Nên bỏ hay tiếp tục duy trì chính sách cử tuyển?

12/05/2019 06:18
AN NGUYÊN
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển nhưng có ý kiến đề nghị hủy bỏ chính sách này vì không hiệu quả trong thực tế.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (viết tắt là Thường trực Ủy ban) vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trong đó, có đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, được gửi đến các Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Nên giữ hay bỏ chính sách cử tuyển?

Một số đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cử tuyển nhằm tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương;

Giao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương trong việc thực hiện chính sách cử tuyển. Đồng thời, có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển.

Ngược lại, cũng có nhiều ý kiến của cử tri, đại biểu đề nghị bỏ chính sách cử tuyển vì chất lượng đào tạo thấp, hiệu quả trong thực tiễn không cao.

Nhiều kiến nghị nên bỏ chính sách đào tạo cử tuyển vì chất lượng thấp và hiệu quả thực tiễn không cao. Ảnh: AN
Nhiều kiến nghị nên bỏ chính sách đào tạo cử tuyển vì chất lượng thấp và hiệu quả thực tiễn không cao. Ảnh: AN

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, cử tuyển là một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;

Còn mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của các địa phương này đã và đang được thực hiện bằng nhiều chính sách khác.

Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ quy định về chính sách cử tuyển như trong dự thảo Luật, theo đó, đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người;

Nhà đầu tư lo bị tước quyền điều hành nhà trường vì dự thảo Luật giáo dục

Học sinh dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số;

Trách nhiệm của địa phương trong việc đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; tuyển dụng và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển;

Việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển và việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả (điều 86).

Đề nghị bổ sung quyền người học

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non; Trách nhiệm của nhà nước đối với việc phát triển giáo dục mầm non;

Thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non, quan tâm hơn nữa đến giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Một số đại biểu đề nghị tăng độ tuổi nhận trẻ mầm non từ 6, 9 hoặc 12 tháng tuổi để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã khẳng định giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ;

Bình Phước vẫn chưa thể thu hồi phí đào tạo cấp sai cho học sinh cử tuyển

Bổ sung quy định nguyên tắc về chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất mật độ dân số cao;

Chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội (điều 28).

Về độ tuổi nhận trẻ, Thường trực Ủy ban nhận thấy điều 157 Bộ Luật lao động quy định: lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Trong thực tế, có những trường hợp lao động nữ đi làm khi con mới được 4 tháng tuổi và có nhu cầu gửi con đến cơ sở giáo dục mầm non.

Việc quy định của dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để những cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện có thể nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, đáp ứng nhu cầu thực tế. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin được giữ như quy định hiện hành.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung vào quy định về quyền của người học; Có ý kiến đề nghị quy định mở về độ tuổi bắt đầu các cấp học phổ thông.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quyền của người học được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; 

Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường các giải pháp góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học (điều 82).

Về độ tuổi bắt đầu các cấp học phổ thông, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với sự phát triển thể chất, tâm lý của người học và thuận lợi trong thực hiện dự báo quy hoạch đầu vào các cấp học.

Những trường hợp học trước tuổi, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định, học vượt lớp, học lưu ban đã được quy định tại điều 29 và giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể.

AN NGUYÊN