Nghỉ học 1 ngày lãng phí nhiều lắm, cần một giải pháp dài hơi cho giáo dục

18/02/2020 06:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kịch bản ứng phó hợp lý hơn thay vì các trường đang mạnh ai nấy làm.

Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố đều cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 23/2 và thậm chí theo công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các tỉnh, thành xem xét cho nghỉ học hết tháng 2 để tránh dịch Covid-19. 

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, nếu dịch Covid-19 còn tiếp tục thì rõ ràng chúng ta chưa thể an tâm cho học sinh quay trở lại trường học.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Thùy Linh
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Thùy Linh

Theo tính toán, giáo dục từ mầm non đến phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học có khoảng hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, và hàng triệu thầy cô giáo. Một ngày nghỉ học, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, thầy Nhĩ đánh giá.

Rõ ràng, tại thời điểm này, chúng ta chưa biết khi nào dịch Covid-19 chấm dứt.

Để ứng phó với dịch bệnh do Covid-19 gây ra và các nguy cơ tương tự xảy ra trong tương lai, theo thầy Nhĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kịch bản ứng phó hợp lý hơn thay vì các trường đang mạnh ai nấy làm.

Hiện nay, trên thế giới và ở cả Việt Nam, đã tiến hành giáo dục mở thông qua các kênh truyền hình, các phương tiện trực tuyến.

Ở Việt Nam, 63 tỉnh, thành phố đều có các kênh truyền hình, chưa kể rất nhiều kênh của Trung ương. Tại sao chúng ta không sử dụng các kênh truyền hình đó để dạy trực tiếp.

"Cần áp dụng tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tình hình này, chớp lấy thời cơ chuyển việc dạy trực tuyến mở ra một cách rộng rãi.

Chúng ta nên tính toán sử dụng các kênh truyền hình địa phương, Trung ương để phục vụ một phần cho việc dạy thường xuyên cho học sinh, sinh viên.

Các môn học thiên về lý thuyết hoàn toàn có thể dạy qua truyền hình", thầy Nhĩ phân tích.

Nếu Nhà nước có chủ trương sử dụng các kênh truyền hình, phát thanh, lãnh đạo các địa phương có thể chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương triển khai.

Việc này không quá khó vì hầu hết các đài truyền hình, phát thanh đều đang được hỗ trợ từ ngân sách.

Chùm ảnh: Phim trường” của những cô giáo dạy học trong mùa dịch Covid-19

Về việc giảng dạy, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, ở mỗi địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể chủ trì việc đó.

Họ chọn các nhà giáo giỏi ở môn đó và tiến hành giảng dạy qua việc ghi hình của đài.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có một bộ chung thì có thể giao cho các địa phương chủ động chọn giáo viên. 

"Phương thức này cũng rất dễ tiếp cận cho học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi ở các khu vực đó, truyền hình cũng đã có mặt.

Phần lý thuyết hoàn toàn có thể ghi hình và dạy trên hệ thống các đài phát thanh, truyền hình của các địa phương với thời gian rút ngắn hơn các tiết học ở trên lớp.

Các Sở Giáo dục, các phòng, các trường chỉ cần thông báo giờ phát, môn học, giảng dạy thành lịch cụ thể, các học sinh hoàn toàn có thể ở nhà học được.

Các kênh Trung ương hiện nay cũng có rất nhiều kênh, chúng ta hoàn toàn có thể bỏ bớt một chút thời gian để triển khai việc dạy học theo phương thức này.

Nếu triển khai việc này thì một ngày chúng ta tiết kiệm được toàn bộ công sức của học sinh, sinh viên.

Nhân cơ hội này, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chủ trương, chính sách rõ ràng với dạy học trực tuyến qua truyền hình, qua các kênh chia sẻ nguồn tài liệu giáo dục mở. Việc này lâu dài sẽ mang lại lợi ích rất lớn", thầy Nhĩ nêu quan điểm.

Đặc biệt, nếu việc này thành một chủ trương xuyên suốt và có các chính sách điều chỉnh phù hợp, sau này, những người thầy giáo giỏi hoàn toàn có thể dạy qua truyền hình.

"Chỉ cần chúng ta muốn làm thì có thể thiết kế dần ra các việc làm cụ thể. Nó không chỉ giải quyết các tình huống cấp bách như khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai mà nó còn là phương thức hiệu quả triển khai chủ trương học tập suốt đời", thầy Nhĩ nhận định.

Đỗ Thơm