Nguyên Bộ trưởng GD nói về bỏ thi tốt nghiệp

20/06/2011 07:50
(GDVN)- Nếu trường nào kiểm tra trong năm học chỉ 60 đến 70% đạt kết quả trung bình mà bây giờ kết quả tốt nghiệp 90% hay 100% thì nhất thiết phải thanh tra.

(GDVN) – Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa trôi qua được vài tuần, thì dư luận báo chí hết "nóng" lên vì chuyện có hay chăng việc lộ đề thi?, hay "đáp án vật lý không đúng thực tế"?, và lại sôi sùng sục với những nghi ngờ về bài thi địa lý của một nữ sinh TP.HCM có 2 nét chữ khác nhau, hay "Giáo viên chấm thi tự thỏa thuận để... cho điểm vô tư".

{iarelatednews articleid='5032,4663,4213'}

Để "tiếp chuyện" dư luận, Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Phạm Minh Hạc, hiện đang là Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục VN, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nhiều dấu chấm hỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chấm tự luận không thể theo một barem!

Thưa ông, vừa qua có thông tin về việc 11 tỉnh ĐBSCL “bắt tay” nhau thống nhất phương án chấm thi các môn tự luận cho riêng khu vực này, với cá nhân ông, là người đã từng có thời gian làm quản lí giáo dục, ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Đã gọi là kỳ thi quốc gia, đã có chuẩn của quốc gia. Theo tôi, không nên phân chia khu vực và có chuẩn khu vực  như thế.

Theo quan điểm của tôi, chấm văn không thể theo một barem nào được, không thể chỉ có một từ giống trong barem mà cho điểm được, mà phải đủ một câu hoàn chỉnh, có nghĩa. Đồng thời người chấm cũng phải cảm nhận được bài văn hay hay không, không thể có chuyện cho câu này 1 điểm, câu kia 2 điểm được, như thế là không đúng.

Trong quá trình chấm các môn tự luận, người giáo viên không thể bê nguyên cái barem khô cứng vào bài của từng thí sinh được. Vì thế, chuyện "bắt tay" nhau thống nhất phương án chấm các môn tự luận, tôi nghĩ chúng ta không nên mặc định đó là việc làm tiêu cực. Tốt hơn hết là chờ kết qua kiểm tra lại của Bộ Giáo dục về vấn đề này, chưa nên bình luận gì cả.

Ngoài ra, tôi thì thấy rằng, cách ra đề văn năm nay không hợp lí. Đối với học sinh, học hết lớp 12 là hết 12 năm phổ thông, tuổi cũng đã 18, đôi mươi rồi, đã là một thanh niên trưởng thành thì người đó phải có trình độ để viết được một bài văn hoàn chỉnh, có tính chất như một bài bình luận, nghị luận. Chứ đằng này đề văn lại hỏi một nhân vật, hỏi một câu thì tôi thấy không hợp lí. Nếu hỏi như thế chỉ ở trình độ phổ thông cơ sở mà thôi.

Thưa ông, dư luận đang tỏ ra nghi ngờ với kết quả thi tốt nghiệp "đẹp như mơ" mà Bộ Giáo dục Đào tạo công bố. Phải chăng là học sinh của ta đang ngày càng giỏi?


Trước hết, chúng ta phải xem lại quan niệm về thi tốt nghiệp, thi tốt nghiệp là tất cả học sinh đạt được học lực trung bình trong năm học thì có thể đỗ  được tốt nghiệp (Tốt nghiệp là lực học từ trung bình trở lên), nếu học sinh lớp 12 của một trường nào đó có học lực từ trung bình trở lên thì kết quả đỗ tốt ngiệp đạt 100% là chuyện bình thường. Ngược lại, nếu trường nào đó kiểm tra suốt trong năm học chỉ 60 đến 70% đạt kết quả trung bình mà bây giờ kết quả tốt nghiệp đạt trên 90% hay 100% thì nhất thiết phải thanh tra.

