Nhà xuất bản GDVN: Hàng triệu học sinh chịu cảnh tăng giá sách giáo khoa do đâu?

19/09/2021 13:34
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thanh, kiểm tra việc đấu thầu vật tư phục vụ in ấn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Vừa qua, nhiều đơn vị kinh doanh giấy có đơn gửi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phản ánh việc thiếu minh bạch, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, đồng thời kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thanh, kiểm tra việc mua sắm vật tư phục vụ in ấn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Đơn kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh kiểm tra việc chào hàng cạnh tranh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: N.M

Đơn kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh kiểm tra việc chào hàng cạnh tranh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: N.M

Chào hàng cạnh tranh nhưng “chỉ định” nhà cung cấp?

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là Công ty 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hàng năm, Nhà Xuất bảnGiáo dục Việt Nam được giao nhiệm vụ in ấn, xuất bản phẩm các loại sách chủ yếu là sách giáo khoa phục vụ cho việc học tập cho học sinh, sinh viên trong cả nước. Một trong các nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất là chi phí mua giấy để in sách, nó là một yếu tố tạo nên giá thành sản xuất và quyết định đến giá bán của sách giáo khoa. Số lượng giấy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sử dụng hàng năm ước tính hơn 40.000 tấn với giá trị ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

Hiện nay, đang có rất nhiều phản ánh của các doanh nghiệp cung cấp giấy về việc tổ chức lựa chọn nhà cung cấp giấy của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không đảm bảo các nguyên tắc công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Giá bán giấy của nhà cung cấp được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam lựa chọn cao hơn nhiều so với mặt bằng giá thị trường từ các nhà cung cấp khác.

Theo thông tin phóng viên thu thập được, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không tổ chức đấu thầu rộng rãi mà chỉ thực hiện mời chào hàng cạnh tranh trên cơ sở danh sách ngắn các nhà cung cấp giấy. Việc sơ tuyển danh sách ngắn (khoảng 5 nhà cung cấp) và lựa chọn nhà cung cấp giấy (khoảng 2 nhà cung cấp) không được thực hiện công khai, minh bạch gây bức xúc và dẫn đến khiếu kiện từ các nhà cung cấp giấy về vấn đề này.

Cụ thể ngày 29/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có văn bản số 1979, do ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc ký Thông báo về việc mua vật tư để in sách giáo dục phục vụ năm học 2022-2023. Chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp giấy được nhận thông báo này và đó là “tấm vé” để các doanh nghiệp đó được gửi hồ sơ đề xuất tham gia chào giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp khác không nhận được thông báo mặc nhiên bị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam loại ra khỏi cuộc chơi.

Công văn mà Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời Công ty cổ phần giấy Ngọc Việt đề ngày 20/08/2021 nhưng bì thư chuyển phát nhanh lại là ngày 27/08/2021 và còn ghi sai địa chỉ người nhận.
Công văn mà Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời Công ty cổ phần giấy Ngọc Việt đề ngày 20/08/2021 nhưng bì thư chuyển phát nhanh lại là ngày 27/08/2021 và còn ghi sai địa chỉ người nhận.

Chính vì vậy, ngày 04/09/2021, Công ty Cổ phần Công nghiệp giấy Ngọc Việt đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo phản ảnh như sau: Ngày 12/08/2021, công ty chúng tôi gửi công văn đến Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xin tham gia chào hàng cạnh tranh cung cấp giấy in các loại…Tới ngày 01/09/2021 chúng tôi nhận được văn bản trả lời của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rằng hồ sơ công ty chúng tôi không đạt yêu cầu vì công ty chúng tôi không thuộc quy trình lựa chọn nhà cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt NamĐược biết, trong 05 doanh nghiệp tham gia cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều nhận được Thông báo hướng dẫn về việc “mua vật tư để in sách giáo dục phục vụ năm học 2022-2023” vào ngày 20/08/2021, cũng theo “Thông báo” này thì hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia chào hàng là ngày 31/08/2021 . Như vây, sau khi nhận được văn bản của công ty chúng tôi, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cố tình không gửi Thông báo hướng dẫn nộp hồ sơ chào hàng và khi trả lời chúng tôi thì lại cho rằng công ty chúng tôi hồ sơ không đạt yêu cầu.

Đáng nói, Công văn mà Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời chúng tôi đề ngày 20/08/2021 nhưng bì thư chuyển phát nhanh lại là ngày 27/08/2021 và còn ghi sai địa chỉ người nhận khiến mãi tới ngày 01/09/2021 công ty chúng tôi mới nhận được văn bản trả lời của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, việc làm trên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là có ý đồ sắp xếp loại bỏ công ty chúng tôi trong việc tham gia chào hàng".

