Nghệ thuật quản trị làm nên thương hiệu và thành công của Đại học Tôn Đức Thắng

19/09/2020 08:09
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành công của mô hình tự chủ có vai trò rất lớn của người đứng đầu. Nghệ thuật quản trị tại trường Tôn Đức Thắng xuất phát từ cái gốc Nhân tâm.

Sau 23 năm nước lã mà vã nên hồ, từ bãi sình lầy mà nên cơ đồ Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Tôn Đức Thắng đã bứt phá ngoạn mục, trở thành một trong những lá cờ đầu trong phong trào tự chủ Đại học tại Việt Nam.

Tuy nhiên để có được những thành công đó cũng như quản lý một bộ máy nhân sự hàng nghìn giảng viên, nhân viên, hàng vạn sinh viên, nghiên cứu sinh, chắc chắn nghệ thuật quản trị của Đại học Tôn Đức Thắng phải rất đặc sắc.

Thứ nghệ thuật quản trị đó không phải được thể hiện qua những mệnh lệnh hành chính, giáo điều hay những thống kê khô khan mà nó là sự thấu hiểu là sợi dây tinh thần kết nối giữa trái tim và trái tim. Một số câu chuyện phóng viên lượm lặt được sẽ giúp độc giả có thể hình dung được nghệ thuật quản trị đặc sắc tại trường Đại học Tôn Đức Thắng và tinh thần giáo dục Lê Vinh Danh.

Tiết kiệm, chất lượng và hiệu quả

Anh Phan Tấn Phát (Thành phố Hồ Chí Minh), không phải là sinh viên, giảng viên hay nhân viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng. Thế nhưng chỉ “bén duyên” đôi ba lần, anh Phát ngay lập tức đã bị ngôi trường này quyến rũ.

Câu chuyện của anh Phát cũng chính là góc nhìn của một người ngoài cuộc có những đánh giá khách quan về tinh thần (Đại học) Tôn Đức Thắng.

Anh Phát chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Mình là một nhân chứng sống từ khi trường còn đang xây dựng ở Quận 7.

Thực sự khi đọc bài viết: (Người trong cuộc tiết lộ trường Tôn Đức Thắng lấy tiền đâu ra để chi phát triển đăng tải trên Giáo dục Việt Nam), mình thấy rất đúng, rất cảm động.

Trường giữ gìn tài sản quá tốt và tiết kiệm từng đồng.

Ngoài ra chắc chị trong bài chưa kể: Hệ thống về điện là tự trường làm chứ không mua đồ bên ngoài để tiết kiệm chi phí.

Đi vào thang máy bóng loáng không 1 vết xước do được nhắc nhở giữ gìn từ những ngày đầu. Các công ty cung cấp vật liệu muốn vận chuyển lên các tầng cao đều phải che chắn không làm xước, mốp thang máy, ai làm hư hao phải đền.

Ngay cả nền gạch men cũng phải lót mỗi khi đẩy xe di chuyển đồ đạc. Điện đóm nói chung lúc nào dùng thì mới bật vừa đủ, ai lỡ quên tắt thì bị phạt nặng cho nhớ. Giấy hay đơn từ gì đều phải in 2 mặt, nộp lên mà in 1 mặt là “có chuyện” ngay.

Sách trong thư viện cũng có phần do giảng viên đóng góp, mang từ nước ngoài về. Có phải sau khi học xong hoặc nghiên cứu xong, nhiều bạn học xong rồi bán sách chứ đem về chi cho nặng hành lý đúng không?

Tụi tui là đem về để làm giàu tri thức, làm cho thư viện phong phú hơn. Tranh thủ tiết kiệm được chút nào hay chút đó.

Sân thể thao, sân vận động là tuyệt đối không được mang giày đế cứng hoặc giày cao gót, chỉ được mang giày thể thao để bảo vệ mặt sân, giữ vệ sinh không được đem nước vào”.

Chốt lại câu chuyện, anh Phát bình luận: “Trường kỹ tính giống như mình xài đồ của nhà mình vậy đó”.

Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là "thần tượng" trong con mắt của biết bao giảng viên, sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là "thần tượng" trong con mắt của biết bao giảng viên, sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Sự kỹ tính và có chút “đỏng đảnh” của trường Đại học Tôn Đức Thắng là câu chuyện được nhiều giảng viên, sinh viên và thậm chí những khách tham quan thừa nhận.

Trong các thế hệ giảng viên, sinh viên trường Tôn Đức Thắng vẫn truyền tai nhau về “huyền thoại” cọng tóc trong Thư viện.

Nhắc đến kỷ niệm này, thầy Lê Trọng chia sẻ: “Thầy Danh là một người rất kỹ tính và có thể sự kỹ tính này đã trở thành một nét văn hóa ở TDTU.

Câu chuyện về cọng tóc trong nhà thư viện, nguồn cơn trong một lần thay đi khảo sát khu vực thư viện thầy Danh phát hiện một…cọng tóc còn sót lại trên mặt đất.

Lập tức thầy gọi người quản lý thư viện đó và chỉ cọng tóc trên sàn. Chúng tôi vừa thấy kính nể vừa thấy có chút “dựng tóc gáy”.

Thế là từ đó trong khuôn viên nhà trường không bao giờ có một mẩu rác nào. Thứ tinh thần của thầy Danh truyền cho chúng tôi là thứ tinh thần nghiêm túc và chịu trách nhiệm cao nhất đối với công việc của mình.

Ngoài ra do nhà trường tự chủ cho nên thầy Danh quán triệt mọi người phải tiết kiệm tuyệt đối, chi tiêu 1 đồng cũng phải hiệu quả và đạt chất lượng cao nhất”.

Thành công của mô hình tự chủ Đại học Tôn Đức Thắng gắn liền với cái tên Lê Vinh Danh (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Thành công của mô hình tự chủ Đại học Tôn Đức Thắng gắn liền với cái tên Lê Vinh Danh (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Tinh thần làm việc quên mình

Trong những bài viết về mô hình tự chủ của trường Đại học Tôn Đức Thắng được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tòa soạn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ những phụ huynh có con đã, đang và sẽ theo học tại ngôi trường này.

Một độc giả bình luận: “Tôi là một phụ huynh có con đang theo học tại trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cá nhân tôi vô cùng hài lòng và yên tâm khi gửi gắm con mình cho nhà trường suốt 4 năm.

Ngày đầu tiên đưa con đi nhập học, tôi bị thu hút bởi Văn hóa và cách ứng xử văn minh của thầy hiệu trưởng Lê Vinh Danh.

Mọi người có bao giờ thấy người lãnh đạo của một ngôi trường mà chỉ cần thấy rác trong khuôn viên liền cúi xuống nhặt chưa?

Rồi kể cả hành động nhỏ nhất như tháo miếng nilon của chai nước đóng chai rồi vò vò bỏ vào túi áo vest chứ không vứt tại chỗ,... và rất nhiều hành động khác nữa.

Đó là văn hoá đã tồn tại rất lâu tại TDTU và ai ai cũng phải thực hiện dù là cấp lãnh đạo.

Tôi mong thầy giữ vững ý chí, nghị lực niềm tin vào tương lai của học sinh để vượt qua cơn sóng gió trong thời gian này. Gia đình phụ huynh và học sinh ủng hộ thầy”.

Cô Trần Thị Nguyệt Sương, cựu sinh viên khóa 6, Đại học Tôn Đức Thắng và cũng là người đồng hành với thầy Lê Vinh Danh trong nhiều năm nói về tinh thần làm việc quên mình của vị hiệu trưởng này:

“Thầy Danh coi trường Đại học Tôn Đức Thắng giống như ngôi nhà thứ 2 của mình. Thầy có sức làm việc vô cùng lớn có thể nói làm việc quên mình.

Sáu giờ mỗi sáng là chúng tôi đã thấy thầy có mặt ở trường, đều đều như vậy tất cả các ngày trong tuần thầy chỉ nghỉ đúng một buổi chiều Chủ nhật dành cho việc cá nhân.

Mỗi ngày thầy làm việc 16-17 giờ đồng hồ, xử lý cả trăm đầu việc nhưng vẫn có thể quan sát, xử lý những chi tiết nhỏ nhất”.