Muốn đánh giá chất lượng học sinh cho khách quan và đúng đắn thì phải xem lại kết quả học trong năm của học sinh qua các bài kiểm tra hằng ngày, giữa kỳ, cuối kỳ. Xem ở từng trường và từng địa phương bao nhiêu học sinh đạt được mức trung bình (trong năm học đối với học sinh  THPT sẽ có sổ điểm, sổ đầu bài theo dõi) đem so với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp này để đánh giá, đấy là một căn cứ khá khách quan.

Với cách làm này, theo tôi rất đơn giản. Đây là một cách làm để chúng ta đi tới kết luận với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao như thế thì lực học của của học sinh có thực sự cao hay không.

Liệu kết quả tốt nghiệp 1- 2 năm trở lại đây có tỉ lệ đỗ cao có phải là “căn bệnh thành tích” chứ không phải là thực lực của học sinh?

Chúng ta đang ở 2 cực: một là quá căng thẳng, hai là quá dễ dãi đều không đúng. Kỳ thi phải bình thường hóa, không có căng thẳng nhưng cũng không buông lỏng. Phải đảm bảo việc cầm cân nẩy mực.

GS Phạm Minh Hạc: Chưa nên bỏ kì thi tốt nghiệp trong thời gian này. Ảnh Xuân Trung
GS Phạm Minh Hạc: Chưa nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp
trong thời gian này. Ảnh Xuân Trung

Với điều kiện của nước ta, chưa nên bỏ thi tốt nghiệp THPT

Ông nghĩ sao về khả năng chấm chéo giữa các tỉnh nhằm có kết quả thi khách quan. Liệu có nên giữ phương án chấm chéo này trong năm sau?

Tôi nghĩ không cần thiết phải chấm chéo. Đây biểu hiện cho việc không tin nhau, trong giáo viên có những người chưa đủ đạo đức để đứng chấm bài, chấm chéo ngoài ra còn gây tốn kém. Theo tôi, giáo viên trường đó phải đủ trình độ, đủ đạo đức để chấm bài thi học sinh của mình, không cần phải chấm chéo, có thể tổ chức theo cụm gần nhau thì được.

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay cao ngất ngưởng. Ảnh Xuân Trung
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay cao ngất ngưởng. Ảnh Xuân Trung
 
Nhiều người cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt ngiệp THPT để tập chung cho đào tạo và kỳ thi ĐH, CĐ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Vấn đề này cũng phức tạp, không đơn giản một chút nào. Chúng ta cũng đã làm thử nghiệm rất là nhiều, từ tiểu học cũng có ý kiến nên bỏ thi, hay bỏ kiểm tra, bỏ không cho điểm mà chỉ xếp loại theo hình thức trung bình, khá, giỏi để tránh tình trạng so sánh điểm như ông này 10 điểm, chị kia 8 điểm. Nhưng cuối cùng đã học là phải đánh giá bằng kỳ  thi, đấy là một nguyên tắc. Với tình hình như hiện nay thì chưa nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhưng 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH tuy khác nhau về thời điểm, còn thì đều giống nhau ở chỗ đánh giá năng lực học sinh qua chương trình phổ thông?

Cái này phải quan niệm đúng về kỳ thi tốt nghiệp. Thi tốt ngiệp để đánh giá học lực từ trung bình trở lên, còn thi Đại học là tuyển sinh và xếp loại từ cao tới thấp. Hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau, từ đó đề thi phải hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, mỗi một trường đại học cũng có yêu cầu khác nhau. Chúng ta cũng biết,  tình hình phát triển kinh tế của chúng ta chưa bằng các nước phát triển, xã hội nhiều vấn đề phức tạp thì mình không nên theo một mô hình nào đó của các nước có điều kiện được. Nhưng chúng ta sẽ đến một thời điểm, đến một hoàn cảnh, một điều kiện để chúng ta kết hợp hai kỳ thi, cái đó có thể sẽ diễn ra, nhưng hiện nay chưa có.

Xuân Trung