Những kẻ lừa đảo đang giăng bẫy thầy cô ngay từ cổng trường

13/12/2019 09:04
Hồ Oanh
(GDVN) - Chuyện bị lừa đảo tại trường học đã có nhiều trường hợp xảy ra, thế nhưng phải làm sao để khỏi bị lừa, vừa mất tiền oan, vừa mang cục tức?

Sáng nay, cô hiệu trưởng trường tôi vào phòng chưa được 10 phút thì chú bảo vệ đến phòng: “Cô ơi, chiều qua có người đến giao hàng, họ bảo không liên lạc được với cô, nhờ em nhận giúp cho cô; em gửi 460.000 đồng cho họ, nhận dùm cho cô đây ạ”.

Hộp đựng hàng đẹp, sạch, nặng chừng nửa kg; chỉ có tên, địa chỉ, số điện thoại của cô giáo, số tiền phải thu 460.000 đồng.

Mở ví lấy tiền trả cho bảo vệ, cô tiếp tục công việc thường ngày. Nghỉ giữa giờ mấy cô giáo vào chơi, khen hộp quà đẹp, mới nhớ đến, vừa mở ra vừa nói: “Mấy ngày nay mình không đặt món hàng nào, sao lại có người gửi đến?”.  

Cô từ từ mở ra xem, chỉ là một bịch ni lông đựng cát sỏi xà bần. “Ôi, thế là bị lừa rồi!”.

Món hàng không đặt mua, vậy mà mất oan gần nửa triệu bạc của cô giáo. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Món hàng không đặt mua, vậy mà mất oan gần nửa triệu bạc của cô giáo. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thường ngày, các thầy cô mua hàng trực tuyến hay nhờ chú bảo vệ nhận hàng; có khi trả tiền giúp, rồi nhận hàng; cô hiệu trưởng cũng là một trong số đó, đi làm ở lại trường cả ngày, nên chọn địa chỉ ở trường cho tiện. 

Chuyện bị lừa như cô giáo hiệu trưởng không mới, xảy ra ở nhiều nơi rồi, thế nhưng phải làm sao để khỏi bị lừa, vừa mất tiền oan, vừa mang cục tức là chuyện cần bàn.

Nguyên tắc dành cho người nhận hàng giúp: Tuyệt đối không nhận hàng, trả tiền giúp người khác, khi người mua hàng không gọi điện nhờ vả.

Nếu có ai gọi điện nhờ nhận hàng giúp, phải hỏi rõ có cần kiểm tra không, nếu người mua hàng nhờ kiểm tra mà không thuộc “chuyên môn” mình, nên khéo léo từ chối, kẻo hại người và … hại cả mình.

Nguyên tắc dành cho người đặt mua hàng: Chọn đúng địa chỉ bán hàng uy tín, có thương hiệu.

Với những loại hàng không được kiểm tra trước khi trả tiền, nên hạn chế mua sắm trực tuyến.

Nếu phải mua trực tuyến, nên chọn địa chỉ tin cậy, có uy tín trên thị trường, có chuyện gì xảy ra còn có “tóc” mà nắm; cẩn thận hơn, yêu cầu shipper liên hệ lại nơi gửi để mở gói hàng kiểm tra.

Giả danh từ thiện, vào tận trường lừa đảo
Giả danh từ thiện, vào tận trường lừa đảo

Kiểm tra đơn hàng trước khi kiểm tra hàng; đơn hàng phải có thông tin người gửi rõ ràng từ tên đến địa chỉ, số điện thoại v.v...

Kiểm tra hàng ưng ý, đúng như “quảng cáo”, như hình ảnh trên mạng mới trả tiền, không thì thôi (nếu có điều kiện cho shipper tiền ship).

Nếu là nơi bán hàng có uy tín, chắc chắn họ sẽ gọi lại cho bạn để biết nguyên nhân bạn không nhận hàng; giúp họ khắc phục cho sản phẩm tốt hơn.

Nếu mình không đặt hàng, tuyệt đối không nhận hàng, không mở gói hàng ra để tránh những điều không hay có thể xảy ra.

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu của xã hội, kèm theo đó là đầy rẫy chiêu lừa đảo của những kẻ bất lương; cẩn thận khỏi bị lừa, mất tiền oan, mang cục tức ảnh hưởng cuộc sống của mình đó là người tiêu dùng thông thái trong thời đại công nghệ số.

Hồ Oanh