"Nhờ các trường đại học xét tuyển học bạ nên em dạy thêm được"

06/03/2021 07:00
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì muốn điểm học bạ đẹp, học sinh trung học phổ thông đã đổ xô đi học thêm ngay từ lớp 10, học thêm để được giải đề kiểm tra, mớm đề kiểm tra trước.

Lâu ngày gặp lại học trò cũ, đang dạy Hóa học tại một trường trung học phổ thông vùng sâu, nhìn chiếc xe máy mới với món quà tặng thầy, tôi đoán dạo này em ăn nên làm ra. “Bộ trúng số hay sao mà thầy thấy em thấy thay đổi nhiều quá?”.

Nhỏ cười xòa “Thầy biết rồi, em có bao giờ mua vé số đâu. Nhờ xét tuyển học bạ nên em dạy thêm được thầy ạ.

Em chẳng dạy thêm ở ngoài, chỉ dạy thêm do trường tổ chức; em dạy 8 lớp chính khóa, học sinh tham gia học thêm cũng trên 80%.

Nói thầy mừng, cả lương và tiền dạy thêm, tháng cũng được gần hai chục. (cười) Hôm nay có việc đi qua đây, nhớ thầy, cũng lâu rồi chưa có dịp thầy trò hàn huyên, em ghé thăm thầy. Em mua món quà, của ít, lòng nhiều, em kính thầy, thầy nhận cho em vui”.

Nhỏ là học sinh cũ của tôi, từng đậu học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm, trầy trật mãi mới vào được biên chế hai năm nay.

Việc em dạy thêm được tôi không bất ngờ, vì em là người có năng lực; bất ngờ ở chỗ dạy thêm được là nhờ các trường đại học xét tuyển học bạ.

Vì muốn điểm học bạ đẹp, học sinh trung học phổ thông đã đổ xô đi học thêm ngay từ lớp 10. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Canthoplus.com)

Vì muốn điểm học bạ đẹp, học sinh trung học phổ thông đã đổ xô đi học thêm ngay từ lớp 10. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Canthoplus.com)

Xét học bạ vào đại học kích thích dạy thêm, học thêm!

Việc học sinh lớp 12 có điểm học bạ “đẹp” được lý giải là do các trường trung học phổ thông tổng kết thoáng, tạo cơ hội cho học sinh đậu Tốt nghiệp Trung học phổ thông, khi điểm học bạ vẫn nằm trong cơ cấu điểm trúng tuyển Tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Thế nhưng điểm học bạ lớp 10, lớp 11 “đẹp” lại là một chuyện khác. Đa phần các trường đại học xét tuyển bằng học bạ nhận hồ sơ sớm ngay từ đầu tháng 3, tập trung xét điểm học bạ của lớp 10, lớp 11 và học kì I lớp 12; nguyên nhân điểm học bạ của lớp 10, lớp 11 và học kì I lớp 12 đẹp chủ yếu là do xét học bạ vào đại học.

Xét học bạ vào đại học trước đây được quan niệm chỉ dành cho các trường “tốp dưới”, hiện nay đã trở thành phương thức tuyển sinh chung của nhiều trường đại học lớn, như Đ.H.N.T, Đ.H.K.T.T.P, Đ.H.S.P.H.N v.v...

Khi phương thức tuyển sinh xét tuyển học bạ trở nên phổ biến, tỷ lệ cạnh tranh cũng sẽ gay gắt không kém việc xét điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Đánh giá năng lực; điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước.

Vì vậy, muốn vào đại học bằng phương thức tuyển sinh xét tuyển học bạ cần có điểm học bạ “đẹp”. Hay nói cách khác, điểm học bạ “đẹp” sẽ có cơ hội vào đại học.

Thực tế không ít học sinh của người viết, tổ hợp điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Đánh giá năng lực “bèo bọt” nhưng nhờ học bạ đã trúng tuyển trường đại học tốp trên.

Chính vì muốn điểm học bạ đẹp, học sinh trung học phổ thông đã đổ xô đi học thêm ngay từ lớp 10, học thêm để được giải đề kiểm tra, mớm đề kiểm tra trước.

Vô tình, phương thức tuyển sinh xét tuyển học bạ đã và đang thành “động lực” kích thích dạy thêm, học thêm trong các trường trung học phổ thông hiện nay.

Cần thay đổi phương thức xét tuyển đại học

Chúng ta đang học gì thi nấy, thi gì học nấy, chính các kì thi đã và đang điều chỉnh việc dạy và học của cả thầy và trò ở giáo dục phổ thông.

Khi phương thức tuyển sinh xét tuyển học bạ trở nên phổ biến, đã điều chỉnh việc dạy thêm và học thêm của cả thầy và trò là một thực tế. Dạy thêm, học thêm ở trường trung học phổ thông hiện nay đang hoạt động “hết công suất”.

Những học sinh tự tin về tổ hợp môn mình “đầu tư” từ đầu cũng tham gia học thêm để có điểm học bạ “đẹp”, tăng cơ hội vào đại học cho chính mình, khi cần xét học bạ.

Dạy thêm, học thêm không hề có tác dụng định hướng nghề nghiệp, phân luồng lao động mà chỉ tăng thêm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” cho nguồn lao động nước ta hiện nay.

Giáo dục đang hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Muốn định hướng cho giáo dục phổ thông phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, xét tuyển đại học phải dựa trên phẩm chất và năng lực của học sinh.

Trong các phương thức xét tuyển đại học học hiện nay, phương thức dựa vào điểm thi Đánh giá năng lực là ưu việt nhất; phương thức này nên mở rộng để lan tỏa tính tích cực cho các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai