứng, kết quả cũng không khả quan gì, bởi vẫn do thiếu mối quan hệ liên lạc giữa con người với con người (giáo viên và học sinh) [3].

Với những trải nghiệm của cá nhân (và hoàn toàn có thể sai), tôi tin là công nghệ đã phát triển đến việc mô hình hóa quá trình tư duy và học tập của cá nhân theo những gì mà khoa học nhận thức sử dụng để phát triển phần mềm gắn giữa máy tính và não người [4]. 

Tuy nhiên, để đi từ copy 30 năm tri thức và kỹ năng của một người đến việc dùng AI trong giáo dục để copy và paste vào hàng triệu người học trên thế giới (cả thế giới có khoảng 800 triệu - 1 tỷ người học) [5], đó là một khoảng cách còn khá xa.  

Theo quan điểm cá nhân tôi, đó có thể là điểm “mù” trong cả nhận thức của những người làm phát triển AI trong giáo dục cũng như chính sách giáo dục hiện nay, khi họ quảng bá quá nhiều về AI, về máy học, nhưng bỏ qua chất lượng đào tạo giáo viên và học sinh, sinh viên.

Để trình bày quan điểm cá nhân, tôi muốn quay về chức năng cơ bản của não và quá trình tư duy, quá trình học tập của con người.

Theo những quan điểm của Dewey [6] về quá trình học tập, chúng ta học dựa trên quá trình: Trải nghiệm – Phát triển quan điểm – Niềm hứng thú học tập/nghiên cứu cá nhân – Thói quen học/nghiên cứu.

Việc copy tri thức và kỹ năng của ai đó ứng dụng vào chương trình AI, nó giải quyết được vấn đề của trải nghiệm (tri thức cứng), mà điều này chả khó khăn gì, bởi với năng lực scan và ghi nhớ các tri thức qua số hóa, hàng nghìn năm tri thức loài người hoàn toàn có thể nằm trong một phần nào đó trên internet và ai cũng đọc được, ai cũng có thể tiếp cận được.

Não – Trí Tuệ Con Người và AI trong giáo dục: Liệu có những điểm mù? ảnh 2Giáo viên và sinh viên: Tác nhân sáng tạo, thay đổi của đại học?

Nhưng điều khó copy và paste nhất trong toàn bộ quá trình học tập của con người lại nằm ở niềm hứng thú, thói quen cá nhân và phát triển quan điểm, phát triển sáng tạo…

Tôi có được trải nghiệm 4 tháng hơn ở Boston, MA, USA khi họ thử nghiệm “ổn định động” trong cuộc đời cá nhân tôi, tôi có được trải nghiệm 5 năm hơn để xác nhận được, tại sao trí não tôi được gắn kết với những thiết bị báo động hoặc phát ra âm thanh như thế nào, khi chúng ở cùng một tần suất (brain wave – sóng não gắn với các thiết bị điện tử xung quanh và việc copy trí tuệ người được thực hiện thông qua những ghi chép lâu dài bởi những ghi nhận đo qua sóng não với máy tính) [7]. 

Nhưng câu hỏi thú vị là, hơn 5 năm, hơn 20 năm hay thậm chí, nếu quay về lịch sử nghiên cứu máy tính có nhận thức là từ những năm 1960, tại sao chúng lại không có tác dụng gì để “giúp đỡ” con người học tập tốt hơn, mà ngược lại, dẫu bỏ tiền cho nghiên cứu AI rất nhiều, nhưng tiền đầu tư cho giáo dục thật sự, con người thật sự thì lại không tăng, thậm chí cắt giảm nghiêm trọng?

Tôi hiểu, hình như, những nhà nghiên cứu về Watson hay máy học, họ chưa thể và có lẽ không thể, tạo dựng, copy và paste “niềm đam mê”, “lòng yêu thích”, “thói quen học tập cá nhân”, và “tư tưởng sáng tạo như con người” từ robot, từ các chương trình máy tính, dù có cài chế độ thông minh đến đâu?  

Hơn thế nữa, bằng việc tập trung nghiên cứu về công nghệ giáo dục, họ hoàn toàn đánh giá không đúng và cẩn trọng về vai trò của người thầy trong lớp học và giao tiếp, truyền tải giữa người thầy và học trò, bởi yếu tố quyết định thành công trong giáo dục, đa phần lại là do năng lực sáng tạo của người thầy! 

Đặc biệt là về khả năng phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo và lòng đam mê, tôi khó lòng nghĩ có máy học hay Watson cài chương trình nào để tạo dựng nên cho con trẻ hay người học những tính cách này?

Hệ thống internet, số hóa dữ liệu, rồi đến nay, họ dọa thế giới “số hóa con người” [8], “biến đổi gene người” [9], để tạo ra những gì “không giới hạn”, rằng điều bình thường đã hết thời [1], bởi tốc độ sẽ quyết định thành tựu của tương lai [1]…

Tôi đang ngẫm tiếp đến điểm mù trong nhận thức [10] của não trạng con người mà hình như ai cũng phải có thì phải.

Lấy ví dụ trên tàu điện của Boston. Loa phóng thanh thông báo mỗi khi dừng ở từng điểm: “Xin Quý Vị lưu ý, sắp đến Harvard Station. Cửa sẽ mở ra bên tay trái của Quý Vị. Xin đừng để quên ….”.

Khi tôi nghe những thông báo lặp đi lặp lại này, tôi nhìn ra thử, thì thực ra, dù cửa mở ở tay phải hay tay trái, nó phụ thuộc không phải vào loa thông báo, nó phụ thuộc tay trái hay phải dựa vào vị trí bạn đang đứng hay ngồi để bước ra cửa và vì tàu luôn có hai dãy ghế khác nhau, nên luôn luôn sẽ có người ra cửa hoặc từ tay trái, hoặc từ tay phải của họ!

Não – Trí Tuệ Con Người và AI trong giáo dục: Liệu có những điểm mù? ảnh 3Cách mạng đại học Mỹ sẽ đi về đâu?

Vậy, câu hỏi đặt ra để nghĩ về định hướng “mù” cho kẻ khác, khi người lái tàu thông báo, cửa ra là bên tay trái hay phải, dựa vào chỗ ngồi của bác ấy trên toa đầu tiên lái, còn các toa còn lại, nó hoàn toàn tùy vào vị trí của bạn.

Tôi, theo như mô tả của Friedman trong cuốn sách nêu trên, có lẽ còn “ngu hơn bò gắn chip thông minh” [1]!

Bởi tôi nhận ra, hầu hết tôi phản xạ theo hướng dẫn “mù”, hoặc do những điểm “mù” trong não, hoặc do ai có chủ đích mà không thể xác định rõ (trong cuốn Tất cả Chúng ta đều Hành xử Cảm tính, R. Thaler [11] gọi đó là “yếu tố không tương thích theo giả thuyết – Supposedly Irrelevant Factors”), đó là do điểm mù não của mình hay do chương trình AI máy tính cài đặt từ xa tạo dựng “điểm mù” cho con người?

Lý do của điều nghi ngờ này, bởi khi đọc những tin trên TechReview – MIT về “kết nối não người để tạo dựng mạng xã hội đầu tiên” [7], cùng với “biến đổi gene người” [9], tương tự với những nghiên cứu về AI và chương trình thông minh, không một ai đặt câu hỏi, để làm những nghiên cứu như thế, bao nhiêu triệu người đã được thử nghiệm bất hợp pháp?

Rất nhiều người nói đến những điều đẹp đẽ của công nghệ và AI trong xã hội, nhưng chưa ai nói rõ, công khai, về việc, tại sao chúng ta quảng bá về giáo dục AI cho cộng đồng, nhưng những vấn đề cơ bản về [12]:

(i) Quyền con người trong thế giới internet, bao gồm cả quyền riêng tư, nhận thức, cảm xúc cá nhân trong trí não;

(ii) Thông tin cá nhân, quyền bảo vệ thông tin cá nhân và quyền được sống an toàn ở mọi chỗ họ sống và làm việc;

(iii) Luật pháp và đạo đức quản trị nghiên cứu giữa máy tính, công nghệ và con người. Vụ chết người do ô tô tự lái là lời cảnh báo về sự thật, “Khi chúng ta đi quá xa đạo đức là con người, chúng ta đã tự đào hố chôn tương lai của thế giới này” [13].

Cho đến nay, dù đang quảng bá khắp thế giới về giáo dục AI và khả năng thay đổi thế giới với công nghệ, nhưng luật pháp quốc gia và quốc tế vẫn đang “bàn” về những giá trị và nguyên tắc căn bản nhất trong thời đại công nghệ số và IoT này.  

Đây có là điểm “mù” chung của nhân loại thế kỷ 21?

Não – Trí Tuệ Con Người và AI trong giáo dục: Liệu có những điểm mù? ảnh 4Tại sao chúng ta hay mắc lại lỗi cũ, bài học từ giáo dục Mỹ

Hay đây là điểm mù của những kẻ nắm giữ sức mạnh về tiền và chính trị, chạy đua vũ trang thế giới bằng công nghệ và sẵn sàng dùng con người, đặc biệt là những người dân, học sinh sinh viên của những nước đang phát triển, những nước nghèo đói ở châu Phi, châu Á, Mỹ - Latinh để thử nghiệm và hướng đến một thế giới có khả năng toàn trị bởi một vài thiểu số tập đoàn công nghệ [14]?

