Những bất cập về điểm sàn vào lớp 10 ở tỉnh Vĩnh Phúc

04/07/2017 08:18
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc hướng dẫn: sau khi công bố kết quả chấm thi, các Trường trung học phổ thông được tuyển bổ sung chỉ tiêu cho nguyện vọng 2.

LTS: Vấn đề "có nên duy trì điểm sàn hay không" đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người.

Từ thực tế tại địa phương, nhằm nêu lên quan điểm về vấn đề này, tác giả Nguyễn Văn Lự đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết của mình. Đồng thời, tác giả mạnh dạn đưa ra quan điểm cần bỏ điểm sàn trong tuyển sinh vào lớp 10 và đại học ngay từ năm 2018.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Vài năm nay, Vĩnh Phúc là tỉnh dẫn đầu cả nước trong công tác phân luồng, mạnh dạn khuyến khích học sinh học hết lớp 9 và lớp 12 đi học nghề bằng chính sách ưu đãi. Học sinh được hỗ trợ học phí, nhà ở và điều kiện học tập.

Năm 2016, các trường vận động học sinh yếu về học lực không tham gia dự thi tuyển sinh, thì đến năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi kịp thời, đúng luật về quyền được thi và học của học sinh, tất cả các em đều tham gia dự thi và lấy điểm để xét vào các trường nghề.

Sở Giáo dục Vĩnh Phúc cũng quy định thí sinh chỉ thi để lấy kết quả xét vào hệ bổ túc và trường nghề, dù điểm cao cũng không được xét vào các trường chính quy. Sau đó, Sở Giáo dục Vĩnh Phúc đã có văn bản điều chỉnh, thí sinh đạt điểm chuẩn vẫn được quyền vào học như những thí sinh khác. Các thay đổi đó thể hiện sự cầu thị và hợp với nguyện vọng của nhân dân và lãnh đạo ngành giáo dục Vĩnh Phúc. 

Hình ảnh minh họa thí sinh làm thủ tục thi (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh minh họa thí sinh làm thủ tục thi (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Những năm gần đây, Vĩnh phúc và một số tỉnh vẫn duy trì điểm sàn tuyển sinh vào lớp 10, tạo cơ hội đi học cho hàng trăm thí sinh không đỗ vào các trường trọng điểm. Việc cho phép tuyển bổ sung theo điểm sàn (giống như tuyển sinh đại học) nhằm:

- Đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh giữa các trường, thực hiện quyền tự do học tập theo Luật Giáo dục hiện hành.

- Thực hiện đúng chủ trương phân luồng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, đảm bảo khoảng 70% học sinh tốt nghiệp lớp 9 được học tiếp bậc trung học phổ thông, số còn lại sẽ đăng kí học bổ túc và học nghề phổ thông.

- Các trường có tỉ lệ thí sinh đăng kí dự thi thấp sẽ có cơ hội tuyển được thí sinh có điểm thi cao; giúp cải thiện chất lượng học sinh, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhà giáo.

Không có điểm chuẩn cho từng Trường trung học phổ thông

Bên cạnh đó, việc quy định điểm sàn ở các huyện thị có sự khác nhau, dựa vào điểm thi và số lượng chỉ tiêu được phê duyệt. Điểm chuẩn chỉ dành cho các trường có số thí sinh đăng ký dự thi cao và tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi điểm sàn lại dùng để tuyển bổ sung số lượng thí sinh cho những trường bị thiếu nhưng không thể lấy dưới ngưỡng điểm sàn.  

Phần lớn thí sinh và phụ huynh do chưa hiểu đầy đủ thông tin về điểm chuẩn và điểm sàn (điểm chuẩn của năm 2017 không thể như năm 2016). Điểm chuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào đề thi, việc coi thi, chấm thi và chất lượng bài làm của học sinh.  

Với 70 % học sinh lớp 9 được học trung học phổ thông, theo Kế hoạch số 25/ KH- SGD ĐT ngày 25/4/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, những Trường trung học cơ sở đã thực hiện tốt công tác tư vấn cho các vị phụ huynh và học sinh nên dựa theo năng lực của bản thân trước khi đăng kí.

Thực tế, Vĩnh Phúc có những năm học điểm sàn ở một số khu vực chỉ lấy 12 điểm, chia bình quân cho 5 (điểm 2 môn Văn và Toán nhân đôi và một môn thứ 3), trong khi các trường lớn của mỗi huyện thị điểm chuẩn là gần 30 điểm. Cá biệt năm 2017, Trường trung học phổ thông Lê Xoay không đủ chỉ tiêu để tuyển sinh, do năm 2016 điểm đầu vào của trường là 28 điểm nên nhiều em sợ trượt không dám đăng kí.

Những bất cập về điểm sàn vào lớp 10 ở tỉnh Vĩnh Phúc ảnh 2

Dự kiến bỏ điểm sàn là quyết định sáng suốt của Bộ trưởng Nhạ

Câu chuyện chất lượng giáo dục và những chính sách điều hành của mỗi nhà trường đang là điểm quan tâm của phụ huynh, học sinh. Nguyên nhân có thể do các thí sinh và phụ huynh còn thiếu nhiều thông tin quan trọng, hiệu quả của công tác tư vấn chưa tốt, cùng với những tác động dư luận khác dẫn đến việc ồ ạt thi vào trường này, bỏ qua trường bên.  

Mặt khác, công tác hướng nghiệp ở trường trung học cơ sở còn yếu nên xảy ra việc chọn trường dự thi mà không cần tính đến lực học của học sinh. Quan điểm học đại học hay học ở môi trường an toàn và tốt vẫn được phụ huynh đặt lên hàng đầu.

