Những cặp vợ chồng gieo chữ nơi “không chợ, không sóng điện thoại, không điện"

12/02/2021 07:10
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Trong bản ba không, không chợ, không sóng điện thoại, không điện lưới, cặp vợ chồng thầy Đao Văn Thích và cô Chim Thị Mừng đã trụ tại bản suốt 3 năm trời".

Thầy giáo mầm non đã ít gặp, nhưng cả cặp vợ chồng cùng dạy một điểm mầm non lại càng hiếm hơn. Tuy nhiên ở huyện Mường Tè (Lai Châu), đó lại là câu chuyện bình thường. Chính họ đã và đang đóng góp phần quan trọng để giáo dục vùng cao thêm khởi sắc.

Những cặp vợ chồng nhiều con nhất rẻo cao

Mường Tè – mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc, cách tỉnh lỵ Lai Châu đến 200 km, huyện nằm trên độ cao từ 900 mét đến 1500 mét so với mực nước biển, giao thông còn nhiều khó khăn với cộng đồng dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để gieo được cái chữ cho những đứa trẻ ở miền cao này, biết bao thế hệ thầy và trò cùng những người làm công tác giáo dục đã nỗ lực vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội cũng như phong tục tập quán còn lạc hậu của người dân nơi đây.

Nhiều năm qua, khắc phục khó khăn do điều kiện khách quan mang lại, đời sống giáo dục ở Mường Tè đã có nhiều khởi sắc. Một trong những điểm sáng mang lại thành công ấy là công tác giáo dục mầm non.

Từ điểm sâu như điểm U Pa Tết (xã Tà Tổng) hay những điểm cao sát đường biên giới của xã Pa Vệ Sử như Sín Chải A, B, C… những địa danh này ai từng một lần qua đây có lẽ cũng ít nhiều nản lòng. Nhưng ở đó, câu hát “ai hỏi cháu cháu học trường nào đấy, bé nào ngoan lại múa hát thật hay…” vẫn cất lên véo von trên môi những đứa trẻ người Mông, La Hủ, Hà Nhì, Si La...

Giờ đây, các điểm trường mầm non khang trang đã được xây dựng. Những lớp học kín gió đã thay thế lớp học nhà tạm, giữ ấm cho các con ngày ngày vui bên con chữ, lời ca, tiếng hát đầu đời.

Chính những lớp học này đã ươm mầm cho biết bao thế hệ học trò vùng cao, giúp xóa bỏ nạn mù chữ nơi đây. Ở đó, có không ít cặp vợ chồng thầy cô giáo mầm non.

Họ đang đóng vai trò là người cha, người mẹ thứ hai, giáo dục các kiến thức đầu tiên cho trẻ, giúp trẻ học hỏi được nhiều điều, tự tin hơn trong môi trường vốn còn nhiều bỡ ngỡ với các bé.

Trên điểm Sín Chải A (Trường mầm non Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè), có cặp vợ chồng thầy giáo mầm non Mào Văn Nước và cô Lù Thị Dòn. Hai vợ chồng phụ trách 30 trẻ mầm non người dân tộc La Hủ. Những đứa trẻ chưa từng biết đến tiếng phổ thông và cũng bữa đói bữa no trước khi ra lớp.

Hai vợ chồng thầy giáo Mào Văn Nước và cô Lù Thị Dòn. (Ảnh: L.C)

Hai vợ chồng thầy giáo Mào Văn Nước và cô Lù Thị Dòn. (Ảnh: L.C)

Những điều các con học được ở lớp của cô Dòn, thầy Nước chưa từng ai cho chúng biết.

Chính điều đó khiến chỉ một thời gian lên lớp, những đứa trẻ người La Hủ thấy đến trường thích hơn ở nhà, như thầy Nước bảo, không còn phải đi vận động học sinh nữa, chỉ thông báo thôi là các con thích đến lớp hơn ở nhà rồi.

Tại trường Mầm non Tà Tổng, cô giáo Đỗ Lan Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường có đến 6 cặp vợ chồng là giáo viên đang cắm bản ở những điểm xa trung tâm.

“Hành trình vào đến điểm trường U Pa Tết của chúng tôi là hành trình “lạnh sống lưng”, khi phải vượt qua con đường độc đạo với bề ngang chỉ chưa đầy 40 cm với một bên là vực thẳm một bên là núi cao.

Trong bản ba không, không chợ, không sóng điện thoại, không điện lưới, cặp vợ chồng thầy Đao Văn Thích và cô Chim Thị Mừng đã trụ tại bản suốt 3 năm trời để làm công tác giáo dục”, cô Hương chia sẻ.