Khi UN-SDG và GUNi kêu gọi về hợp tác giải quyết đói nghèo và giáo dục có chất lượng, một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện được SDG 2030 là sáng tạo cá nhân và tập thể. 

Nhưng hãy thử hình dung, khi chúng ta kết nối, bị giám sát, bị “hack” trí não, để kết nối mạng xã hội qua não người, hay để “copy và paste” tri thức kinh nghiệm qua 1 đêm, liệu có ai muốn sáng tạo?

Vả lại, xét về khoa học trải nghiệm, nếu nhìn kỹ đến cấu trúc phát triển não người, rồi để từ đó phát triển lên trí tuệ con người qua học cách học, học qua tư duy và suy nghĩ, học qua đam mê và sáng tạo, khó có nhiều phần mà trí tuệ nhân tạo, dù cài thông minh của triệu triệu người copy qua 1 đêm, cũng khó để “cá thể hóa” giáo dục con người, nếu đứa trẻ đó sinh ra hay một con người thông thường, chịu những tác động rất khác nhau vào quá trình trải nghiệm học tập và phát triển trí não, nếu nhìn từ góc độ xã hội (tình trạng kinh tế - chính trị - địa vị xã hội), môi trường gia đình (thói quen học tập gia đình) và gene.

Liệu thay vì quá nhấn mạnh đến robot, auto, AI, hay công nghệ giáo dục, chúng ta hãy nói đến giáo viên, học sinh, trường lớp, những gì thực sự hữu hiệu cho con người, dù có thể mất thời gian nhiều hơn, không scale up toàn cầu, nhưng nó chắc chắn cho con trẻ học tập và cho thế giới con người sống ổn định, hòa bình?

Tài liệu tham khảo:

[1] “Xin cảm ơn Vì đến muộn”, p. 36, 74,

[2] https://www.aei.org/publication/after-20-years-of-reform-are-americas-schools-better-off/; http://oecdeducationtoday.blogspot.com/2019/04/computer-based-testing-education-oecd-survey-of-adult-skills.html;

[3]https://credo.stanford.edu/pdfs/OnlineCharterStudyFinal2015.pdf; https://www.educationnext.org/education-exchange-different-desegregation-story-boston/

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Cognitive_science; The Cognitive Computer: On Language, Learning, and Artificial Intelligence, 1984, Roger C. Schank

[5] http://data.uis.unesco.org/; Global Pespectives on higher education, P. Altbach

[6]https://en.wikipedia.org/wiki/Experience_and_Education_(book)

[7]https://en.wikipedia.org/wiki/Brain%E2%80%93computer_interface; https://en.wikipedia.org/wiki/Artificial_neural_network; https://www.researchgate.net/publication/258398683_Using_Brain_Waves_to_Control_Computers_and_Machines; Brain-Computer Interfaces Applying our Minds to Human-Computer Interaction, Editors: Tan, Desney S., Nijholt, Anton (Eds.); https://www.technologyreview.com/s/612212/the-first-social-network-of-brains-lets-three-people-transmit-thoughts-to-each-others-heads/;

[8] https://www.technologyreview.com/s/527386/the-internet-of-you/; The Knowledge Work Factory: Turning the Productivity Paradox into Value for Your Business, William F. Heitman, Jan 8, 2019

[9] https://www.npr.org/2019/02/05/690828991/gene-editing-scientists-actions-are-a-product-of-modern-china

[10] https://en.wikipedia.org/wiki/Blind_spot_(vision)

[11] Tất cả Chúng ta đều Hành xử Cảm tính, R. Thaler

[12] https://www.weforum.org/agenda/2016/10/top-10-ethical-issues-in-artificial-intelligence/; http://fortune.com/2018/12/06/artificial-intelligence-regulation-government/; https://www.nytimes.com/2018/02/12/business/computer-science-ethics-courses.html;  https://www.weforum.org/agenda/2017/01/four-principles-for-leadership-in-an-uncertain-world/; http://www.aies-conference.com/wp-content/papers/main/AIES_2018_paper_98.pdf;

[13]https://en.wikipedia.org/wiki/Death_of_Elaine_Herzberg; https://www.nature.com/articles/d41586-018-07135-0; https://www.weforum.org/agenda/2018/10/how-should-autonomous-vehicles-be-programmed; https://cyber.harvard.edu/topics/ethics-and-governance-ai

[14] The Age of Surveillance Capitalism: The Fight for a Human Future at the New Frontier of Power, 2019, Shoshana Zuboff; The Rise and Fall of American Growth: The U.S. Standard of Living Since the Civil War (The Princeton Economic Series of the Western World), 2016, R. Gordon

Nguyễn Thị Lan Hương