Hy vọng các nhà trường sẽ có những thay đổi nhanh chóng từ công tác quản lý đến điều hành; cải thiện môi trường giáo dục đẩy mạnh chất lượng dạy và học cùng với chính sách thu chi tài chính, đóng góp minh bạch nhằm làm thay đổi nhận thức và củng cố niềm tin của hàng nghìn phụ huynh, học sinh.

Việc Sở Giáo dục Vĩnh Phúc không quy định trước khi thi chính thức các thí sinh được tuyển nguyện vọng 2 đã làm nhà trường và phụ huynh, học sinh lúng túng. Mặt khác, khi tư vấn, để khẳng định chất lượng và uy tín, cán bộ một số trường luôn nhấn mạnh trường X, Y sẽ không tuyển nguyện vọng 2.

Vì vậy, sau khi Sở công bố văn bản 655/SGD ĐT- GDTrH ngày 21/6/2017, đã gây ra sự ngỡ ngàng đối với của một số đơn vị và phụ huynh. Để tuyển đủ học sinh, chúng ta có thể lấy nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và 3 nhưng cần minh bạch, công khai các điều kiện trước khi thi.

Bên cạnh, nhiều trường công khai chỉ tiêu thiếu, cách thức xét tuyển, thời gian thu nộp hồ sơ, thì vẫn có trường không công khai rõ ràng, minh bạch. Nhiều phụ huynh và học sinh chờ đợi, nghe ngóng, chạy đôn chạy đáo để lo cho con có xuất học. Theo văn bản 655, đến ngày 05/7/2017, sau khi công bố điểm phúc khảo, mới hết hạn nộp đơn xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng một vài trường đã không nhận hồ sơ từ ngày 30/6/2017 với lý do “đã đủ rồi”.

Nếu các trường làm đúng theo văn bản 655: “xét từ cao xuống đến đủ chỉ tiêu còn thiếu” thì hoàn toàn không có chỗ cho thân quen và nhờ gửi. Thực tế, vì có nguyện vọng 2 và ràng buộc “không được chuyển trường suốt 3 năm học” còn khuất lấp đã khiến các bậc phụ huynh đặt ra câu hỏi và nghi ngờ.

Chủ trương quy định điểm sàn năm 2017 và cho phép tuyển bổ sung của lãnh đạo Sở Giáo dục Vĩnh Phúc hoàn toàn đúng đắn, việc thực hiện ở một vài nơi đã làm cho chủ trương này trở thành cơ hội cho tiêu cực. Việc tuyển sinh vào lớp 10 cần được người có trách nhiệm kiểm tra và chấn chỉnh. 

Điểm sàn tuyển sinh và băn khoăn về chất lượng?

Vĩnh Phúc một trong những tỉnh đứng đầu về Giáo dục trong cả nước (luôn đạt gần hết 16 tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo), với gần 38 Trường trung học phổ thông, dân số khoảng 1,2 triệu, 9 đơn vị hành chính, mỗi huyện thị 4-5 trường, 12 trường chuyển từ bán công lên công lập từ năm học 2009-2010 và các trường phía dưới.

Dù được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa thống nhất được điểm chuẩn theo nguyện vọng cho từng trường như nhiều tỉnh thành khác đã làm không ít người băn khoăn.

Có nhiều nguyên nhân: do quy hoạch điểm Trường trung học phổ thông rất gần nhau, thậm chí chung tường (trường Lê Xoay và trường Vĩnh Tường); do chất lượng học sinh; do tư vấn; do công tác phối hợp giữa các đơn vị... 

Những bất cập về điểm sàn vào lớp 10 ở tỉnh Vĩnh Phúc ảnh 3

Bỏ điểm sàn tuyển sinh, xu thế và những hệ lụy

Các hình thức tuyển sinh, thi tuyển, xét tuyển đầu cấp của các địa phương còn nhiều phức tạp, đòi hỏi cơ quan tổ chức cần nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, công bằng, bảo đảm quyền lợi cho người học theo luật định.

Điểm sàn tuyển sinh lớp 10 của Vĩnh Phúc nói riêng và một số tỉnh nói chung liên quan trực tiếp đến chất lượng đầu vào của học sinh lớp 9. Hàng trăm điểm liệt, hàng trăm thí sinh có tổng điểm dưới 10…đã phản chiếu sự khác biệt giữa kết quả xếp loại và thực tế chất lượng bài thi; sự chênh lệch của các cấp học và chất lượng giữa các vùng miền ở nhiều địa phương.

Vì thế, nhiều nơi vẫn lấy chỉ số thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào lớp 10 và đại học để xem xét đánh giá các nhà trường và cán bộ quản lý, dẫn đến không ít Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông vi phạm Luật Giáo dục.

Điểm sàn tuyển sinh lớp 10 còn cho thấy nơi nào có điều kiện học thêm nhiều, nơi đó điểm thi sẽ cao hơn. Nhiều ý kiến đồng tình đề nghị Bộ Giáo dục bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học từ năm 2018, nhưng để duy trì cho các trường phía dưới tồn tại nên không ít người đòi giữ lại. 

Phải chăng, nếu điểm sàn trở thành phao cứu sinh cho công tác tuyển sinh và là nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo yếu kém? Vì một nền giáo dục hiện đại, theo tôi, cần bỏ điểm sàn trong tuyển sinh vào lớp 10 và đại học ngay từ năm 2018.

Hy vọng các trường phổ thông công lập, tư thục hay trung tâm giáo dục thường xuyên cũng như các trường đại học, cao đẳng cần làm tốt việc tư vấn tuyển sinh, nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, nhằm thu hút học sinh và tuyển đủ chỉ tiêu phù hợp với chất lượng của nhà trường đề ra.  

Nguyễn Văn Lự