“Ngân hàng máu di động” của học sinh lớp 11 giành giải Ba ISEF 2022

19/05/2022 06:37
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chứng kiến không ít bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu máu mỗi ngày, học sinh lớp 11 tại Lào Cai trăn trở biến ý tưởng xây dựng “ngân hàng” máu thành sự thật.

Trăn trở khi chứng kiến nhiều bệnh nhân cần máu

Mới đây, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (US agency for international development) vừa trao giải 3 với giá trị 2.000 USD cho dự án “Ngân hàng máu di động” của hai học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lào Cai, tại Lễ trao giải Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022).

Qua dự án, nhóm tác giả mong muốn sử dụng ứng dụng tạo ra được sự kết nối nhanh chóng, mạnh mẽ giữa bệnh viện và tình nguyện viên đi hiến máu để có thể kịp thời cung cấp những giọt máu quý giá cứu sống các bệnh nhân đang thiếu máu nguy cấp.

Trước đó, dự án “Ngân hàng máu di động” thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống do nhóm học sinh Trần Phong (Học sinh lớp 11 chuyên Anh) và Trần Mỹ Chi (học sinh lớp 11 chuyên Lý) thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Mai Hồng Kiên, đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Phần mềm hệ thống trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022.

Sau khi vượt qua vòng thi lựa chọn dự án dự thi quốc tế bằng tiếng Anh đã xuất sắc trở thành 1 trong 7 dự án của Việt Nam được cử dự thi ISEF 2022 tại Mỹ.

Trần Phong và Trần Mỹ Chi đã có gần hai năm nghiên cứu, triển khai dự án “Ngân hàng máu di động” dưới sự hướng dẫn của thầy Mai Hồng Kiên (ở giữa). (Ảnh: NVCC).

Trần Phong và Trần Mỹ Chi đã có gần hai năm nghiên cứu, triển khai dự án “Ngân hàng máu di động” dưới sự hướng dẫn của thầy Mai Hồng Kiên (ở giữa). (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về lý do thực hiện dự án, Trần Phong cho biết: “Bản thân chúng em có tham gia vào một nhóm về hiến máu trên mạng, nên hằng ngày, hằng giờ, chúng em đều bắt gặp những bài đăng “khẩn cấp”, dạng: “Chúng tôi đang cần gấp nhóm máu A+, nhóm O-…”. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này chính là những người xác nhận hiến máu được thì chưa chắc đã có cùng nhóm máu, hay chưa chắc đã ở gần để có thể kịp thời hiến máu cho bệnh nhân.

Chính vì vậy, vẫn có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, chỉ vì không thể cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Thường xuyên chứng kiến những câu chuyện buồn như vậy, đã khiến bản thân em trăn trở không ít. Đặc biệt hơn, khi chúng em khảo sát tại các bệnh viện, và tận mắt chứng kiến tất cả. Em cảm thấy, khi những bệnh nhân cần máu gấp mà những người đồng ý cho máu lại không kịp tiếp cận để giúp đỡ, quả thực quá xót xa.

Lúc này, trong đầu em chợt lóe lên một ý tưởng, đó là, xây dựng và phát triển một “ngân hàng” máu, thực chất là một phần mềm về hiến máu nhân đạo, kết nối giữa bệnh viện và người dùng một cách nhanh nhất, từ đó có thể cứu được nhiều người hơn, giảm thiểu những mất mát không đáng có”.

“Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác nữa. Đó là, bởi trong gia đình em cũng có người làm trong ngành y, và người đã tạo động lực thôi thúc em tìm hiểu và xây dựng “ngân hàng” máu, chính là bác em. Thông qua những câu chuyện ở bệnh viện, thông qua những trăn trở của bác dành cho bệnh nhân, phần nào trong em như lại có thêm rất nhiều động lực để thực hiện dự án mà mình đang ấp ủ” - Trần Phong tiết lộ.

Một năm nghiên cứu và tự “update bản thân”

Dự án “Ngân hàng máu di động” đối với hai học sinh lớp 11 cũng gặp phải không ít thử thách. Hai thành viên của nhóm nghiên cứu đã phải trăn trở rất lâu, lên ý tưởng và tìm hiểu, nghiên cứu suốt từ năm 2020. Sau khi quan sát được thực trạng và nhận thấy vấn đề cấp thiết triển khai sớm. Tuy nhiên, Phong và Chi vốn chỉ như “một tờ giấy trắng” đối với kiến thức tin học, mà đặc biệt là về lập trình.

“Thú thực, vốn kiến thức về lập trình của em khi đó là gần như “bằng 0”, vậy nên, để bù đắp vào đó, bên cạnh những chia sẻ của thầy Kiên cùng một số chuyên gia về lập trình. Chúng em cũng phải tự mình mày mò, tìm hiểu và tự bổ sung các kiến thức này qua các khóa học trên mạng trong suốt một năm.