Một doanh nghiệp giấy khác cũng có đơn kiến nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời vì sao họ tham gia 5 gói thầu nhưng chỉ trúng 2 gói nhỏ

Một doanh nghiệp giấy khác cũng có đơn kiến nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời vì sao họ tham gia 5 gói thầu nhưng chỉ trúng 2 gói nhỏ

Bên cạnh đó, một doanh nghiệp giấy khác (đề nghị không nêu tên) cũng có đơn kiến nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời vì sao họ tham gia 5 gói thầu nhưng chỉ trúng 2 gói nhỏ. Doanh nghiệp này đề nghị Nhà xuất bản phải công khai biên bản mở hồ sơ; công khai giá trúng thầu; làm rõ các quy trình thực hiện điều 14, Nghị định 63/2014 NĐ- CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu trong việc lựa chọn nhà thầu. Doanh nghiệp này khẳng định giá của mình đưa ra với 5 gói thầu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là thấp nhất; tiêu chí kỹ thuật đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Luật đấu thầu năm 2013 có quy định về áp dụng Luật đấu thầu : “2. Trường hợp lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Theo doanh nghiệp, đến ngày 15/9/2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có văn bản 2083 phúc đáp với nội dung mập mờ, không làm rõ các kiến nghị của doanh nghiệp. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ nêu: “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam quy định và áp dụng đồng nhất các tiêu chí đánh giá kỹ thuật hồ sơ, mức giá đề xuất để chấm điểm đối với hồ sơ đề xuất (HSDX) của nhà cung cấp, HSDX của công ty không đủ điểm về yêu cầu kỹ thuật nên không đạt xếp hạng thứ nhất đối với gói 02: cung cấp giấy in GI 60g/m2; Gói 4: cung cấp giấy in GI 65g/m2; gói 5: cung cấp giấy bin GI 70g/m2”.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không cung cấp biên bản mở hồ sơ cũng như giá đưa ra của các nhà cung cấp như đề nghị của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đã có đơn gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị thanh tra toàn bộ quy trình chào giá cạnh tranh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Dư luận cho rằng, việc không tuân thủ các quy định đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp giấy của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của sách giáo khoa cho học sinh, đây là vấn đề gây rất nhiều bức xúc trong dư luận hiện nay.

Đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sớm có câu trả lời trước công luận về việc tăng giá sách giáo khoa làm thiệt thòi cho hàng triệu gia đình học sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng cách tổ chức chào giá cạnh tranh như trên là một trong những nguyên nhân tăng giá sách. Việc thanh tra quy trình tổ chức chào giá cạnh tranh trong nhiều năm qua là việc lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải triển khai sớm.

Sách giáo khoa tăng giá khiến phụ huynh lo lắng

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Để chuẩn bị cho việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Bộ cũng yêu cầu các nhà xuất bản phải công khai giá sách giáo khoa mới.

Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) gồm 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ. Bộ “Chân trời sáng tạo” gồm 10 cuốn có giá 179.000 đồng/bộ. Ngoài ra, sách giáo khoa tiếng Anh lớp 2 của Nhà xuất bản này có giá 52.000 đồng và Tiếng Anh Family and Friends 2 có giá 79.000 đồng.

Về phía Bộ, thời gian qua cơ quan này đã có nhiều công văn yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sách giáo khoa nhưng thực tế là 05 năm qua giá thành sách giáo khoa vẫn năm sau cao hơn năm trước.

Theo một vị chuyên gia: "Một trong những nguyên nhân chính khiến sách giáo khoa tăng là do giá giấy, giá mực, chi phí in ấn tăng.Ví dụ, trường hợp tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giá giấy in, mực in được nhập vào đều cao hơn nhiều với giá thị trường".

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 12 - 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với báo chí cho biết: “ Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, quốc sách hàng đầu, in ra là để phục vụ cho việc học tập của thế hệ trẻ.

Vì thế việc tăng giá sách giáo khoa thế nào phải có ý kiến của cơ quan quản lý giá, và nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo Chính phủ hoặc Quốc hội".

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không thể tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách dẫn đến thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tôi đề nghị Bộ Tài chính cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý vấn đề này phải có cân nhắc kỹ, kiểm soát chặt chẽ về giá sách của các nhà xuất bản, phát hành sách giáo khoa đưa ra”.

Được biết, việc quản lý tài chính, hoạt động kinh doanh, phát hành sách tại NXB Giáo dục Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện và sắp ban hành kết luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp giấy Ngọc Việt cho biết: Nhiều năm nay, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ định doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó mới được tham gia chào giá cạnh tranh. Giá trúng thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường. Các nhà cung cấp giấy này thậm chí nhập giấy từ cùng một nhà sản xuất ở nước ngoài nên điều kiện kỹ thuật của các doanh nghiệp này là như nhau. Nếu đúng ra doanh nghiệp nào trả giá thấp hơn thì doanh nghiệp đó trúng thầu. Thế nhưng nhiều năm nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không bao giờ công khai mức giá cho các nhà cung cấp.

Đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc ngay để làm rõ các kiến nghị của doanh nghiệp. Việc làm này là hết sức cần thiết để “phá băng lợi ích nhóm”, bảo đảm các quyền lợi của doanh nghiệp không bị xâm hại. Đặc biệt là để không dẫn đến việc tăng giá sách giáo khoa khiến hàng triệu học sinh thiệt thòi khi giá nguyên liệu đầu vào bị tăng giá một cách khó hiểu.

Thanh Thủy