Cơ ngơi hiện đại của Đại học Tôn Đức Thẳng (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Cơ ngơi hiện đại của Đại học Tôn Đức Thẳng (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Nói về nghệ thuật quản trị nhân sự của thầy Lê Vinh Danh, cô Sương đánh giá:

“Nghệ thuật quản trị tại Đại học Tôn Đức Thắng xuất phát từ cái gốc Nhân tâm xây dựng trên nền tảng Đạo đức, tinh thần Trách nhiệm.

Nghệ thuật quản trị của thầy Danh cũng chính là nghệ thuật dùng người – biết phân bổ ai vào vị trí nào, làm công việc gì? Thầy không cầm tay chỉ việc, thầy chỉ hướng dẫn một lần và từ lần đó mọi người nghiêm túc thực hiện.

Có một lần tôi phải soạn thảo một văn bản dài 200 trang, soạn thảo đến đâu đưa thầy đọc và chỉnh sửa. Thế nhưng trong 200 trang đó thầy vẫn có thể phát hiện ra một lỗi chính tả sơ đẳng.

Thầy gọi cho tôi và nói: Bài của em có lỗi chính tả. Thầy quản trị và sâu sát như vậy tự khắc ai cũng phải làm tốt thôi”.

Tinh thần và triết lý giáo dục của thầy Lê Vinh Danh trở thành nguồn cảm hứng cho hàng vạn con người (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Tinh thần và triết lý giáo dục của thầy Lê Vinh Danh trở thành nguồn cảm hứng cho hàng vạn con người (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Người truyền cảm hứng, thưởng phạt phân minh

Năm 2015, Tiến sĩ Nguyễn Trương Khang nhận công tác tại Viện khoa học tính toán của Đại học Tôn Đức Thắng.

Sau 5 năm làm việc, Tiến sĩ Khang có những cảm nhận rất riêng về ngôi trường này cũng như cá nhân thầy Lê Vinh Danh.

Tiến sĩ Nguyễn Trương Khang tâm sự: “Điểm độc đáo của Đại học Tôn Đức Thắng so với nhiều trường Đại học khác đó chính là đã xây dựng được một thứ Văn hóa rất đặc sắc.

Thứ Văn hóa và Tinh thần này chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy Lê Vinh Danh.

Sợi dây gắn kết hàng vạn con người của Đại học Tôn Đức Thắng đó là vì một mục đích tốt đẹp: Phấn đấu đến năm 2037 trường Tôn Đức Thắng nằm trong top 60 các trường Đại học tốt nhất châu Á.

Hàng năm, chiến lược nghiên cứu của Đại học Tôn Đức Thắng cũng được thay đổi để phù hợp với xu thế tình hình phát triển.

Trong tổng thể chiến lược này có dấu ấn rất lớn của thầy Lê Vinh Danh vì thầy là người nói được, làm được; dám nói, dám làm.

Bên cạnh những nét văn hóa nêu trên, tại Đại học Tôn Đức Thắng chuyện thưởng phạt cũng rất phân minh.

Không có chuyện cứ vào đây rồi ngồi nhận lương và không làm gì cả. Do vậy áp lực công việc ở TDTU cũng rất lớn. Nhưng chúng tôi làm việc quên mình và rất hăng say”.

23 năm bứt phát ngoạn mục, để thực hiện thành công mô hình tự chủ, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng (Ảnh:V.N)

23 năm bứt phát ngoạn mục, để thực hiện thành công mô hình tự chủ, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng (Ảnh:V.N)

Mất vài phút suy nghĩ, sinh viên Nguyễn Thành Nhã cuối cùng cũng có thể trả lời được câu hỏi: Điều gì khiến em cảm thấy ấn tượng nhất trong suốt 4 năm theo học tại TDTU.

Nhã bày tỏ: “Điều em cảm thấy ấn tượng nhất trong 4 năm học tại TDTU là Tinh thần và Văn hóa của trường.

Ngoài ra người em luôn coi là thần tượng đó chính là thầy Vinh Danh. Đại học Tôn Đức Thắng là thầy Lê Vinh Danh, thầy Lê Vinh Danh là Đại học Tôn Đức Thắng”.

Vũ Ninh