Điểm trường có 55 học sinh, độ tuổi từ 2 – 5 tuổi, các con cũng đều là dân tộc Mông. Ở bản tiếng phổ thông gần như chỉ được cất lên trong lớp mầm non và lớp tiểu học.

Xa nhà, xa con nhỏ nhưng cả thầy Nước, cô Dòn hay thầy Thích cô Mừng đều tình nguyện đi những bản xa để ươm mầm con chữ cho các con.

Chồng một việc, vợ một việc, họ cùng nhau tạo thành những lớp học mầm non ở điểm cao có chất lượng giáo dục tốt.

Thầy giáo Đao Văn San - Hiệu phó trường Mầm non Tà Tổng cho biết, dù khó khăn nhưng lớp học của cô giáo Chim Thị Mừng vẫn đạt chất lượng tốt khi khảo sát.

Cô Mừng cũng đang được nhà trường đề nghị lên cấp trên để có những khen thưởng, động viên kịp thời.

Thầy giáo Đào Văn Thích đang hướng dẫn lớp mầm non những bài hát đầu đời. (Ảnh: L.C)

Thầy giáo Đào Văn Thích đang hướng dẫn lớp mầm non những bài hát đầu đời. (Ảnh: L.C)

Tình yêu nghề, yêu con trẻ đã vượt lên tất cả

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nước - cô Dòn hay thầy Thích – cô Mừng đều cho biết, điều giúp họ vượt qua được khó khăn khi xa nhà, xa con nhỏ chính là tình yêu đặc biệt với nghề giáo viên mầm non.

Dù là cùng huyện, cả 4 thầy cô đều ở xã Bum Nưa của huyện Mường Tè nhưng nhà họ cách trường đều cả trăm kilomet. Khoảng cách về điều kiện sống giữa các xã ở huyện Mường Tè còn lớn.

Những ánh mắt thơ ngây, nụ cười của các con và niềm vui của các phụ huynh vào giờ đón trẻ là động lực để những cặp vợ chồng giáo viên rất đặc biệt này tiếp tục cống hiến cho vùng cao, để yêu thương những đứa trẻ như yêu con của mình.

So với đồng nghiệp nữ, các thầy giáo mầm non cho biết, cũng có đôi chút khó khăn do bất đồng ngôn ngữ với các cháu ở đây. Múa hát, hay vệ sinh cho các cháu đối với họ cũng hông được khéo léo như các cô giáo.

Các thầy đã cố gắng hoàn thiện hơn từng bước một để phù hợp hoàn cảnh và học hỏi chính đồng nghiệp đồng thời cũng là vợ mình.

Vợ chồng thầy giáo Đao Văn Thích và cô giáo Chim Thị Mừng cùng các em học sinh điểm trường U Pa Tết. (Ảnh: L.C)

Vợ chồng thầy giáo Đao Văn Thích và cô giáo Chim Thị Mừng cùng các em học sinh điểm trường U Pa Tết. (Ảnh: L.C)

Trong công tác chuyên môn cũng như cuộc sống, những cặp vợ chồng giáo viên mầm non cùng động viên nhau nhau vượt qua khó khăn để ổn định công tác.

Cô Đỗ Lan Hương – Hiệu trưởng trường Mầm non Tà Tổng chia sẻ thêm, các cặp vợ chồng giáo viên mầm non đều xung phong đi những điểm xa. Ở những điểm xa ấy, các thầy cô góp phần vào ổn định công tác giáo dục tại địa phương.

Ông Tống Thanh Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, ngành giáo dục huyện Mường Tè rất ghi nhận các thầy cô giáo đang cắm bản ở những điểm sâu, điểm xa. Thầy cô giáo đã vượt qua nhiều khó khăn, bám trường, bám bản để giữ vững công tác giáo dục của huyện nhà.

Ông Sơn cũng cho biết, ngành cũng sẽ có nhiều khen thưởng, động viên kịp thời cho các thầy cô giáo cắm ở những vùng bản xa xôi.

Một mùa xuân mới sắp về, những cặp vợ chồng cô giáo mầm non sẽ trở về với gia đình nhỏ. Sau đó, họ lại rời xa tổ ấm, đưa nhau lên những điểm trường, miệt mài bám trường, bám lớp “ươm” những mầm xanh trên những đỉnh núi mù sương nơi đại ngàn cuối trời Tây Bắc.

Lại Cường