Chính vì bản thân chưa từng tiếp cận với những kiến thức này, nên chúng em cũng tốn kha khá thời gian để “nhập môn”. Giai đoạn ấy, song song với việc học ở trường, em và Chi phải thức đến 1-2 giờ sáng để cùng tự trau dồi và thảo luận với nhau, là thường xuyên.

Tự nhận nền tảng kiến thức tin học (đặc biệt là lập trình) gần như “bằng 0” lúc nhen nhóm ý tưởng, nam sinh cho biết, hai thành viên đã phải tự mày mò, "update bản thân" suốt một năm, trước khi chính thức xây dựng phần mềm. (Ảnh: NVCC).

Tự nhận nền tảng kiến thức tin học (đặc biệt là lập trình) gần như “bằng 0” lúc nhen nhóm ý tưởng, nam sinh cho biết, hai thành viên đã phải tự mày mò, "update bản thân" suốt một năm, trước khi chính thức xây dựng phần mềm. (Ảnh: NVCC).

Đồng thời, đối với các tài liệu liên quan đến hiến máu, chúng em cũng phải nhờ thầy cô kết nối để tìm hiểu và học hỏi từ các y, bác sĩ, từ các Giám đốc bệnh viện. Hành trang chuẩn bị cần một sự chính xác và tỉ mỉ. Phải mất gần một năm, đến tháng 1/2021, chúng em mới chính thức “bắt tay” vào triển khai dự án được” - nam sinh Lào Cai không ngần ngại giãi bày.

Bên cạnh tự mày mò kiến thức về lập trình, nhóm cũng phải kết nối với các y bác sĩ để tham khảo rất nhiều kiến thức về truyền máu. (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh tự mày mò kiến thức về lập trình, nhóm cũng phải kết nối với các y bác sĩ để tham khảo rất nhiều kiến thức về truyền máu. (Ảnh: NVCC).

Ngừng một lát, Phong chia sẻ: “Tuy phải trải qua giai đoạn nghiên cứu và tìm hiểu khá lâu, song, khi nhóm đưa phần mềm đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Lào Cai và chạy thử nghiệm, đều nhận được phản hồi rất tích cực. Mỗi y bác sĩ sau khi trải nghiệm, đều đánh giá tốt về mức độ hiệu quả. Điều đó như tiếp thêm động lực cho chúng em”.

Để có được phần mềm hoàn chỉnh, nhóm nghiên cứu cũng đã phải trải qua không ít lần lập trình và thử nghiệm thất bại. Theo Phong, mỗi lần như vậy, ít nhiều 2 thành viên cũng có chút thất vọng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm đưa ra được một công cụ góp phần chia sẻ cơ hội duy trì sự sống cho người bệnh, nhóm đã kiên trì theo đuổi.

Sau khi nhận giải thưởng từ ISEF 2022, Trần Phong bày tỏ: “Mặc dù dự án của chúng em đã phần nào được ghi nhận từ hội đồng quốc tế, song, bản thân em cũng có một tiếc nuối nho nhỏ. Trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên mọi cuộc thi đều chủ yếu diễn ra qua hình thức trực tuyến.

Nhìn các anh chị và các bạn trong cuộc thi các năm trước được đi đến các tỉnh thành khác, rồi cuộc thi quốc tế còn được bay ra nước ngoài… em cũng cảm thấy như có chút gì đó hụt hẫng. Tiếc nuối nhất chính là năm nay chúng em không được qua Mỹ, không được trực tiếp lắng nghe những ý kiến góp ý của các Giáo sư. Bởi khi được tương tác trực tiếp, cũng sẽ có nhiều vấn đề để trao đổi hơn…”.

Đề tài đã nhận được sự góp ý tích cực từ các y bác sĩ. (Ảnh: NVCC).

Đề tài đã nhận được sự góp ý tích cực từ các y bác sĩ. (Ảnh: NVCC).

“Bên cạnh đó, khi thấy có những bệnh nhân tại một số bệnh viện được tiếp cận với nguồn máu, người hiến máu một cách nhanh chóng, kịp thời, chúng em đều cảm thấy rất vui. Đó là một tín hiệu tích cực, góp một phần nhỏ bé vào việc níu giữ sự sống cho người bệnh.

Dự định sắp tới của nhóm là sẽ mở rộng tuyên truyền, để ngày càng có nhiều người biết đến và sử dụng phần mềm này. Có như vậy, mạng lưới kết nối người hiến máu mới thực sự được nhân rộng và hoạt động hiệu quả” - nam sinh cười vui vẻ, cho biết.

Ngân Chi